English | Français   rss
Liên kết
Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Huế - chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển (27-04-2010 07:54)
Góp ý
Đến cuối tháng 4/2010, Khoa Môi trường - Trường Đại học Khoa học được thành lập và phát triển tròn 10 năm. Bài viết nhìn lại chặng đường đã qua, từ bối cảnh và khó khăn trong những ngày đầu thành lập cho đến những thành tựu và nỗ lực nhiều mặt của cán bộ và sinh viên trong khoa...

Thập niên 1990 đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng có tính nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của nước ta: lần đầu tiên đoàn cấp cao chính phủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển (RIO 92), Quốc hội khóa IX thông qua Luật bảo vệ Môi trường (1993), Cục Môi trường được thành lập (1993), Việt Nam ký và phê chuẩn hàng loạt công ước quốc tế về môi trường, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công (1998), Bộ Chính trị ra Chỉ thị 36-CT/TW về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước" (1998),... Trong bối cảnh đó, giáo dục và đào tạo về môi trường, nhất là ở cấp đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu mới của đất nước. Các đơn vị chuyên môn đào tạo và nghiên cứu về khoa học và công nghệ môi trường lần lượt ra đời ở các trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Không "thua chị kém anh", sau một thời gian chuẩn bị tích cực, Đại học Huế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao nhiệm vụ đào tạo Cử nhân Khoa học Môi trường (KHMT) theo quyết định số 5993/QĐ-BGD&ĐT/ĐH ngày 29 tháng 12 năm 1999. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Giám đốc Đại học Huế đã ký Quyết định số 146/QĐ-ĐHH-TCNS về việc thành lập Bộ môn mt1.jpg KHMT trực thuộc Trường Đại học Khoa học (ĐHKH) và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo cử nhân KHMT. Thế là bên cạnh những ngành học hàn lâm truyền thống, trường ĐH Khoa học đã có thêm một ngành đào tạo mới, có tính chất liên ngành và có thiên hướng ứng dụng. Đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất ban đầu của Bộ môn hết sức khiêm tốn: 3 cán bộ điều động từ các khoa Địa, Hóa và Sinh sang với một phòng làm việc đơn giản nằm tạm trong khu Hiệu bộ. Không chỉ có những khó khăn về nhân lực và vật lực, thời điểm ấy Bộ môn KHMT non trẻ còn đối mặt với cả những hoài nghi về sự tồn tại ngành học trong một số cán bộ của trường. Tuy nhiên, ngay năm học đầu tiên (2000 - 2001), Bộ môn KHMT đã tuyển sinh được 1 lớp hệ chính quy gồm 44 sinh viên (K.24) và 1 lớp hệ vừa học vừa làm gồm 21 sinh viên (K.9), với điểm chuẩn cao thứ hai trong các ngành của trường. Số lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành KHMT liên tục ở mức cao những năm sau này đã dần khẳng định nhu cầu xã hội của ngành học và sự ra đời kịp thời của đơn vị.

Sau năm năm thành lập, Bộ môn KHMT đã được nâng cấp thành Khoa Môi trường với 3 tổ chuyên môn gồm Bộ môn Quản lý Môi trường, Bộ môn Kỹ thuật môi trường và Bộ môn Sinh thái môi trường theo Quyết định số 202/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 28 tháng 3 năm 2005 của Giám đốc Đại học Huế.

Về mặt đội ngũ, đến nay Khoa Môi trường có 16 CBCC, trong đó có 15 cán bộ giảng dạy với 2 tiến sĩ, 11 thạc sĩ (3 người đang làm NCS ở nước ngoài), và 2 cử nhân (đang học cao học năm cuối). Trước đó, khoa có 1 PGS.TS nhưng đã chuyển công tác năm 2008. Dù xuất phát từ những chuyên môn đaị học khác nhau, nhưng tất cả cán bộ trong khoa đều đã được đào tạo sau đại học đúng chuyên ngành Khoa học môi trường. Gần một nửa cán bộ trong khoa đã được đào tạo hay có dịp làm việc ở nước ngoài, đa số cán bộ đều có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt trong giao tiếp và trao đổi chuyên môn. Với tuổi đời hầu hết còn rất trẻ và sức vươn lên cao, có thể nói lực lượng cán bộ Khoa Môi trường hiện nay là đội ngũ tiềm năng cho sự phát triển của khoa trong thập niên thứ hai.

