English | Français   rss
Liên kết
Sẽ phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế (03-10-2019 02:56)
Góp ý

Đại học Huế đang hoàn thiện đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia trình Bộ, ngành Trung ương xem xét, phê duyệt. Hiện đã hội đủ nhiều điều kiện để trở thành một ĐHQG Huế.

 

Ngày 30/9/2019, đồng chí Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo; đồng chí Hoành Khánh Hùng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã tham dự phiên họp Đảng ủy Đại học Huế mở rộng, thông qua đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.

 

Tại phiên họp, đồng chí Lê Trường Lưu đánh giá cao và hoan nghênh Tập thể cấp ủy và Đảng bộ Đại học Huế trong việc thực hiện Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị, sự nỗ lực và vươn lên của Đại học Huế trong bối cảnh giáo dục đào tạo có sự cạnh tranh vùng miền rất rõ rệt, ngân sách hạn chế và xu thế hội nhập quốc tế mạnh, ở vùng đất khó khăn và điều kiện ít lợi thế như Huế. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo đây là bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng nguyên vọng của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong suốt lịch sử 62 năm xây dựng và phát triển, những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Huế, những bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Đại học Huế cũng là nơi bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị hàn lâm trong học thuật.  Đề án đã thể hiện được sự tác động tích cực của việc phát triển Đại học Quốc gia Huế nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, như Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Luật số: 34/2018/QH14 Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều.

 

Góp ý cho chiến lược phát triển Đại học Huế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh sự đồng tâm, hiệp lực của Đại học Huế trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng các tiêu chí đánh giá quốc tế. Lãnh đạo Tỉnh luôn đồng hành cùng Đại học Huế trong việc hỗ trợ xây dựng cơ chế hợp tác, sắp xếp cơ sở vật chất, tạo điều kiện tối đa để Đại học Huế xứng tầm với vị thế, vai trò của mình trong mối quan hệ với tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; là đầu mối giao lưu đối ngoại, hợp tác quốc tế về giáo dục tại vùng đất Cố đô văn hiến với bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, nuôi dưỡng nhiều thế hệ hiền tài. Lãnh đạo Tỉnh cũng khẳng định vai trò của Đại học Huế đối với tỉnh nhà trong việc xây dựng 3 trong 4 trung tâm theo Kết luận 48/KL-TW: Giáo dục đào tạo; Khoa học công nghệ và Y tế chuyên sâu.

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, việc xây dựng, phát triển Đại học Huế thành ĐHQG đã được khẳng định trong Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 25/5/2009. Dù đã trải qua 10 năm, song do nhiều chính sách liên quan giáo dục ĐH, Luật giáo dục đại học và định hướng của Chính Phủ, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự dịch chuyển nguồn nhân lực trong các khu vực. Đầu năm 2018 Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc với Đại học Huế, Thông báo số 38/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển ĐH Huế, đến năm 2030 Đại học Huế trở thành một trong những ĐH nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, là cơ sở đào tạo tiên phong, nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học.

 

