English | Français   rss
Liên kết
Học ngành Báo để làm nhiều nghề (21-06-2018 09:14)
Góp ý

 

Báo chí hiện đang là một trong những ngành nhận được sức thu hút từ phía các bạn trẻ, bởi ứng dụng của ngành đối với các công việc trong xã hội là rất nhiều. Báo chí truyền thông cũng là một lĩnh vực mà thị trường lao động hiện tại và cả trong tương lai đang có nhu cầu rất cao. Hàng năm, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có khoảng 150 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, trong số đó có khoảng 80% sinh viên làm báo, làm truyền thông, PR, quảng cáo, số sinh viên còn lại làm các ngành khác.

 

Có nên học ngành Báo chí và cơ hội việc làm của ngành này là gì ?

 

Trong tất cả các nghề nghiệp của đời sống xã hội, nghề báo là một nghề đặc biệt, là nghề của nhiều nghề. Ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao hơn bao giờ hết và trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Ở khía cạnh khác, nó còn tham gia vào tiến trình lịch sử của thời đại, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

 

Sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của báo chí trong xã hội là rất lớn. Bởi báo chí không chỉ là kênh chuyển tải thông tin đến mọi người dân và nó còn sức tác động, tạo ra dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội. Báo chí nước ta là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Cũng chính vì vậy, ngành học này đã và đang được xã hội quan tâm. Việc trở thành sinh viên ngành báo chí đã và đang là một trong lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ hiện nay.

 

Nghề báo cũng cho các bạn trẻ cơ hội trải nghiệm, dấn thân. Chọn học nghề báo bởi nghề này cho các bạn cơ hội tiếp cận và tham gia trực tiếp vào nhiều vấn đề của xã hội. Đó có thể là việc đưa tin, viết bài hay tham gia phản biện chính sách về những lĩnh vực mình quan tâm. Nghề báo tạo cơ hội cho người viết gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, từ những người dân bình thường cho đến các chuyên gia, giới chính khách… Nhiều bạn vì yêu nghề “lăn lộn” này mà dù khó khăn cũng cố gắng thi và theo đuổi vào ngành này. Cựu sinh viên Văn Dinh, vừa tốt nghiệp năm 2017 ngành Báo chí tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế kể lại rằng “Gia đình tôi nghèo không đủ điều kiện để học đại học, nhưng vì quá đam mê nghề báo nên quyết xin bố mẹ dự tuyển vào ngành này. Càng theo học, tôi càng yêu nghề, càng thấy sự lựa chọn của mình là sáng suốt. Nghề này cho tôi cơ hội đi khắp nơi, thậm chí ở tận hang cùng ngõ cụt tôi cũng được đặt chân đến. Nghề báo giúp tôi biết nhiều và được học hỏi. Công việc vừa bắt buộc vừa giúp cho tôi gặp nhiều người, từ người có địa vị cao trong xã hội đến những người nghèo khổ nhất của xã hội. Nghề cũng dạy tôi nhiều điều. Và vì vậy, ý thức cố gắng trưởng thành, cống hiến cũng được hun đúc từ đây”. Hiện nay, Văn Dinh là phóng viên của báo Tài Nguyên và Môi trường. Ngay từ khi còn học trong trường, Văn Dinh và nhiều sinh viên cùng khóa thường xuyên cộng tác các báo, thậm chí kinh phí nhuận bút có thể đủ nuôi sống bản thân.

