English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế trở lại vị trí thứ 8 Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học Webometrics (31-07-2019 17:05)
Góp ý

Trang "Ranking Web of University" (http://www.webometrics.info) đã công bố bảng xếp hạng đại học (thường gọi là xếp hạng Webometrics) tháng 7 năm 2019. Theo đó, trong 180 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp hạng lần này, Đại học Huế đứng ở vị trí thứ 8. Như vậy, thứ hạng của Đại học Huế đã tăng 2 bậc từ lần xếp hạng tháng 1/2019 (thứ 10) và trở lại vị trí thứ 8 đã từng đạt được trong đợt tháng 7/2018.

 

Thông tin cập nhật (7/8/2019):

Sau khi công bố xếp hạng Phiên bản 2019.2.1 (như tin đã đưa ngày 31/7/2019 bên dưới), Webometrics đã nhận được yêu cầu từ nhiều trường đại học đề nghị quay lại sử dụng Google để tính toán cho tiêu chí Pressence thay vì Ahrefs. Webometrics đã chấp nhận, tính toán lại tiêu chí này và từ đó tính toán lại thứ hạng tất cả các cơ sở giáo dục và công bố phiên bản 2019.2.2. 

Theo công bố mới, ở Việt Nam, thứ hạng trong top 10 có một số xáo trộn:

- ĐHQG Hà Nội chuyển lên vị trí số 1, Trường ĐHBK Hà Nội xuống thứ hai (đổi chỗ cho nhau)

- Trường ĐH Cần Thơ lên vị trí thứ 3 và Trường ĐH Tôn Đức Thắng xuống vị trí thứ 4 (cũng đổi chỗ cho nhau)
- Trường ĐH Vinh từ ví trí 11 nhảy vào top 10, trong khi Học viện Công nghệ Bưu chính Viến thông từ thứ 9 ra khỏi top 10 xuống thứ 11.
 
Đại học Huế vẫn không thay đổi thứ hạng ở Việt Nam (thứ 8), nhưng  có giảm nhẹ thứ hạng toàn cầu (từ 3763 xuống 3780).
 

 

 

 

Ở lần xếp hạng này, dẫn đầu Việt Nam là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tiếp theo từ vị trí thứ 2 đến 7 lần lượt là các đơn vị: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Mỏ-Địa chất Hà Nội và Trường ĐH Y Hà Nội. Vị trí dẫn đầu đã được đổi chỗ giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐHQG Hà Nội so với lần xếp hạng trước.

 

Webometrics có vài thay đổi trong phương pháp ở lần xếp hạng 7/2019  như: tiêu chí Sự hiện diện (Presence) lấy từ nguồn Ahrefs thay vì Google, tiêu chí Tính mở (Transparency hay Openess) tính từ số trích dẫn của 100 tác giả hàng đầu của đơn vị thay vì một số không cố định tác giả hàng đầu và tiêu chí Tính xuất sắc/Học thuật (Excellence/Scholar) tính từ số bài báo có số trích dẫn ở top 10% trong giai đoạn 2013-2017 thay vì 2012-2016 của lần xếp hạng trước.

 

Một vấn đề có lẽ ảnh hưởng đáng kế đến thứ hạng của Đại học Huế là sự phân tán dữ liệu xếp hạng. Trong bảng xếp hạng tháng 7/2019 cùng với Đại học Huế còn có cả 5 trường đại học thành viên: Trường ĐH Kinh tế (thưa 50), Trường ĐH Nông Lâm (thứ 55), Trường ĐH Y Dược (thứ 76), Trường ĐH Sư phạm (thứ 82) và Trường ĐH Nghệ thuật (thứ 129). Với tên các trường bằng tiếng Việt (ví dụ: Trường Đại học Kinh tế Huế) và tiếng Anh (ví dụ: Hue College of Economics) cùng với tên miền trang chủ (ví dụ: www.hce.edu.vn) xuất hiện trong bảng, các trường đã được Webometrics xếp hạng riêng không gộp chung vào cho Đại học Huế.