Hội đủ điều kiện với những nét đặc sắc riêng có của Đại học Huế

Hiện nay, Đại học Huế có quy mô đội ngũ cán bộ khoa học, đào tạo lớn hơn cả 2 Đại học quốc gia và 2 đại học vùng, với mô hình giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đã hội đủ điều kiện để trở thành một ĐHQG. Ngoài việc đảm bảo cơ sở vật chất và có đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao thì so với các ĐH trong toàn quốc, trong đào tạo và giáo dục Đại học Huế có nhiều điểm nổi bật, vừa đặc sắc lại vừa đặc trưng trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta. Điển hình, (1) nếu các trường ĐH sư phạm trên cả nước đào tạo tổng hợp các lĩnh vực giáo viên, khoa học, ngoại ngữ, ở Trường ĐH Sư Phạm, Đại học Huế là trường duy nhất trên cả nước chỉ chuyên đào tạo giáo viên. (2) Trong 5 ĐH quốc gia và ĐH vùng, chỉ duy nhất Đại học Huế có đào tạo nghệ thuật từ những năm 1957 tới nay, cung cấp nguồn nhân lực nghệ thuật cho cả nước, nhiều nghệ nhân cũng chính từ nơi Hoàng Thành đến với mọi miền đất nước. (3) Đại học Huế có đủ các ngành nông – lâm – ngư, trong khi ĐH Thái Nguyên hay Trường ĐH Nông Lâm HCM chỉ có các ngành liên quan nông lâm nghiệp nhưng chỉ vùng sinh thái đồi núi phía Bắc hay Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh ở Đồng bằng Nam Bộ, chỉ có Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế vừa đào tạo các ngành nghề cho phát triển kinh tế biển, rừng và đồng bằng. (4) Không những thế, Đại học Huế là đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo Du lịch ở các bậc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển du lịch của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh nền kinh tế du lịch và du lịch công nghiệp. (5) Cũng chỉ có Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế là một trong 3 trường khoa học Y Dược tốt nhất của cả nước, với vai trò và vị trí dẫn đầu công nghệ trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và một phần quan trọng của Y tế chuyên sâu Huế. (6) Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế chuyên đào tạo các ngành ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn, Đức và tiếng Việt, Việt Nam học và Quốc tế học; (7) Trường ĐH Luật, Đại học Huế ra đời sớm nhất, từ 1957 với phân khoa Luật, nay là Trường Đại học Luật duy nhất ở miền Trung - Tây Nguyên, đào tạo đa ngành về luật và ở tất cả các bậc học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. (8) Nơi đây cũng khởi sắc cho việc đào luyện tài đức cho sinh viên thích ứng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế hiện nay là một 1 trong 3 đơn vị của cả nước đào tạo giáo viên khởi nghiệp và tạo dựng môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua Chương trình 844 và 1665 quốc gia. (9) Đại học Huế là đại học duy nhất có một viện nghiên cứu thành viên là Viện Công nghệ sinh học, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển, theo Quyết định số 523/TTg, ngày 14/5/2018 như một Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia theo 3 vùng Bắc, Trung và Nam. Viện đang bước đầu có những nghiên cứu nhiều hứa hẹn ứng dụng tốt cho phát triển nuôi trồng thủy sản, cây trồng và vật nuôi, với 6 chương trình nghiên cứu và đề tài cấp Nhà nước, quốc gia đã và đang triển khai. Có những công nghệ lần đầu tiên thành công như sinh sản cá dìa theo hình thức bán tự nhiên chi phí thấp và dễ áp dụng đáp ứng nhu cầu con giống ở khu vực, tiếp tục được Bộ KH & CN đầu tư dự án SXTN năm  2019 và 02 đề tài cấp Nhà nước độc lập nghiên cứu thành công việc sản xuất kháng thể và vắc xin thế hệ mới thành công bằng công nghệ tái tổ hợp gen, hiện đang tìm kiếm thị trường và doanh nghiệp để chuyển giao và khởi nghiệp, những nghiên cứu khác như Chương trình nghiên cứu cấp Bộ về bệnh và môi trường thủy sản, đề tài cấp quốc gia tiếp tục thực hiện trong 2019 và 2020. (10) Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế vừa đào tạo và nghiên cứu cả khoa học cơ bản, tự nhiên và xã hội mang tính tổng hợp có bề dày lịch sử hơn 62 năm xây dựng và phát triển, được xem như là Trung tâm Khoa học cơ bản thứ 3 của cả nước, mặc dầu có rất nhiều khó khăn về tuyển sinh và hạn hẹp về tài chính nhưng hàng năm, Trường đã có hàng trăm bài báo quốc tế có uy tín được xuất bản, nhiều nghiên cứu gắn liền với lịch sử Triều Nguyễn, đàng trong.

 

Đến nay, Đại học Huế đang tiếp tục hợp tác với các trường đại học, các tổ chức của Cộng hòa Pháp để đào tạo các nhà vật lý trẻ tài năng, dưới sự hỗ trợ tích cực của Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc.

 

Những nét đặc sắc của giáo dục đại học ở Huế giúp cho Đại học Huế trở thành một Trung tâm giáo dục đại học quốc gia qua nhiều thời kỳ. Hiện nay, trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn về mọi mặt và chưa được Nhà nước ưu tiên, thiếu môi trường kinh tế năng động so với các thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Huế tiếp tục vươn lên với thứ hạng top đầu của các đại học Việt Nam, xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học châu Á và vươn lên có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới.

 

Sẽ phát triển mạnh

 

Hiện Đại học Huế đã hoàn thành đề án phát triển Đại học Huế thành ĐHQG, đồng thời đã lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà trí thức và toàn xã hội để góp ý và trình Bộ GD&ĐT ngay trong tháng 9/2019. Đại học Huế sẽ thúc đẩy, đề xuất đến tất cả mọi cấp sớm nhất để có chủ trương.

 

Khi được phê duyệt trở thành ĐHQG, Đại học Huế sẽ có điều kiện tiên phong thí điểm mở các mã ngành đào tạo mới, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong điều kiện đó, ĐHQG Huế cùng với ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; thu hút được các nguồn lực, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và chuyển giao công nghệ, góp phần gia tăng trọng số các hoạt động nghiên cứu và tăng xếp hạng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, kinh tế trí thức của Việt Nam.

 

Điều mà Đại học Huế xác định khi trở thành ĐHQG là xây dựng hệ thống giáo dục đại học hàng đầu theo định hướng nghiên cứu, chất lượng cao của giáo dục ĐH, tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, phấn đấu nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng ĐH châu Á và thế giới, trong đó lộ trình dự kiến đến năm 2027 sẽ nằm trong tốp 250 châu Á và 1.000 thế giới; năm 2030 vào tốp 200 châu Á và 1000 thế giới; năm 2045 sẽ ở tốp 100 châu Á và 300 thế giới.

 

PV

Các tin mới hơn
Liên kết
×