English | Français   rss
Liên kết
Hội đàm về phát triển Đại học Vùng (08-08-2018 08:00)
Góp ý

 

Ngày 6/8/2018, Đại học Huế đã tổ chức buổi hội đàm về phát triển Đại học Vùng. Tham dự buổi hội đàm có GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; GS.TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Buổi hội đàm về phát triển các Đại học Vùng (từ trái sang phải: GS.TS. Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng)

 

Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng được thành lập theo các Nghị định số 30, 31, 32/CP ngày 04/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên và Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Quyết định của Chính phủ thành lập ba Đại học Vùng là chủ trương đúng đắn nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực nghiên cứu, hợp tác quốc tế, giảm bớt bộ máy quản lý nhỏ lẻ của các trường đại học; sử dụng, tận dụng nguồn lực chung của các trường thành viên từ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị… nhằm đạt hiệu quả tối ưu cho sự phát triển của các đơn vị.

 

Trong gần 25 năm xây dựng và phát triển, ba Đại học Vùng đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành những lá cờ đầu của giáo dục đại học Việt Nam. Các Đại học Vùng đã cung cấp cho cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Bắc Trung Bộ, vùng Việt Bắc và cả nước lực lượng cán bộ trọng yếu cho hầu hết các ngành khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, kỹ thuật, sư phạm, y dược, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật… Được Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tin cậy giao nhiều trọng trách to lớn, xây dựng các Đại học Vùng trở thành các trung tâm đại học lớn của cả nước, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa cấp, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được của các Đại học Vùng, thì vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần được làm rõ và tìm kiếm các giải pháp khắc phục nhằm mục tiêu phát triển các Đại học Vùng như: sự cạnh tranh của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập; cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân nhân tài của các cơ sở giáo dục đại học; các khó khăn về cơ chế làm cho vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của Đại học Vùng bị giảm sút…

 

Tại buổi hội đàm, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những thành tựu, kết quả đạt được, cũng như các khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong việc phát triển mô hình Đại học Vùng trong thời gian tới như: các cơ chế, chính sách nhằm cho phép đại học vùng phát huy hiệu quả cơ chế hoạt động; phát huy tốt mô hình Đại học Vùng trong việc dùng chung đội ngũ, cơ sở vật chất và đầu tư tập trung; tăng cường vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của Đại học Vùng; thực hiện tốt vai trò dự toán, phân bổ dự toán, điều tiết nguồn thu; phân cấp trong việc mở ngành đạo tạo, thẩm định và cho phép các cơ sở giáo dục thành viên được liên kết đào tạo với các địa phương có nhu cầu… Các ý kiến, đề xuất sẽ được các Đại học Vùng tiếp thu, thống nhất và có kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ nhằm mục tiêu phát triển và nâng cao vị thế của các Đại học Vùng nói riêng và cho giáo dục đại học trong nước nói chung.

 

Trần Đức

 

Liên kết
×