 

 

Khá nhiều em học sinh băn khoăn ngành Báo chí sẽ làm những công việc như thế nào? Môi trường và tính chất công việc của ngành Báo chí có gì đặc biệt và hấp dẫn đối với các bạn trẻ?  Nghề báo rất đa dạng. Hiện nay có 4 loại hình là: báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành phóng viên, biên tập viên làm việc tại các tòa soạn báo in, báo điện tử, các đài truyền hình, đài phát thanh. Tham gia ngành học này, sinh viên có cơ hội, điều kiện va chạm với thực tế, ứng dựng những kiến thức, kỹ năng mình được học trên ghế giảng đường vào đời sống thực tiễn hoạt động báo chí từ rất sớm. Ngoài các kỳ thực tập tại các cơ quan báo chí theo kế hoạch, các sinh viên khác cộng tác thường xuyên với nhiều báo, đài dưới nhiều hình thức. Sinh viên không chỉ được làm quen với môi trường báo chí chuyên nghiệp mà còn được hỗ trợ, định hướng cho sự lựa chọn lập nghiệp sau này.

 

Theo Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2016 và phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới tại Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra vào ngày 18/1/2017 thì hiện cả nước có 859 cơ quan báo chí, trong đó có 199 báo (trung ương 86; địa phương 113); 660 tạp chí (trung ương 523; địa phương 137). Về phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, bao gồm: 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương (gồm 62 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng thành phố Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Sự phát triển nhanh chóng về số lượng các cơ quan báo chí truyền thông khiến cơ hội trở thành người làm báo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, phóng viên và cộng tác viên,… ngày càng nhiều.

 

Học báo... không chỉ để làm báo

 

Hiện tại, Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PR và quảng cáo, truyền thông, tổ chức sự kiện với mức tăng trưởng rất cao. Khoảng 90% công ty, doanh nghiệp quốc doanh và 100% công ty, doanh nghiệp tư nhân đã sử dụng các dịch vụ PR, truyền thông. Nhu cầu về nhân lực báo chí truyền thông được đào tạo chuyên nghiệp vì thế đang tăng lên. Hơn nữa, ngành báo chí truyền thông ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ tới.

 

Thầy Jay Harwell, Đại học Hawaii, Mỹ - Giảng viên thỉnh giảng của khoa BC-TT tập huấn về sáng tạo tác phẩm báo chí cho truyền hình 

 

Ngoài làm đúng nghề, cử nhân báo chí có thể lấn sân sang các công việc tương tự như nghề PR, marketing, xây dựng và quản trị thương hiệu... Có rất nhiều cử nhân báo chí lựa chọn một cánh cửa khác. Thùy Trang, cựu sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí năm 2007, ra trường, cô làm việc tại báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, sau đó chuyển sang báo Tuổi trẻ. Tuy nhiên,  sau 7 năm công tác tại các cơ quan báo chí, Trang quyết định nghỉ làm báo để chuyển hướng sang mảng quảng cáo - truyền thông, công việc cũng sôi động không kém báo chí. Ở đây, những kỹ năng được học ở trường và kinh nghiệm làm báo bổ trợ rất nhiều cho công việc truyền thông, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện... Cô cho biết hiện tại ngành truyền thông phát triển mạnh, luôn thiếu nhân sự và có nhiều cơ hội công việc với chế độ đãi ngộ rất tốt, dù là làm dự án riêng, agency hay làm việc trong các nhãn hàng. Thực tế, không phải ai học ngành báo chí khi ra trường cũng làm đúng nghề. Có bạn chọn công tác tại cơ quan báo chí, có người sẽ làm nội dung website cho công ty, cơ quan nhà nước, có bạn chọn kinh doanh và dùng kiến thức báo chí để PR sản phẩm công ty mình, có bạn làm tổ chức sự kiện, có bạn chọn học thêm và nghiên cứu sâu, có người trở thành nhà văn, hot blogger... Điều này tuỳ thuộc hoàn cảnh và lựa chọn của mỗi người. Những kiến thức được học ở ngành Báo chí sẽ giúp ích bạn rất nhiều cho dù bạn chọn làm bất cứ ngành nghề gì.