 

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là trong khi thứ hạng thế giới của các tiêu chí khác của ĐH Huế đều đi xuống thì thứ hạng tiêu chí Openess lại tăng lên đáng kế, từ 5041 (1/2019) lên 3938 (7/2019). Tiêu chí này liên quan đến số trích dẫn tính từ Google Scholar. Từ cuối tháng 5/2019, ĐH Huế đã có chính sách đấy mạnh sự hiện diện của các nhà khoa học trên các CSDL khoa học trực tuyến, trong đó có Google Scholar, và số hồ sơ trên CSDLKH này đã tăng từ 85 (5/2019) lên 112 (7/2019). Webometrics xếp hạng dựa trên số liệu thu thập tháng 7/2019. Như vậy, bước đầu chính sách của ĐH Huế đã có được hiệu quả nhất định.

 

Để cải thiện thứ hạng trên Webometrics, Đại học Huế cần tiếp tục duy trì chính sách một tên miền chung (chuyển tên miền các đơn vị thành viên sang tên miền cấp 2 dưới hueuni.edu.vn), tăng số lượng website của các đơn vị và các trang web chuyên đề dưới tên miền chính; cần khuyến khích các đơn vị đăng tải nhiều hơn các file dữ liệu mở (nhất là dữ liệu bài báo của Tạp chí Khoa học Đại học Huế). Đồng thời, việc gia tăng số lượng và chất lượng các công bố quốc tế sẽ là 2 yếu tố then chốt đóng góp quan trọng cho cải thiện thứ hạng.

 

Xếp hạng Webometrics được thực hiên bởi Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) hai lần một năm kể từ năm 2004, với dữ liệu được thu thập trong những tuần đầu tháng 1 và tháng 7 hàng năm và công bố vào cuối tháng. Bảng xếp hạng nay bao gồm hơn 28.000 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Mục tiêu của Webometrics là khuyến khích sự hiện diện của các website học thuật và đăng tải thông tin trên mạng internet, hỗ trợ các sáng kiến Truy cập mở (Open Access initiatives) nhằm thúc đẩy việc chuyển giao tri thức khoa học và văn hóa do các trường đại học tạo ra cho xã hội. Trong nỗ lực nhằm tăng hàm lượng về học thuật trong xếp hạng, từ đợt 1/2017, Webomectrics đã tăng trọng số tiêu chí Tính xuất sắc/Học thuật từ 30% lên 35%, trong khi giảm trọng số tiêu chú Sự hiện diện tư 10% xuống còn 5%.

Xếp hạng trong ấn bản tháng 7/2019 của Webometrics dựa trên 4 tiêu chí sau: 


- Sự hiện diện (Presence)
: Số lượng các trang web thuộc tên miền chinh của cơ sở giáo dục đại học; bao gồm tất cả tên miền phụ chia sẻ tên miền chính và tất cả các dạng file (cả .DOC, .PDF); được xác định theo Ahrefs (trọng số 5%); 

 

- Mức độ hiển thị (Visibility) hay Mức độ tác động (Impact): Số lượng các mạng bên ngoài có liên kết ngược (backlinks) đến các trang web của cơ sở giáo dục đại học; được xác định theo Ahrefs và Majestic (trọng số 50%); 

 

- Tính mở (Transparency hay Openess): Số lượng trích dẫn từ 100 tác giả hàng đầu, được xác định theo Google Scholar (trọng số 10%);

 

- Tính xuất sắc (Excellence) hay Tính học thuật (Scholar): Số bài báo nằm trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất thuộc 26 lĩnh vực; dữ liệu trong 5 năm (2013-2017); được xác định theo Scimago (trọng số 35%).

 

PKL

Nguồn: http://www.webometrics.info/en/Asia/Vietnam  

 

Liên kết
×