Quy mô đào tạo đại học của khoa khá ổn định trong 10 năm qua, với số lượng tuyển sinh đa số các khóa từ 40-50 sinh viên và chất lượng đầu vào khá cao (điểm chuẩn luôn thuộc nhóm ngành cao nhất Đại học Huế). Tính đến nay (2009), đã có 266 sinh viên hệ chính quy và 134 sinh viên hệ vừa học vừa làm tốt nghiệp cử nhân từ khoa, phần đông đã có được việc làm ổn định. Chương trình đào tạo đại học được khoa thường xuyên rà soát để cải tiến cấu trúc, nội dung theo hướng cập nhật và hiệu quả hơn. Có những học phần mới và thời sự đã được khoa mạnh dạn đưa vào chương trình giảng dạy rất sớm, đi tiên phong so với các trường khác trong cả nước (ví dụ Sản xuất sạch hơn, Hệ thống thông tin môi trường). Khi chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ, Khoa Môi trường là đơn vị tiên phong trong trường về xây dựng khung chương trình mới, các đề cương học phần và đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi của trường.

Từ năm học 2006-2007, Khoa Môi trường chính thức được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học chuyên ngành Khoa học môi trường. Đến nay, khoa đã tuyển sinh và đào tạo 4 khóa cao học, trong đó có 2 khóa đã tốt nghiệp với 22 thạc sĩ.  Mặc dù tham gia vào hoạt động đào tạo sau đại học muộn hơn các khoa khác, song công tác quản lý chương trình đào tạo và quản lý học viên đã được khoa thực hiện rất chuẩn mực, được trường đánh giá cao, trong điều kiện rất thiếu nhân lực cho công tác này. Khung chương trình đào tạo thạc sĩ theo phương thức tín chỉ đã được khoa hoàn thành đúng tiến độ, có nhiều cải tiến khá mạnh dạn.

Với đặc điểm hầu hết cán bộ trẻ và mt2.jpgnăng động, có thể nói khoa Môi trường là đơn vị đi đầu trong trường về ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ giảng dạy và quản lý đào tạo. Từ nhiều năm trước, tất cả tài liệu giảng dạy của giảng viên trong khoa đều đã được biên soạn và lưu giữ trên máy tính, hầu như 100% bài giảng đều chuẩn bị file trình chiếu powerpoint công phu và cập nhật; nhiều học phần đã thực hiện công bố đề cương, bài giảng trên internet ngay cả trước khi chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ. Nhiều giáo viên đã thực hiện các hoạt động dạy-học (gửi tài liệu học tập, thảo luận bài học, giao nhận bài tập,...) qua trang web và email. Hiện nay, tất cả các lớp cao học và đại học trong khoa đều có danh sách email, các thông tin quản lý sinh viên đều được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện. Trong khoảng 3-4 năm đầu, khoa đã tự đầu tư được một tủ tư liệu với hơn 200 đầu sách, tài liệu chuyên môn và đã tiếp nhận một tủ sách chuyên môn bằng tiếng Anh do Phòng Văn hóa thông tin Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.Hồ Chí Minh trao tặng. Ngoài ra, trong các thư viện điện tử cá nhân của cán bộ trong khoa còn có hàng trăm sách điện tử tham khảo cho các môn học chuyên ngành. Có thể nói, trong khi thiếu tài liệu học tập chuyên ngành cho sinh viên là trở ngại lớn ở một số ngành học, thì với ngành khoa học môi trường điều này không hề xảy ra.

Suốt 10 năm qua, cán bộ và sinh viên trong khoa đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sinh hoạt học thuật và đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ.  Cán bộ của khoa đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài, dự án các cấp, một số cá nhân và nhóm sinh viên của khoa cũng đã đạt các giải thưởng khoa học cấp quốc gia. Từ năm 2000 đến 2009, cán bộ trong khoa đã chủ trì 1 đề tài NCCB cấp Nhà nước (đã nghiệm thu), 2 đề tài nhánh thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước (đã nghiệm thu), 9 đề tài cấp Bộ (7 trong số đó đã nghiệm thu), 12 đề tài cấp cơ sở, 2 hợp đồng nghiên cứu phục vụ sản xuất. Nhiều cán bộ trong khoa tham gia và có đóng góp quan trọng trong các đề tài, dự án của địa phương hay chương trình hợp tác với nước ngoài như Dự án Phát triển bền vững Đầm phá Thừa Thiên Huế (hợp tác Việt-Pháp), Chương trình phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế (chính phủ Phần Lan tài trợ tỉnh Thừa Thiên Huế), Dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ ICZM (Chính phủ Hà Lan tài trợ), Chương trình các đại học trọng điểm Nhật-Việt về môi trường (do tổ chức JSPS Nhật Bản và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đồng tài trợ), Dự án PIP "Các nguyên tắc trong thực tiễn: Quản lý tài nguyên ven bờ và đại dương" (Tổ chức CIDA-Canada tài trợ),... Cán bộ trong khoa đã có gần 10 báo cáo trình bày và đăng kỷ yếu ở các hội thảo khoa học quốc tế hay hội thảo tổ chức ở nước ngoài, trên 10 bài trình bày tại các hội nghị khoa học quốc gia, địa phương, và Đại học Huế; đã đứng tên trong 3 bài báo tạp chí chuyên ngành tại nước ngoài, hơn 15 bài trên tạp chí chuyên ngành trong nước và tạp chí Khoa học Đại học Huế.... Sinh viên trong khoa đã thực hiện 7 đề tài NCKH, trong đó 1 đề tài đạt giải nhì (năm 2004) và 1 đề tài đạt giải ba (năm 2009) "Sinh viên NCKH" của Bộ GD-ĐT, 2 đề tài đạt giải nhì VIFOTEC các năm 2004 và 2009; tham mt3.jpggia dự thi và đạt 3 giải thưởng Phát minh xanh Sony (1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích), 1 giải ba và 1 giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống năm 2007,...
Ngoài ra, cán bộ của khoa cũng đã tham gia có hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện khoa học và công nghệ cho các địa phương trong khu vực như tham gia thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường, thẩm định các đề án công nghệ xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn,...ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.