 

Với sự đổi mới nhanh chóng về xã hội và kinh tế, nhu cầu về dịch vụ truyền thông và báo chí ở nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Số lượng các công ty truyền thông, các cơ sở thông tin, các cơ quan báo chí không ngừng tăng lên và ngày càng đa dạng, đòi hỏi nguồn cung cấp nhân lực cho ngành báo chí truyền thông cũng phải gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, nhu cầu về các hoạt như quảng cáo, PR, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tiếp thị, truyền thông tập đoàn trong xã hội đang tăng mạnh. Vì vậy những sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí có thể tham gia bất cứ công việc gì liên quan đến truyền thông. Bàn về đầu ra của ngành báo chí, Th.s Phan Quốc Hải- Quyền Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông cho biết “Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương, công ty, doanh nghiệp…như làm phóng viên, biên tập viên các đài phát thanh, truyền hình, các toà soạn báo các cơ quan có xuất bản báo chí ở Trung ương và địa phương, các trang thông tin điện tử của cơ quan, sở, ban, ngành; làm công tác truyền thông tại các công ty, doanh nghiệp; Cán bộ quản lý các hoạt động báo chí - truyền thông tại các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban, ngành; Giảng dạy tại các trường có đào tạo ngành báo chí; phòng văn hoá- thông tin của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, tuỳ viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước v.v...”. Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các trình độ cao hơn: thạc sĩ, tiến sĩ, có khả năng nghiên cứu về báo chí, truyền thông, nắm bắt các hoạt động và hình thức báo chí - truyền thông hiện đại trên thế giới.

 

Học ngành báo chí ở đâu ?

 

Hiện nay trên cả nước có các cở sở đào tạo báo chí chính quy như: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội) và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế…  Mỗi năm, các nơi này cho "ra lò" khoảng hơn gần 7000 cử nhân cử nhân báo chí.

 

Là một trong những cơ sở đào tạo uy tín của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Khoa Báo chí- Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trong nhiều năm liền đã nỗ lực đổi mới chương trình giảng dạy phù hợp với thực tiễn với xu hướng phát triển của xã hội nói chung và của báo chí nói riêng. Khoa Báo chí - Truyền thông tiền thân là Tổ Lý luận Báo chí được thành lập vào năm 1996 và Tổ Báo chí được thành lập vào năm 2005 thuộc Khoa Ngữ Văn. Ngày 25 tháng 01 năm 2010, Tổ Báo chí được tách thành Bộ môn Báo chí - Truyền thông trực thuộc Trường Đại học Khoa học. Ngày 01 tháng 3 năm 2011, Khoa Báo chí - Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học được thành lập theo Quyết đinh số 245/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Giám đốc Đại học Huế. Từ năm 1997, Tổ Lí luận văn học - Báo chí đào tạo chuyên ban Báo chí, đến năm 2004 đào tạo cử nhân ngành Báo chí. Tính đên nay đã hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí ở các hệ. Hiện nay, trung bình mỗi năm Khoa đào tạo khoảng 200 sinh viên hệ chính quy; 200 sinh viên hệ vừa làm vừa học, văn bằng hai; gần 150 học viên các lớp nghiệp vụ báo chí. Đến nay Khoa Báo chí - Truyền thông đang xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành: Phát thanh và Truyền hình; Biên tập, Quan hệ công chúng; Lí luận Báo chí, Báo in và báo điện tử.

 

