Nhớ trường (28/11/2014)
ôi là sinh viên Đại học Sư phạm từ năm 1972, đến 1976 lại công tác ở khoa Văn của trường cho đến 1987 mới chuyển sang ngành khác. Vậy là tất cả mười bốn năm thời tuổi trẻ của tôi đã gắn liền với mái trường này, bao nhiêu kỷ niệm từ lúc còn ngồi ghế giảng đường cho đến lúc đứng trên bục giảng, từ việc làm cho đến nơi ăn, chốn ở, từ chuyện định hướng tương lai cho đến những khúc quanh cuộc đời, lấy chồng, sinh con, ra đi, ở lại… tất cả đều gắn với từng con đường từng góc sân trong ngôi trường này.

            Nhưng kỷ niệm vui buồn trong hơn mười bốn năm trời chẳng biết kể đến bao lâu cho hết. Tôi chỉ biết ghi lại ở đây một vài hồi ức đầu tiên nổi lên trong tâm tư mình, khi nghe nhắc đến ngày hội trường, cũng là mùa tái ngộ…

            Vào trường: Tôi vào học trường Đại học Sư phạm năm 1972, vào cái năm “mùa hè đỏ lửa”. Lúc vào trường tôi suy nghĩ nhiều lắm về việc chọn ban Anh, ban Pháp hay Việt. Hồi đó khi học lớp 12 trường Đồng Khánh tôi đã mê môn Văn và được các thầy cô khuyến khích “lớn lên đi viết văn” nên cuối cùng tôi đã quyết định chọn thi vào ban Việt Hán.

            Năm đó khi vào thi, đề tự luận ra về Chinh phụ ngâm khúc, mà Chinh phụ ngâm khúc hồi đó là tác phẩm cổ văn tôi thích nhất, nên tôi thi đậu Thủ khoa, được mẹ thưởng cho chiếc xe đạp mới để đi học (hồi đó xe Honda đã xuất hiện đầy đường nhưng sinh viên như chúng tôi thì còn nghèo lắm, xe đạp là phương tiện chính, cả lớp Việt Hán chúng tôi 36 người chỉ có đại ca Nguyễn Nhàn, trưởng lớp của chúng tôi là có xe máy vi vu mà thôi.)

            Ra trường: Tôi học đến năm thứ ba thì chiến tranh chấm dứt, khoảng sáu tháng sau đó là dành cho lao động và sinh hoạt tập thể, rồi được học văn hóa thêm khoảng sáu tháng là thi tốt nghiệp. Hồi đó tôi còn ít tuổi, chưa hề đi xa nhà, nên mơ ước được đi phiêu lưu lắm. Bạn trai tôi ở bên lớp Anh Văn lại là “đoàn viên tiên tiến”, đọc “Thép đã tôi thế đấy” muốn noi gương Paven Coocsaghin nên khi ghi nguyện vọng công tác, cả hai chúng tôi đều tình nguyện lên GiaLai Kontum (Trong trí tưởng tượng của chúng tôi lúc ấy thì đấy là miền núi, chắc là rừng thiêng nước độc, nhiều gian nguy thử thách lắm lắm). Không ngờ khi có kết quả phân công thì tôi được giữ lại dạy ở khoa Văn của nhà trường, còn bạn trai thì được bổ nhiệm vào một tỉnh đồng bằng ở phía Nam. Vậy là giấc mộng phiêu lưu không thành và câu chuyện tình thời sinh viên cũng dần dần phai theo thời gian.

            Tôi thi ra trường cũng không hanh thông như khi vào trường: Học chương trình mới còn lơ mơ nên tôi đã trả lời sai câu hỏi về chức năng của văn học. Thầy dạy môn Lý luận văn học, cũng là thầy Hiệu trưởng, đã cho tôi một số không to tướng, nên tôi đậu vớt tốt nghiệp, về nhà giấu không dám nói cho mẹ tôi biết. Sau ba mươi năm, có lần gặp thầy tôi thắc mắc là thầy đã đánh rớt tôi rồi mà không biết ai trong Hội đồng nhà trường lại còn đề xuất giữ tôi ở lại giảng dạy, thầy cười bảo “Tôi chứ còn ai.”

