English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế: 04 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2016 (14-08-2017 11:12)
Góp ý

Vừa qua, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC đã tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO năm 2016. Đại học Huế có 04 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng: 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

  

Công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để tăng hiệu quả của cây dưa hấu lấy hạt tại một số huyện của Thừa Thiên Huế” đạt giải Nhì, do các giảng viên thuộc khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm thực hiện, gồm: PGS.TS.Hoàng Thị Thái Hoà - Chủ nhiệm đề tài, ThS. Đỗ Đình Thục, ThS. Đỗ Cao Anh, ThS. Nguyễn Thanh Hiền, TS. Lê Văn Luận, KS. Trần Quang Phước, PGS.TS. Hoàng Mạnh Quân. Tính sáng tạo của công trình nghiên cứu là sử dụng các giải pháp về giống cây trồng và các biện pháp kỹ thuật, bảo quản áp dụng phù hợp với người nông dân nghèo để sử dụng hợp lý tài nguyên đất cát biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường cho người dân tại vùng đất cát biển tỉnh Thừa Thiên Huế. (Xem thêm thông tin về công trình nghiên cứu tại đây).

 

Công trình nghiên cứu khoa học “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa - siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản” đạt giải Ba, do các giảng viên thuộc Bộ môn Vật lý chất rắn, Khoa Vật Lý, trường Đại học Khoa học kết hợp công ty Huetronics thực hiện, gồm Lê Quang Tiến Dũng - Chủ nhiệm đề tài, Nguyễn Thanh Sơn, Trương Văn Chương, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Cường. Nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng dung dịch anolyte được tạo ra từ bộ điện hóa và dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm - điện hóa kết hợp để xử lý khuẩn Vibrio spp.. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch vi bọt khí được điều chế từ điện hóa - siêu âm có nhiều tính năng ưu việt như: có khả năng xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt hiệu quả cao; không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, thân thiện với môi trường; giá thành rẻ, quy trình sản xuất đơn giản phù hợp với các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn. (Xem thêm thông tin về công trình nghiên cứu tại đây)

 

Công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tổng hợp một số loại chất màu dùng trong gốm sứ trên nền spinel MgAl2O4” đạt giải Khuyến khích, do các giảng viên thuộc Bộ môn Hoá vô cơ, Khoa Hoá thực hiện, gồm: PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền - Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Đức Vũ Quyên, KS. Hồ Văn Minh Hải, ThS. Đặng Xuân Tín, CN. Bùi Thị Hoàng Diễm. Nhóm nghiên cứu đã hết sức sáng tạo trong việc sử dụng tinh bột, một loại nguyên liệu phổ biến và rẻ tiền trong tự nhiên để tạo sol gel trong quá trình sản xuất bột màu nhằm làm giảm đáng kể nhiệt độ phản ứng tạo pha spinel MgAl2O4 so với phương pháp gốm truyền thống và phương pháp đồng kết tủa, hạn chế sự phát thải các khí độc NOx vào môi trường khi nung chất màu. Do vậy, công trình này đáp ứng các tiêu chí của công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. (Xem thêm thông tin về công trình nghiên cứu tại đây)

 

Công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học từ xạ khuẩn Streptomyces, nấm Trichoderma để phòng bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt (Capsium frutescens) tại khu vực Nam Trung Bộ” đạt giải Khuyến khích, do PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Trường, PGS.TS. Lê Thị Khánh, PGS.TS. Võ Thị Mai, ThS. Trần Thị Nga, ThS. Trương Thị Diệu Hạnh, ThS. Hoàng Thị Hồng Quế, KS. Hoàng Trọng Kháng. Sản phẩm sinh học trên thị trường cho cây ớt để phòng trừ bệnh thán thư và héo xanh vi khuẩn còn hạn chế (Thậm chí là ít) mà đa số là thuốc hoá học. Nên đây là sản phẩm có tiềm năng thương mại hoá rất lớn và có thể ứng dụng cho nhiều loại cây trồng như các loại cây họ cà. (Xem thêm thông tin về công trình nghiên cứu tại đây)

 

Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC nhấn mạnh: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam là giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học công nghệ có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội. Đồng thời khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Các công trình đoạt giải trong những năm qua đã và đang áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu.

 

Một số hình ảnh lễ trao giải: 

 

PGS.TS.Hoàng Thị Thái Hoà nhận giải Nhì Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2016

 

TS. Lê Quang Tiến Dũng nhận giải Ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2016

 

PGS.TS.Trần Ngọc Tuyền và PGS.TS.Trần Thị Thu Hà nhận giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2016

 

Nguồn ảnh: các tác giả đạt giải thưởng cung cấp

Thanh Hương

Liên kết
×