Về quan hệ hợp tác, trong 10 năm hoạt động, khoa Môi trường đã thiết lập được nhiều mối quan hệ hợp tác, trao đổi về chuyên môn với các đơn vị đào tạo, nghiên cứu môi trường trong nước như khoa Môi trường của các trường ĐHKH Tự nhiên-ĐHQG Hà Nội, trường ĐHKH Tự nhiên và trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách Khoa-ĐH Đà Nẵng, Viện Môi trường và Tài nguyên ĐH QG Tp.HCM, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường ĐH Xây dựng Hà Nội,... Đặc biệt, khoa đã kết nối được quan hệ với hàng chục cá nhân là các giáo sư, nhà nghiên cứu ở nước ngoài và thông qua họ xây dựng quan hệ hợp tác với một số khoa-nhóm nghiên cứu thuộc các trường đại học và tổ chức phi chính phủ như Đại học Kumamoto (Nhật Bản), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Okayama (Nhật Bản), Đại học Khon Kaen (Thái Lan), Đại học Dalhousie (Canada), tổ chức MEDRIX (Hoa Kỳ),... Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã đến thăm, giảng bài và trình bày seminar ở khoa, ở trường. Một số trường hợp, qua vai trò trung gian của khoa, đã tiến đến ký kết hợp tác và thỏa thuận trao đổi với Đại học Huế hay với trường ĐH Khoa học (như ĐH Kanazawa hay ĐH Kumamoto, Nhật Bản).
Ngoài các sinh hoạt Đoàn-Hội, các sinh hoạt văn hóa-thể thao, sinh viên của khoa được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia vào nhiều hình thức hoạt động xã hội có tính đặc thù chuyên ngành như truyền thông môi trường, tình nguyện xanh, CLB tình bạn xanh,...Bóng dáng những chiếc áo xanh của sinh viên khoa Môi trường đã góp phần làm phong phú các hoạt động trong sự kiện Ngày Môi trường thế giới năm 2003 tại Huế, góp phần để lại ấn tượng mạnh mẽ của chiến dịch Giờ Trái đất tổ chức lần đầu ở Huế năm 2009, hoặc nổi bật trong các chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, truyền thông về biến đổi khí hậu,.... 

mt4.jpg

Quả thật, nếu đem cân đong, thì những kết quả đạt được trên các mặt công tác, nhất là đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa Môi trường trong 10 năm qua còn thua kém các khoa "đàn anh" trong trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trong điều kiện một đội ngũ cán bộ còn non về lượng và chất, điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, thì có thể khẳng định rằng những thành quả ấy là rất đáng trân trọng, rất đáng ghi nhận. Nói như vậy, không có nghĩa là biện bạch cho những hạn chế, những gì chưa làm được của khoa trong 10 năm qua như chưa quy hoạch tốt đội ngũ cán bộ, chưa tập trung lực lượng xây dựng một vài thế mạnh chuyên môn, chưa có một dự án hợp tác quốc tế dài hơi, chưa tạo ra một "thương hiệu" ngay tại địa phương, chưa mở được các loại hình đào tạo khác trong khi nhu cầu xã hội đang có,... Đây cũng chính là những trăn trở, những định hướng phát triển trong thời gian đến của khoa.
Niềm tin và trách nhiệm đang đặt vào thế hệ cán bộ trẻ, lực lượng sẽ làm nên "thập niên thứ hai" của khoa. Hy vọng rằng bước vào thập niên mới, cùng với những nỗ lực tự thân và sự quan tâm tiếp tục của lãnh đạo của Đại học Huế, của trường Đại học Khoa học và sự hợp tác của các đơn vị và cá nhân trong và ngoài trường, Khoa Môi trường sẽ tiếp tục lớn mạnh, vững bước đi lên.

*Xin xem thêm thông tin về khoa Môi trường ở website: www.khoamoitruonghue.edu.vn

Phạm Khắc Liệu
Trưởng Khoa Môi trường

Liên kết
×