Từ năm học 2012- 2013 trở đi, nhà trường áp dụng hình thức tín chỉ, theo đó khung chương trình đào tạo mở ra cho nhiều sinh viên cơ hội lựa chọn học phần và thực hành thực tế nhiều. Kể từ đó cho đến nay, chủ trương “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo tương lai đang được khoa thực hiện. Phóng viên Tiểu Bảo, Truyền hình Quốc Hội, từng là sinh viên khóa đầu tiên được của ngành báo chí theo học chế tin chỉ, cho biết: “Là sinh viên thuộc khóa đầu tiên đào tạo theo quy chế tín chỉ ngành Báo chí - Truyền thông của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tôi luôn tự hào với sự lựa chọn của mình trong hành trang lập thân, lập nghiệp. Sự bỡ ngỡ ban đầu với môi trường Đại học, sự lạ lẫm với cách thức đào tạo mới đã dần bị xóa bỏ bởi sự giảng dạy nhiệt tình, chuyên nghiệp và thân thiện của đội ngũ giảng viên có trình độ cao, uy tín. Quy chế tín chỉ cũng đã tạo điều kiện cho sinh viên tích cực, chủ động hơn trong quá trình học tập, xây dựng tinh thần làm việc nhóm “team - work” và thay đổi tích cực trong tư duy. Bên cạnh đó, với uy tín và bề dày truyền thống của nhà trường, mối quan hệ thân thiết của Khoa Báo chí - Truyền thông với đội ngũ nhà báo, phóng viên đã giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên trong quá trình tác nghiệp.. Nhiều nhà báo, phóng viên từng là cựu sinh viên của Khoa đã dìu dắt, giúp đỡ các đàn em ở khóa sau rất nhiệt tình”.

 

Song song với chương trình giảng dạy cử nhân báo chí, cả chính quy và phi chính quy (bao gồm Cao đẳng liên thông lên đại học, đại học hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2,..), Khoa Báo chí - Truyền thông tham gia tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn theo nhu cầu của các cơ quan, tổ chức. Các khóa đào tạo ngắn hạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các học phần giảng dạy là những kỹ năng cơ bản của nghề báo và ngành truyển thông hiện nay như: kỹ năng làm báo phát thanh và truyền hình, kỹ năng làm báo đa phương tiện và viết bài cho báo điện tử, kỹ năng viết tin, bài, kỹ năng điểu tra, phỏng vấn báo chí, kỹ năng báo chí và công tác biên tập, kỹ năng viết bài PR và thông cáo báo chí. Với những phản hồi tích cực từ phía các cơ quan, tổ chức, Trường Đại học Khoa học và khoa Báo chí - Truyền thông đã và đang tiếp tục nhận được hợp đồng liên kết đào tạo. Tính đến nay, Khoa cũng đã tạo gần 20 khóa nghiệp vụ báo chí ngắn hạn trong tỉnh và ngoài tỉnh. Phần lớn học viên của các lớp này là: các cán bộ đang làm việc ở các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, hoặc đang công tác ở các đài, báo địa phương, trang thông tin điện tử và sinh viên không theo học ngành báo chí.  Đánh giá của học viên sau các khóa học là nội dung đào tạo hiện đại, sát với thực tế, học viên dễ dàng tiếp cận. Phương pháp giảng dạy là giảng viên và học viên cùng tham gia, tăng cường kỹ năng thực hành, tham gia thực tế như những người làm báo thực thụ. Do vậy, hiệu quả từ các lớp học cũng được ghi nhận.

 

Điều đáng mừng là nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam ( 21/6/1925- 21/6/2018), Chi hội khoa Báo chí – Truyền thông trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế ra mắt vào ngày 15/6/2018. Chi hội đã kết nạp 8 hội viên là các giảng viên của khoa và sẽ tiếp tục kết nạp hội viên trong các năm tiếp theo. Việc kết nối với Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mở ra một cơ hội cho giảng viên và sinh viên được thụ hưởng những dự án đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ từ phía Hội.

 

