English | Français   rss
Liên kết
GẶP GỠ 2017 (28-01-2017 01:36)
Góp ý

 

Năm 2016 đã qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đối với Đại học Huế, lãnh đạo, cán bộ, viên chức và sinh viên Đại học Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, xây dựng Đại học Huế ngày càng ổn định và phát triển. Cùng Bản tin Đại học Huế nhìn lại những thành tựu trong năm qua và định hướng cho năm mới 2017.

LÀM TỐT CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CÁN BỘ - GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ XÂY DỰNG ĐẠI HỌC HUẾ VỮNG MẠNH 

PGS.TS. Nguyễn Duân, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ:

 Năm 2016, Đại học Huế đã kiện toàn Hội đồng Đại học Huế nhiệm kỳ 2011-2016, thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường của 08 trường đại học thành viên. Đây là một tổ chức lần đầu tiên được thành lập trong trường đại học công lập tại Việt Nam theo quy định của Luật Giáo dục đại học; là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường; Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học; Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường. Việc thành lập và bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng trường góp phần đưa hoạt động của nhà trường ngày càng hoàn thiện và bền vững. Để hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành thống nhất trong toàn Đại học Huế sau khi Thông tư 08/2014/TT-BGDĐT của Giáo dục và Đào tạo được ban hành, năm 2016 Đại học Huế đã ban hành các văn bản và áp dụng thành công trong thực tiễn. Đó là các văn bản: Quy định về tuyển dụng viên chức trong Đại học Huế; Quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu; Quy định về đánh giá, phân loại đối với đơn vị, công chức, viên chức, người lao động và bổ sung lý lịch công chức, viên chức, người lao động; Quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo đối với viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài; Quy định nâng bậc lương trước thời hạn. Cũng trong năm qua, Đại học Huế đã ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động và Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc; Đề án vị trí việc làm của các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Huế. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm đối với các trường đại học thành viên và các đơn vị trực thuộc trong thời gian qua là không dễ dàng vì còn quá mới mẻ, mặc dù quy định này đã được ban hành năm 2012 tại Nghị định số 41/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và Đại học Huế, các đề án vị trí việc làm của các đơn vị được xây dựng thành công với chất lượng tốt. 

Về phát triển đội ngũ cán bộ, năm 2016 nhiều cán bộ, giảng viên bảo vệ thành công luận án TS trong và ngoài nước, 20 nhà giáo được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; đặc biệt có 204 nhà giáo được Bộ Nội vụ bổ nhiệm chức danh Giảng viên cao cấp. Đặc biệt, hoàn thành công tác bổ nhiệm nhiều vị trí cán bộ quản lý đúng quy trình khách quan, dân chủ, công khai và đúng đối tượng, đảm bảo bổ nhiệm cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực tương ứng với vị trí được bổ nhiệm. Cuối năm 2016, Giám đốc Đại học Huế đã bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nhiệm kỳ 2016 – 2021. 

Năm 2017, trước mắt, trong những ngày này, chúng ta đón chờ tin vui từ Bộ GD&ĐT bổ nhiệm Giám đốc Đại học Huế nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tiếp theo đó là công tác bổ nhiệm lại, bổ nhiệm các Phó Giám đốc Đại học Huế nhiệm kỳ 2016 - 20121; bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nhiệm kỳ 2016 – 2021; bổ nhiệm các vị trí quản lý cho nhiệm kỳ mới đối với các đơn vị trực thuộc. Theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học Huế, chúng ta sẽ thành lập Hội đồng Đại học Huế nhiệm kỳ 2016 – 2021, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế. Năm mới 2017, Đại học Huế có nhiều khởi sắc nhưng cũng nhiều thách thức cần phải vượt qua, trong đó có các nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ để xây dựng Đại học Huế ngày càng vững mạnh. 

 

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ GẮN VỚI THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

PGS.TS. Nguyễn Khắc Hoàn, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: 

Về lĩnh vực khoa học công nghệ, trong năm 2016, Đại học Huế đã và đang triển khai thực hiện các chương trình, đề tài, dự án các cấp: 48 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ (43 đề tài, 01 nhiệm vụ bảo vệ môi trường, 02 dự án SXTN, 02 nhiệm vụ nghiên cứu quỹ gen), 4 đề tài KH&CN cấp tỉnh, 160 đề tài cấp Đại học Huế. Chủ trì làm đầu mối triển khai hợp tác về KH&CN với các địa phương và doanh nghiệp: thỏa thuận hợp tác về KH&CN với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Ký kết các hợp đồng chuyển giao KH&CN: Công ty TNHH Phát triển chăn nuôi Peter Hand Hà Nội, chi nhánh Đồng Nai; Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển Khoa học kỹ thuật - Công nghệ, Bắc Ninh. Cũng trong năm 2016, Đại học Huế chủ trì tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia Miền trung và các công việc liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nổi bật năm nay có 26 công trình của các tác giả, nhóm tác giả thuộc Đại học Huế đạt giải giải thưởng sáng tạo KHCN tỉnh TT Huế lần thứ VIII năm 2016. Trong năm vừa qua, Đại học Huế có 21 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong đó có 01 GS và 20 PGS. Xét phong tặng chức danh giáo sư danh dự cho 03 giáo sư nước ngoài có nhiều đóng góp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Đại học Huế, nâng tổng số lên 225 giáo sư, phó giáo sư, 27 giáo sư danh dự. Đây thực sự là niềm tự hào của Đại học Huế. Bước sang năm mới 2017 và chào đón sự kiện kỷ niệm 60 năm Đại học Huế, bên cạnh phát huy những thành tựu đã đạt được, với khí thế và thời vận mới, mong rằng hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Huế sẽ có nhiều khởi sắc hơn, khoa học ngày càng gắn liền với thực tiễn cuộc sống và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