            Tôi ở lại dạy Đại học sư phạm 10 năm, trước khi rời trường sang làm ở nhà xuất bản. Đó cũng là khoảng thời gian cả nước hết sức khó khăn, cả một đoạn đời thanh xuân của tôi đã trôi qua trong biết bao buồn vui thăng trầm của cuộc sống…

            Bây giờ tôi còn nhớ biết bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu kỷ niệm.

            Thầy: Từ 72 đến 76 tôi đã được học với quý thầy Trần Như Uyên, Nguyễn Văn Dương, Lê Khắc Phò, Đoàn Khoách, Vương Hữu Lễ, Nguyễn Văn Mỹ…Thời đó các giáo sư và sinh viên không thường gặp gỡ bên ngoài lớp học, cũng không có chuyện thăm viếng tặng biếu nhân ngày nọ ngày kia, sinh viên rất ít khi biết về nhà cửa đời sống riêng tư của thầy. Chỉ biết tôn kính và chịu ơn thầy về những kiến thức mà mình được truyền thụ để sau này sử dụng trong nghề nghiệp…Trong những điều đã học được từ nhà trường hồi đó, có lẽ những gì cần thiết nhất, lợi ích nhất cho cuộc sống của tôi sau này chính là những kỹ năng về viết văn mà thầy Hà Thúc Hoan đã dạy và môn tâm lý thanh thiếu niên do linh mục Nguyễn Tiến Huynh giảng. Đó là những giờ học thực sự lý thú, và những gì tôi học được từ những giờ học đó đã là một phần hành trang tôi đem theo suốt đời bởi chúng luôn có ích cho tôi dù sau này tôi đã chuyển ngành không còn đi dạy nữa.

            Tôi cũng rất nhớ cụ nghè Lê Văn Hoàng dạy chữ Hán, lúc dạy chúng tôi cụ đã lớn tuổi, tính cụ hiền lành, rất thương sinh viên, ngoài chữ Hán cụ còn dạy chúng tôi về lịch sử kinh thành Huế (Trước đây cụ làm ở Ngự tiền văn phòng nên rành những chuyện thâm cung bí sử lắm). Sau 1975, tuy chỉ học thêm có 6 tháng thì tốt nghiệp nhưng chúng tôi cũng đã được học với toàn các giảng viên tinh hoa nhất của Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm Vinh cử vào: Thầy Nguyễn Văn Hạnh, thầy Nguyễn Khắc Phi, thầy Hoàng Tiến Tựu (Người sau này trở thành sư phụ của tôi khi tôi đi vào ngành nghiên cứu folklore) thầy Lê Văn Hảo và đặc biệt là cô Nguyễn Thị Hoàng, cô giáo môn văn học phương Tây, cô vừa đẹp vừa giảng hay khiến chúng tôi nghe mê mẩn liền tù tì ba bốn giờ liền không biết mệt…

            Bạn: Bạn cùng lớp tôi lúc đó có 36 người, cùng khóa có 5 khoa, Toán, Lý Hóa, Anh văn, Pháp văn và Việt Hán. Lớp nào học chương trình của riêng lớp ấy nhưng có chương trình chung của toàn khóa để học những môn cần cho sinh viên khi ra trường  cho nên chúng tôi có chương trình sinh hoạt học đường. Chương trình này rất vui, chúng tôi được đi cắm trại, được tập chơi lửa trại, đi hoạt động từ thiện…tóm lại là các kỹ năng ngoại khóa cho người giáo viên tương lai. Vì vậy tuy học riêng nhưng chơi thì chung, bây giờ tôi còn nhớ những khuôn mặt nổi bật trong các cuộc sinh hoạt ngoài trời rất thú vị đó, lớp Anh văn có Trần Cư đàn ghi ta và hát rất hay, lớp Lý Hóa thì khi nào cũng nổi bật với bộ tứ Bảo Ký Ân Tình, trong đó có Võ Tình và Nguyễn Hữu Ân đã ở trong hàng ngũ cán bộ trụ cột của nhà trường cho đến hôm nay. Riêng lớp toán có vẻ như vì học hành nặng nhọc quá hay sao nên rất ít khi có tiết mục vui đóng góp…