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cũng là cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều cơ quan báo chí không chỉ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên mà còn ở cả nước. Nhiều cơ quan báo chí lớn và có tiếng trên cả nước đều có cựu sinh viên trường đại học Khoa học. Theo nhà báo Lê Văn Minh Tự- báo Tuổi trẻ “ Nguồn nhân lực của báo Tuổi Trẻ tại các văn phòng đại diện ở miền Trung lâu nay chủ yếu vẫn từ nguồn đào tạo của các trường đại học ở Huế; trong đó, nhiều nhất sinh viên Trường đại học Khoa học. Từ năm 2004, khi vừa đặt văn phòng đại diện tại Huế, chúng tôi đã tiếp nhận sinh viên về thực tập trong các kỳ thực tập chính khóa của khoa Báo chí – Truyền thông. Từ đó đến nay, mỗi năm, chúng tôi đều tiếp nhận 2 đợt thực tập của sinh viên báo chí Huế. Ngoài ra, chúng tôi luôn mở cửa đón nhận sự cộng tác và học nghề của sinh viên báo chí Huế, vào bất cứ lúc nào. Vì vậy, sinh viên báo chí Huế là lực lượng cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ tại Huế chiếm số lượng đông nhất. Sau một thời gian thực hành nghề với báo Tuổi Trẻ, chất lượng sản phẩm do sinh viên báo chí đã tăng lên, nhiều sản phẩm được đăng báo, được khen thưởng và được giải thưởng báo chí. Từ khóa 27 đến khóa 33, là các khóa có sinh viên cộng tác với báo Tuổi Trẻ rất tốt. Từ nguồn cộng tác viên sinh viên này, chúng tôi đã tuyển dụng được một số phóng viên, hiện đang làm việc rất tốt tại báo Tuổi Trẻ: Phạm Hữu Khá (Khóa27), Đoàn Văn Cường (Khóa 27), Thái Bá Dũng (Khóa 29), Nguyễn Quốc Nam (Khóa 29), Đặng Tiến Long (Khóa 33), Lê Ngọc Hiển (Khóa 34)…” . Không riêng gì tờ báo này, báo Thanh Niên cũng có nhiều nhà báo là cựu sinh viên của trường.  Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh- Nguyên Trưởng đại diện báo Thanh Niên khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng, hiện cũng là giảng viên thỉnh giảng của khoa nhận định “ Hầu hết các tỉnh miền Trung phóng viên đều xuất thân từ Đại học Khoa học Huế, trước đó là Khoa Ngữ văn- Báo chí hoặc sau này là Khoa Báo chí- Truyền thông và họ đều là những nhà báo giỏi (như Hứa Văn Đông, Bùi Ngọc Long, Nguyễn Phúc, Trương Quang Nam, Lê Hoàng Sơn…, hay các sinh viên nay công tác ở các tỉnh thành khác như Đình Phúc, Nguyễn Chung…).  Thế hệ trước đó, rất nhiều người từ “lò” đào tạo này, hầu hết đã trở thành lãnh đạo của các cơ quan báo chí ở miền Trung (như Lê Minh Hùng, Đặng Xuân Thu, Huỳnh Hùng, Lê Văn Gia, Khánh Hòa, Nguyễn Hữu Thái, Trương Đức Minh Tứ…). Có người trở thành cán bộ quản lý khi còn rất trẻ…”

 

Làm sao sinh viên có đủ kỹ năng nghề nghiệp?

 

Đây luôn câu hỏi mà tất cả cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới cả nước đều quan tâm giải quyết. Mong muốn của các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông là sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có kỹ năng như một người làm báo, làm truyền thông chuyên nghiệp và hiện đại. Với phương châm đào tạo nghề báo và thực hành nghề báo, dạy kỹ năng trên cơ sở vững vàng về lý luận, sát với thực tiễn, khoa Báo chí -Truyền thông luôn kết nối với các cơ quan báo chí, mời các nhà báo kỳ cựu và có tên tuổi trên làng báo Việt Nam tham gia giảng dạy, tập huấn cho sinh viên ngành báo chí. Khung chương trình đào tạo được điểu chỉnh để phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu của xã hội. Xu hướng tích hợp đào tạo báo chí truyền thông đa phương tiện, đào tạo báo chí gắn với thực tiễn nghề báo hiện đại, truyền thông, quan hệ công chúng đang được khoa triển khai ở từng học phần, từng khối ngành,.. Mặc dù sinh viên học ngành báo chí, nhưng vẫn được học nhiều về truyền thông, PR. Các sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức và kỹ năng về  giao tiếp, lập kế hoạch dự án, lập kế hoạch truyền thông, sáng tạo từ các ý tưởng, thuyết phục khách hàng, quản lý vấn đề, xử lý khủng hoảng,…