 

XÂY DỰNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ XỨNG TẦM 

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế:

Trong năm 2016, Đại học Huế đã phát triển vượt bật trong lĩnh vực phát triển đối tác, dự án; đa dạng hoá các hoạt động HTQT phục vụ đào tạo, NCKH và nâng cao năng lực đội ngũ. Có thể ghi nhận rằng các dự án đã phát triển mới với đối tác chiến lược tăng cả về số lượng và lĩnh vực tác động. Ngoài hai chương trình VLIR dài hạn, các Dự án mới NSS của VLIR cũng được phát triển mới. Đặc biệt các dự án trong Chương trình Erasmus+ của EU: 06 dự án Erasmus+ CBHE (3 ở CQ Đại học Huế về đổi mới giáo dục đại học, chuyển giao công nghệ và nâng cao cơ hội việc làm của sinh viên; 01 ở Trường ĐH Nông Lâm về đổi mới quản lý khoa học; 01 ở Trường ĐH Y Dược về đào tạo y sinh học; 01 ở Trường ĐH Khoa học về môi trường); 04 dự án trao đổi sinh viên và giảng viên trong loại Chương trình Erasmus+ KA107 (trao đổi tín chỉ) với các đại học Châu Âu. Ngoài ra, Dự án SHARE giữa EU và ASEAN đã mời Đại học Huế tham gia là đối tác để thực hiện trao đổi công nhận tín chỉ và đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo giáo dục đại học ASEAN. Đạt được điều này, chúng ta đã kết hợp tốt hai phương pháp phát triển với tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên; các đối tác dần dần rõ về mô hình đại học của Việt Nam và của Đại học Huế; khai thác và phát huy lợi thế của mô hình Đại học vùng. Đồng thời, ĐH Huế đã ban hành các văn bản quan trọng làm hành lang pháp lý, trong đó: Quy định về quản lý hoạt động HTQT của Đại học Huế; Quy định trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài; Quy định về quản lý Người nước ngoài học tập tại Đại học Huế; Quy định về quản lý Chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài. Năm 2017, khi chúng ta đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, những việc cần thiết cho công tác hợp tác quốc tế sẽ là: Tiếp tục tăng cường hành lang pháp lý cho việc tiếp nhận và trao đổi sinh viên: công nhận học thuật, chuyển đổi tín chỉ; tiếp tục thúc đẩy đổi mới chương trình đào tạo, tăng số lượng các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài và liên kết đào tạo; thúc đẩy việc phát triển các hợp tác đào tạo với định hướng đa dạng theo đối tượng học tập (học tập dựa trên nghiên cứu, học tập dựa trên khởi nghiệp, học tập dựa trên dự án, v.v....). Tích cực hội nhập vào giáo dục đại học khu vực và toàn cầu. Đại học Huế sẽ tiếp tục phát triển các dự án để nâng cao năng lực trong giáo dục, nghiên cứu và quản lý; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động HTQT trong KHCN và giáo dục đào tạo. ĐH Huế sẽ xây dựng mạng lưới cán bộ sinh viên Đại học Huế đã hoặc đang học tập và công tác tại nước ngoài làm đầu mối phát triển các mối quan hệ quốc tế; thành lập nhóm đối tác chiến lược hỗ trợ phát triển và các quỹ hỗ trợ hợp tác quốc tế cho Đại học Huế; xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế hướng theo mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, tăng cường hợp tác liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài; chủ động xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu; xây dựng quy trình hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng các tiêu chí đảm bảo chất lượng.

 

 

ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ, THU HÚT TUYỂN SINH 

TS. Nguyễn Công Hào, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Khảo thí :