            Bạn cùng lớp thì mỗi người mỗi vẻ, như một dàn đồng ca tự do. Nguyễn Nhàn, Trịnh Quốc Ninh, Lê Mậu Xanh, Hồ Đức Minh… thì áo quần chỉn chu, mày râu tươm tất; Hồ Sĩ Bình, Phan Ngọc Thu, Huỳnh Khắc Đủ, Trần Xuân Quang… thuộc loại “bụi bặm”, đặc biệt Trần Hữu Nghiễm (sau này là nhà thơ ở Cà Mau - đã mất) thì có phong cách cực kỳ hippy… Đàng hoàng nhất là Lê Trường Xin và Ngô Thời Đôn, nhất là anh Đôn nhà rất xa mà lại đi bộ, nhưng hôm nào cũng đến lớp rất đúng giờ trong khi những anh đi xe trễ lên trễ xuống. Nguyễn Đạo Hằng thì rất đạo mạo, quê ở Quảng Điền nên cả lớp thường gọi là “Chủ tịch mặt trận nhân dân Anlosia (tức là An Lỗ - Sịa).

            Bên phía nữ có hai cô bạn thân là Huệ và Mầng đến giờ này vẫn thân, Thu Sang là hoa khôi thời ấy, còn Như Huy khi đi học chỉ chăm chăm làm cô giáo chứ chưa thấy trổ tài nấu ăn, không ngờ sau này trở thành Viện sĩ viện Hàn lâm ẩm thực ở Pháp!

            Sau 75 các bạn tôi mỗi người một số phận, trong một cuộc đổi đời lớn lao như thế có kẻ may người rủi, nhìn lại thì tôi là một trong những người may mắn.

            Bạn Mầng của tôi khi ra trường vì lý do gia đình không được bổ nhiệm, về sống và buôn bán ở Đà Nẵng, bạn Huệ lên vùng núi Quế Sơn dạy học rồi không chịu nổi gian khổ và khoảng cách đi lại quá khó khăn, nên tình nguyện về dạy cấp một để được gần nhà. Các bạn cùng lớp của tôi bây giờ lập nghiệp rải rác trên nhiều tỉnh trong cả nước, đủ ngành đủ nghề, đi đến đâu cũng gặp được bạn xưa.

            Cách đây tám năm, cả lớp chúng tôi đã tự tổ chức một ngày gặp mặt tại Huế, một cuộc gặp gỡ thật vui và cảm động! Ngày gặp nhau ngồi kể lại mới biết thêm rất nhiều chuyện về nhau, chuyện cuộc đời sau này, và cả chuyện ngày xưa còn giấu… Chúng tôi bảo nhau : “Mấy mươi năm qua rồi, mở hộp đen được rồi!”

            Năm nay lại hội trường, chắc các bạn tôi thế nào cũng có người về, sẽ còn những hộp đen được mở ra để mà buồn vui chuyện cũ…

 

Cựu SV Ban Việt Hán (1972-1976), cựu Giảng viên khoa Văn, ĐHSP Huế

Nhà văn Trần Thùy Mai

Gặp gỡ cựu giáo chức, cựu sinh viên Đại học Huế tại tỉnh Đăk Lăk Gặp gỡ cựu giáo chức, cựu sinh viên Đại học Huế tại tỉnh Đăk Lăk (03/10/2016)

