Bước 1: Chuẩn bị xây dựng hồ sơ mở ngành
- Các trường, phân hiệu, khoa trực thuộc (các đơn vị) gửi tờ trình đề nghị Giám đốc Đại học Huế (qua Ban Đào tạo đại học) cho triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết mở ngành, khái quát về điều kiện mở ngành của đơn vị (theo Điều 2 TT08).
- Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận văn bản của đơn vị, Giám đốc Đại học Huế sẽ xem xét tính khả thi của việc mở ngành và có văn bản trả lời.
Bước 2: Xây dựng hồ sơ mở ngành
Sau khi Giám đốc Đại học Huế đồng ý, đơn vị tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng gồm 2 tập, trong đó:
Tập I: Hồ sơ đăng ký mở ngành, gồm có:
- Tờ trình (Phụ lục I/TT08);
- Đề án đăng ký mở ngành đào tạo (Phụ lục II/TT08). Trong “Phần 3. Chương trình và kế hoạch đào tạo” của Đề án, Chương trình đào tạo trình bày theo quy định ở Phụ lục IV nhưng chỉ thực hiện mục “I. Chương trình đào tạo”, còn mục “II. Đề cương chi tiết học phần/môn học” chuyển sang tập II của hồ sơ;
- Biên bản thông qua đề án mở ngành của Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở đào tạo.
Tập II: Bộ Đề cương chi tiết các học phần (thực hiện theo phần “II. Đề cương chi tiết học phần/môn học” của Phụ lục IV/TT08).
Tất cả học phần có trong chương trình đào tạo đều được biên soạn đề cương chi tiết đầy đủ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ mở ngành
- Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký mở ngành (gồm Tập I và Tập II), đơn vị lập thành 03 bản gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện của cơ sở đào tạo.
- Mặc khác, đơn vị căn cứ vào điều kiện quy định ở điểm 3a điều 6 TT08 để có công văn đề nghị Đại học Huế cho phép tự thẩm định chương trình đào tạo (theo mẫu Phụ lục VIII/TT08) hoặc đề nghị Đại học Huế chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo. Chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị, Đại học Huế sẽ có công văn trả lời.
- Trong trường hợp đơn vị được phép tự thẩm định chương trình đào tạo, Thủ trưởng đơn vị ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định chương trình đã đăng ký theo đúng quy định tại điểm 6 điều 6 của TT08. Nếu đơn vị không có khả năng tự thẩm định, Đại học Huế sẽ mời một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo.
- Sau khi có kết quả thẩm định chương trình đào tạo, kết quả kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo, đơn vị tập hợp hồ sơ lập thành 3 bản trình Đại học Huế (qua Ban Đào tạo đại học). Mỗi bản hồ sơ gồm những nội dung sau:
+ Hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo (Tập I, II);
+ Biên bản thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VII/TT08);
+ Biên bản kiểm tra, xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo của ngành đăng ký mở (Phụ lục VI/TT08).
- Nếu hồ sơ mở ngành và các văn bản liên quan chưa đảm bảo yêu cầu, bộ phận chuyên môn của Đại học Huế sẽ có văn bản đề nghị đơn vị chỉnh sửa, biên tập lại những nội dung cần thiết.
- Ban Đào tạo đại học, Ban Khảo thí - Đảm bảo chất lượng giáo dục và Ban Kế hoạch - Tài chính có nhiệm vụ xem xét, thẩm định hồ sơ đăng ký mở ngành theo Quy định về quy trình xử lý hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng (ban hành kèm theo Quyết định số 1146/QĐ-BGDĐT ngày 23/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bước 4: Phê duyệt
- Sau khi hoàn tất quy trình thẩm định hồ sơ đẳng ký mở ngành, Ban Đào tạo đại học lập văn bản trình Giám đốc và Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Huế xem xét, ra quyết định mở ngành.
- Để phục vụ công tác quản lý, lưu trữ, sau khi hoàn chỉnh các đơn vị cần nộp kèm đĩa CD chứa các file của tập I, II cùng với hồ sơ.
* Lưu ý: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Huế chỉ họp 1 năm 2 lần vào quý I và quý III.