 

Chính việc xây dựng khung chương trình nghiêng về đào tạo kỹ năng, thực hành, kết hợp với việc liên kết với các cơ quan báo chí, công ty truyền thông đã giúp việc đào tào sát với thực tế vận động của báo chí; giúp cho sinh viên tiếp cận với kinh nghiệm làm báo, làm truyền thông. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có cơ hội giao lưu với các nhà báo, cộng tác với với các cơ quan báo, đài, tổ chức sự kiện, lập kế hoạch truyền thông. Đây là phương pháp giúp cho sinh viên rèn cách viết, dần dần nâng cao “tay bút” và các kỹ năng của mình. Nhiều sinh viên trong khoa tham gia cộng tác ở các báo đóng trên địa bàn tỉnh, tham gia dẫn chương trình ở các chương trình truyền hình, phát thanh, thậm chí gương mặt họ trở nên quen thuộc với khán giả. Có một số bạn sinh viên tham gia tổ chức sự kiện của một số tổ chức. Tất nhiên, khi ra trường và đi làm, họ sẽ ít bỡ ngỡ và có thể nhanh chóng thích ứng với công việc chuyên môn của mình. Là cựu sinh viên ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học, phóng viên Nguyên Linh, Thông tấn xã Việt Nam cảm nhận “Tôi luôn tự hào mình là một trong 46 thành viên của lớp Báo chí K27 –  khóa đầu tiên đào tạo chuyên ngành Báo chí của Trường. Nhìn lại 10 năm kể từ ngày ra trường, tôi thấy ngành Báo chí đã có những bước đi rất dài, phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Ngành báo chí tại Huế luôn cho “ra lò” những phóng viên năng động, yêu nghề, chịu khó lăn lộn với nghề và nhanh chóng bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại. Nhờ cách đào tạo báo chí theo tính chất truyền nghề mà sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc, được nhà tuyển dụng hài lòng. Trong câu chuyện đào tạo nghề khi nói đến sinh viên báo chí Huế, chúng tôi thường nhắc nhiều đến lò đào tạo phóng viên “đa năng”. Đó là chú trọng đào tạo kỹ năng “3 trong 1”- người phóng viên đảm trách từ viết bài, chụp ảnh và quay phim. Ngay từ khi còn trên ghế giảng đường sinh viên đã được đào tạo để trở thành phóng viên săn tin đa kỹ năng và kỹ năng làm báo đa phương tiện. Sinh viên Báo chí Huế được những trải nghiệm bên ngoài lớp học bằng việc tích cực tham gia cộng tác cho một số tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, từ đó kỹ năng đã được sử dụng vào thực tế. Nhờ sự “đa năng” này mà sinh viên Báo chí Huế khi ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm, nhiều người đã rất thành công không chỉ trong lĩnh vực báo chí.”

 