Năm 2016, trong tình hình khó khăn chung của các trường đại học trong cả nước, Đại học Huế là một trong những đơn vị tuyển sinh vào loại khá tốt với 8.936 thí sinh/12.790 chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy cho 118 ngành học của 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Trong đó, có 113 ngành hệ đại học và 5 ngành hệ cao đẳng. Nổi bật trong tuyển sinh năm qua là công tác tiếp cận và tư vấn thông tin tuyển sinh. Đại học Huế xây dựng cổng thông tin tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tiếp cận đầy đủ và kịp thời về thông tin tuyển sinh. Ngoài việc triển khai tư vấn tuyển sinh qua đường dây nóng, Đại học Huế đã triển khai phương thức tư vấn trực tuyến cho thí sinh. Số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 so với chỉ tiêu đạt 153%. Số thí sinh đạt điểm trúng tuyển so với chỉ tiêu đạt gần 120%. Số lượng các ngành tuyển sinh đạt tỉ lệ cao, có 8 ngành tuyển sinh đạt từ 90% đến 99% chỉ tiêu. Có 15 ngành tuyển sinh đạt trên 100%, trong đó trường Đại học Nông lâm có 7 ngành. Trường Đại học Luật và Khoa Du lịch là 2 đơn vị có kết quả tuyển sinh đạt tỉ lệ cao nhất của Đại học Huế. Trong năm 2017, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiều thay đổi. Vì vậy, nhằm phát huy truyền thống và đáp ứng yêu cầu thay đổi trong công tác tuyển sinh phù hợp với tình hình mới, công tác tuyển sinh của Đại học Huế dự kiến có những điểm mới. Cụ thể, trong đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, tư vấn và tiếp cận thông tin tuyển sinh; kết hợp nhiều phương thức xét tuyển, tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu từ 1 đến 2 đợt, cho phép sử dụng kết quả thi năng khiếu của các trường công lập trong toàn quốc để xét tuyển nhằm thu hút thí sinh đối với các ngành năng khiếu. Đối với các ngành tuyển sinh sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT chỉ sử dụng kết quả năm học lớp 12; cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh thỏa mãn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển và có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, B1, B2. Đó có thể là những tin vui cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2017 sắp đến. 

 

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐỂ HỘI NHẬP 

TS. Hoàng Tịnh Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng: 

Những ngày cuối năm 2016, Đại học Huế được chọn đánh giá cơ sở đào tạo từ dự án SHARE. Đây là một tin vui thật sự cho Đại học Huế kể từ ngày chúng ta trở thành một thành viên liên kết của Tổ chức Đảm bảo chất lượng mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Từ đây, có thể thấy những thách thức đang chờ chúng ta ở phía trước cùng với những cơ hội vàng khi chúng ta có thể có được một tầm nhìn xa hơn, thấy được chúng ta đang đứng ở bậc nào trên nấc thang đo chất lượng giáo dục quốc tế; để từ đó chúng ta tiếp tục sự nghiệp giáo dục mang tên “Đại học Huế” hay một nói một cách khác quan trọng hơn “Giáo dục Việt Nam”. Điều trước tiên, Đại học Huế chúng ta phải cam kết về chất lượng giáo dục. Với ưu thế là Đại học của vùng đất Thần kinh, là “đất học” trong quan niệm của mọi người, với đội ngũ giảng viên hùng hậu có học vị học hàm cao, với các thế hệ sinh viên chăm chỉ, cần mẫn, nuôi dưỡng ước mơ vươn ra thế giới, chất lượng giáo dục cũng không quá xa tầm tay với. Hiện tại, công tác ĐBCLGD của Đại học Huế đang được Ban giám đốc chú trọng, là một trong sáu mảng công việc cần làm ngay. Về đánh giá cơ sở đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Y Dược đã được đánh giá ngoài và có kết quả khả quan sau thành công ở đánh giá nội bộ cấp Đại học Huế. Các trường Đại học Khoa học và Đại học Sư Phạm cũng đã được đánh giá nội bộ, sẵn sàng cho Đánh giá ngoài sắp đến. Tất cả các trường thành viên khác cũng ráo riết chuẩn bị hồ sơ, báo cáo tự đánh giá để được đánh giá nội bộ và đánh giá ngoài trước tháng 5 năm 2017. Về đánh giá chương trình đào tạo, Trung tâm đang lên kế hoạch và Trường Đại học Nông Lâm sẽ là đơn vị tiên phong đăng ký đánh giá hai chương trình tiêu biểu. Phải thừa nhận rằng đảm bảo chất lượng giáo dục là một cuộc hành trình không có điểm đến. Chúng ta chỉ có những điểm dừng ở những cột mốc quan trọng để có thể nhìn lại, đánh giá chặng đường đã đi qua, tiên liệu những trở ngại, khó khăn trên con đường phía trước, sẵn sàng đối phó với thử thách. Những hoạt động ĐBCLGD mà chúng ta đã thực hiện được trong những năm gần đây đã tạo được một chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về văn hoá chất lượng, để từ đó trong mỗi hoạt động thường nhật trong khuôn viên đại học, mọi giảng viên, cán bộ, nhân viên, và sinh viên Đại học Huế đều thấy được trách nhiệm của mình và hướng tới các mốc chuẩn, “làm đúng trước khi làm tốt” nhằm phát huy điểm mạnh và cải tiến hạn chế, tồn tại. Một khi chất lượng giáo dục của Đại học Huế chúng ta được nâng tầm, tương quan với các cơ sở giáo dục khác trong khu vực, việc hội nhập của chúng ta sẽ diễn ra suông sẻ. Các chương trình trao đổi học thuật, trao đổi tín chỉ, giao lưu văn hoá, và trao đổi nguồn nhân lực lao động sẽ diễn ra rộng khắp trong toàn khu vực. Đây là điều kiện tiên quyết cho một cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) và Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) chắp cánh bay cao. Chào năm mới 2017!

 

 

Bản tin ĐHH Số 100

Liên kết
×