Sáng ngày 6/8/2016, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đại học Huế đã tổ chức buổi gặp mặt cựu giáo chức, cựu sinh viên Đại học Huế hiện đang sinh sống, công tác tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Đến tham dự buổi gặp mặt có gần 100 cựu sinh viên của Đại học Huế qua các thời kỳ. PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự còn có Phó Giám đốc Trương Quý Tùng, Chánh Văn phòng, Trưởng Ban HTQT, Lãnh đạo Ban Công tác HSSV; lãnh đạo các trường đại học thành viên Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Gặp mặt cựu giáo chức, cựu sinh viên hướng đến kỷ niệm 60 năm Đại học Huế Gặp mặt cựu giáo chức, cựu sinh viên hướng đến kỷ niệm 60 năm Đại học Huế (07/06/2016)

Sáng 26/5, tại Thành phố Huế, Đại học Huế tổ chức buổi gặp mặt các thầy cô giáo, đại diện cựu giáo chức, cựu sinh viên Đại học Huế. Đến tham dự buổi gặp mặt có GS.TSKH Nguyễn Viễn Thọ, nguyên Giám đốc Đại học Huế và các giáo sư, phó giáo sư nguyên Phó Giám đốc Đại học Huế, nguyên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường thành viên; Ông Ngô Yên Thi, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, cựu sinh viên Đại học Huế; Ông Phan Công Tuyên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh Thừa Thiên Huế và hơn 150 cựu giáo chức, cán bộ quản lý, cựu sinh viên Đại học Huế qua các thời kỳ. PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế chủ trì buổi gặp mặt.

Xem tiếp ...
Thư ngỏ về việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật truyền thống Đại học Huế Thư ngỏ về việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật truyền thống Đại học Huế (15/12/2015)

Kính gửi: - Quý cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; - Quý thầy giáo cô giáo, cán bộ viên chức lao động đã và đang công tác tại Đại học Huế; - Quý anh, chị Cựu giáo sư, giảng viên, Cựu sinh viên ĐHH; nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đang học tập tại Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Gặp cựu sinh viên Đại học Huế có mặt trên chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á 2014 Gặp cựu sinh viên Đại học Huế có mặt trên chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á 2014 (08/12/2014)

Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản năm 2014 diễn ra từ ngày 29/10 đến ngày 17/12/2014 tại Nhật Bản và các nước ASEAN gồm Indonesia, Campuchia, Brunei và Myanmar. Con tàu sẽ là nơi tập hợp hơn 300 thanh niên ưu tú - những nhà lãnh đạo tương lai của 11 quốc gia ASEAN và Nhật Bản.

Xem tiếp ...
Hoàng Anh Tiến gương mặt trí thức trẻ tiêu biểu về học tập và nghiên cứu khoa học Hoàng Anh Tiến gương mặt trí thức trẻ tiêu biểu về học tập và nghiên cứu khoa học (08/12/2014)

Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ Hoàng Anh Tiến (ảnh bên) đã được đón nhận một nền giáo dục tốt từ những Thầy Cô giáo của trường Nguyễn Tri Phương, Quốc Học, Đại học Y Dược Huế. Thừa hưởng được sự đam mê khoa học từ bố là GS,TS Huỳnh Văn Minh, sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ, anh luôn có nhiều động lực để phấn đấu, đạt nhiều thành tích cao trong cuộc sống. Không chỉ học tập và nghiên cứu giỏi mà còn là một người năng động trong các hoạt động xã hội.

Xem tiếp ...
Một thời để nhớ Một thời để nhớ (28/11/2014)

Mới đó mà thời gian trôi qua nhanh thật. Còn nhớ những ngày thơ dại tung tăng cắp sách đến trường, vậy mà giờ đây tôi đã xa mái trường Đại học Sư phạm Huế đã 4 năm. Chừng ấy thời gian là không quá dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được rằng thời sinh viên của tôi đã trôi qua tự bao giờ và nghề mà tôi theo đuổi mới đó đã hơn ngàn ngày có lẻ.

Xem tiếp ...
Xem thêm hình ảnh khác