Ngay từ năm đầu tiên, các sinh viên đã được thực hành thực tập các kỹ năng nghề báo hoặc truyền thông, PR.  Câu lạc bộ Báo chí của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là nơi để các sinh viên các ngành yêu thích nghề báo và mong muốn rèn luyện để trở thành những nhà báo trong tương lai. Được thành lập từ ngày 15/1/2015, đến nay, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi talkshow trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn cùng khách mời là các phóng viên, nhà báo. Các buổi học còn là cơ hội trao đổi về kiến thức nghề báo với các thầy cô giáo và các nhà báo có uy tín, chia sẻ tài liệu học tập giữa các thành viên trong CLB. Câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động như các cuộc thi viết phóng sự, tin tức, ảnh, dựng video clip, thiết kế maket báo in và báo điện tử. Giảng viên Lê Ngọc Phương Thảo - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí, trường Đại học Khoa học cho biết “ Câu lạc bộ chủ yếu dành cho sinh viên, các bạn có thể là sinh viên khoa báo, có thể là sinh viên đến từ các ngành khác. Các bạn có thể là sinh viên năm 1, năm 2. Các bạn chưa định hình rõ đi làm báo phát thanh, truyền hình hay điện tử là như thế nào, thì đây là một nơi có thể bạn cùng nhau chia sẻ, cùng nhau học hỏi và cùng nhau cho ra đời những thành phẩm đầu tiên”. Câu lạc bộ Báo chí được chia thành 4 nhóm với 4 chuyên môn: nhóm truyền hình, nhóm phát thanh, nhóm thông tin điện tử và nhóm truyền thông. Mỗi tuần các nhóm phải có các sản phẩm tin, bài. Các tin, bài sẽ được chọn đăng ở fanpage hoặc website nội bộ, thậm chí nhiều bài đạt chất lượng sẽ được chọn để phát ở chuyên mục “ Tạp chí sinh viên” phát sóng vào thứ Bảy hàng tuần trên đài Phát Thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế.

 

Báo chí và truyền thông là ngành đào tạo có đặc thù riêng. Đào tạo gắn với công nghệ là một trong những phương pháp đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại mà khoa đang chú trọng. Báo chí hiện nay phát triển nhanh chóng trong môi trường truyền thông số và tâm lý tiếp nhận của công chúng đang thay đổi.  Người làm báo buộc phải đa năng, gắn quá trình tác nghiệp với công nghệ, biết cách làm báo của nhiều loại hình, phải biết các kỹ năng: ghi âm, quay phim, chụp ảnh, sử dụng internet, mạng xã hội, smartphone, các phần mềm trong quá trình tạo ra tác phẩm báo chí.

 

Phương tiện kỹ thuật là rất cần thiết, nhưng chưa đủ để sinh viên có thể tác nghiệp. Đào tạo kiến thức tổng quát, kiến thức nền kết hợp với đào tạo kỹ năng nghề là mục tiêu là khoa Báo chí - Truyền thông đã vận dụng và đưa vào chương trình đào tạo. Là ngành khoa học đào tạo nghề, giống như đào tạo bác sĩ đa khoa, sinh viên học ngành này phải được đào tạo về kiến thức tổng quát, kiến thức nền kết hợp việc trang các kỹ năng cần thiết của người làm báo và người làm truyền thông như kỹ năng điều tra, phỏng vấn, viết tin, bài, tiếp cận và xử lý nguồn tin, như quay, dựng phim, chụp và xử lý ảnh, thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình, lập kế hoạch truyền thông, tổ chức sự kiện, dẫn chương trình, kỹ năng giao tiếp, viết bài PR, thông cáo báo chí…Điều này bắt buộc phương pháp đào tạo báo chí của khoa đã và đang sự thay đổi nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông cũng như nhu cầu của nhà tuyển dụng.

 

Báo chí và truyền thông đang là ngành thu hút số lao động lớn tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hướng đến đào tạo nghề báo, PR, truyền thông, đào tạo sinh viên thành các phóng viên, biên tập viên, nhà báo, người làm công tác truyền thông…làm việc tại các cơ quan ban, ngành từ trung ương đến địa phương, tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khoa Báo chí – truyền thông của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hiện là cơ sở đào tạo báo chí có số lượng sinh viên tuyển sinh hằng năm cao so với cả nước. Sinh viên vào học ngành này có trình độ cao hơn nhiều ngành xã hội – nhân văn khác. Đó là lợi thế của trường. Vì vậy, trường và khoa luôn chú trọng chất lượng đào tạo. Đó chính là uy tín của trường và khoa, và có thể nói, đó mới chính là sự sống còn của cơ sở đào tạo. 

 

Hoàng Lê Thuý Nga

Liên kết
×