English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo quốc gia về Thúc đẩy quản trị và tự chủ đại học hướng đến thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (14-11-2019 14:09)
Góp ý

 

Trong khuôn khổ Chương trình VLIR-IUC, ngày 14/11/2019, Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo quốc gia về Thúc đẩy quản trị và tự chủ đại học hướng đến thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018. Tham dự có PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; GS.TS. Martin Valcke, Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ; GS. Gerrit Janssens, Đại học Hasselt, Vương quốc Bỉ; GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN; các chuyên gia đến từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Hồng Bàng; các Phó Giám đốc Đại học Huế; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng, các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo

 

Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học trong toàn Đại học Huế. Trong những năm qua, chủ đề về tự chủ đại học là mối quan tâm hàng đầu trong xu thế phát triển giáo dục hiện nay và là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đại học. Tự chủ đại học trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đã mở ra cơ hội lớn và cũng là thách thức cho các cơ sở giáo dục đại học.

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia trong và ngoài nước của Chương trình VLIR – IUC trong thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho Đại học Huế trong việc nâng cao thể chế, quản trị và tự chủ đại học. Giám đốc Đại học Huế nhận định, trong điều kiện phát triển của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, để phát huy tính tự chủ thì mỗi đại học, trường đại học phải có đủ các nguồn lực, gắn với quá trình tự chủ từng phần sau đó đến tự chủ toàn diện và phải thích ứng với Luật Giáo dục đại học. Mong muốn, thông qua Hội thảo này các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay để đóng góp vào sự phát triển của Đại học Huế nói riêng và giáo dục đại học của Việt Nam nói chung.

 

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế, Trưởng Dự án P1, Chương trình VLIR - IUC báo cáo tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận của các tác giả, chuyên gia: Những điều kiện cần thiết để Đại học Huế giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế; Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Câu chuyện về tự chủ đại học thành công của TS. Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Tổng quan về tự chủ và quản trị đại học ở Việt Nam của PGS.TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng; Tổ chức và cơ chế tài chính của các trường đại học vùng Flemish của GS. Gerrit K. Jansens, Đại học Hasselt, Bỉ; Quản trị mức độ thích ứng CMCN 4.0 của đại học Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN; Chia sẻ kinh nghiệm: Thực trạng thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP ngày 10/11/2014 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội của PGS.TS. Trần Ngọc Khiêm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Tự chủ trong quản lý chất lượng các chương trình đào tạo Hoa Kỳ: Kinh nghiệm cho Đại học Huế của TS. Phạm Thị Tuyết Nhung – Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế…

 

GS.TS. Martin Valcke, chuyên gia của Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ phát biểu tại Hội thảo

 

 

Chương trình Hợp tác thể chế Đại học (IUC) là một trong những chương trình hợp tác quan trọng nhất được VLIR-UOS (Vụ hợp tác phát triển đại học - Hội đồng liên đại học vùng Flanders, Bỉ) thực hiện để góp phần đạt được mục tiêu tổng thể là hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu và giáo dục các nước hoàn thành vai trò của mình theo ba mục tiêu: Giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ cho xã hội. Các mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua sự cộng tác với các đại học và các trường đại học thuộc vùng Flanders. Đến nay, Chương trình VLIR – IUC đã thực hiện được 7 năm và có tác động lớn tích cực đối với Đại học Huế.

 

Trần Đức

 

Liên kết
×