Những địa điểm đầu tiên được chọn xây dựng Viện Đại học Huế trước 1975 (17/02/2017)
Cuối năm 1956, đầu năm 1957, sau khi tạm thời vượt qua những khó khăn, chính quyền Sài Gòn tính đến việc xây dựng một hệ thống chính trị hành chính hoàn chỉnh nhằm phục vụ có hiệu quả cho sự thống trị lâu dài ở miền Nam, trong đó giáo dục đại học được xem là một trong những chính sách quan trọng mà chính quyền này hướng đến. Huế đã được chính quyền Sài Gòn chọn để thiết lập một viện đại học. Ngày 1-3-1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 45-GD thành lập Viện Đại học Huế. Điều thứ nhất của Sắc lệnh ghi: “Nay thiết lập tại Huế một Viện Đại học và một số trường chuyên môn phụ thuộc, lấy tên là “Viện Đại học Huế”.

Từ đó đến nay, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1957-2017), vượt qua biết bao nhiêu khó khăn cùng với những biến cố và đổi thay của thời cuộc, nhất là ý đồ chính trị của chính quyền “Việt Nam Cộng hòa”, Đại học Huế vẫn không ngừng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Những thành quả đạt được trên nhiều lãnh vực, đã khẳng định vai trò và vị trí của Đại học Huế đối với sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, miền Trung và Tây Nguyên nói riêng. Cho đến nay, Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y dược, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Luật, Khoa Du Lịch, Khoa Giáo dục Thể chất cùng với nhiều khoa, trung tâm, viện trực thuộc. Vì vậy, cũng không còn sớm nữa khi nhìn lại chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển của Đại học Huế (1957-2017). Bài viết này góp phần khảo cứu về những địa điểm đầu tiên được chọn xây cất VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ.

Từ trước lúc có Sắc lệnh 45-GD (1-3-1957), chính quyền Sài Gòn đã thành lập một phái đoàn, gồm Tổng Thư ký Bộ Quốc gia Giáo dục, Viện trưởng Viện Đại học (Sài Gòn), Giám đốc Trường Cao đẳng Kiến trúc và Phó Giám đốc Nha Hành chính, Tài chính và Văn hóa Viện Đại học, thực hiện chuyến công cán tại Huế với mục đích nghiên cứu những vấn đề chủ yếu như tìm kiếm trụ sở, nhân viên giảng huấn, nhân viên văn phòng nhằm tiến đến việc thiết lập Viện Đại học tại Huế.

Trong thời gian từ ngày 25 đến ngày 27-2-1957, Phái đoàn đã tiếp xúc và thảo luận với một số viên chức chính quyền và nhân sĩ tại Huế, gồm Đổng lý Tòa Đại biểu, Phó Tỉnh trưởng Thuận Hóa, Chưởng lý Tòa Thượng thẩm, Giám đốc Nha Y tế, Giám đốc Nha Học chánh, Trưởng Ty Y tế. Trong những buổi tiếp xúc, Phái đoàn đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng chính trị và văn hóa của việc thành lập Viện Đại học Huế, đồng thời tìm hiểu khả năng hiện có của Đô thị Huế về trụ sở, nhân viên, vật liệu, v.v. …, tình hình và khuynh hướng của học sinh lớp Đệ nhất Trung học (nay là lớp 12), nhu cầu về nhân viên chuyên môn hay chuyên nghiệp của các cơ quan hành chính, xã hội và văn hóa tại miền Trung, nguyện vọng chung về việc mở các ngành đại học, … Phái đoàn đã quan sát các địa điểm để lựa chọn một khu đất có đủ điều kiện thuận tiện để thiết lập trụ sở cho Chi nhánh Viện Đại học và các trường trực thuộc.

Trụ sở Viện Đại học Huế

Sau khi tham khảo các ý kiến cùng với việc khảo sát thực tế, “Phái đoàn nhận thấy trong số các địa điểm đã được xem xét, chỉ có Tòa Đại biểu là thuận tiện và xứng đáng hơn nhất để thiết lập Chi nhánh Viện Đại học tại Huế. Vì nơi đây có một phòng Dân biểu cũ rất rộng để làm đại giảng đường và nhiều phòng lớn nhỏ để làm phòng học, thư viện, văn phòng, v.v… Trước mặt Tòa Đại biểu lại còn một khu đất trống, chừng 5.000 m2, sau này có thể xây cất thêm để khuyếch trương Chi nhánh”. Ngoài ra, Trụ sở Nha Bảo An có thể sửa sang làm phòng học và Câu lạc bộ Sinh viên; Trụ sở Nha Thanh niên cũ (bấy giờ Tòa án Quân sự đang sử dụng) là một nơi rất thuận tiện để thiết lập Trường Cán sự Y tế và Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia. Vì Khu này kế cận với Bệnh viện Trung ương Huế và xung quanh còn nhiều đất, có thể xây cất để mở rộng thêm trường sau này; Trụ sở Phong trào Cách mạng Quốc gia có thể sửa sang thành Nhà tạm trú cho Giáo sư Sài Gòn ra công cán giảng dạy tại Huế.

Phái đoàn thống nhất đề nghị chính quyền Sài Gòn: “Đặt thuộc quyền xử dụng của Bộ Quốc gia Giáo dục những bất động sản dưới đây, để thiết lập chi nhánh Viện Đại học tại Huế:

– Trụ sở Tòa Đại biểu, đường Lê Thái Tổ (sau này là Lê Lợi, nay là 3 Lê Lợi)

– Khu đất ở trước mặt Tòa Đại biểu đường Lê Thái Tổ (nay là 2 Lê Lợi).

– Trụ sở Nha Bảo an, đường Lê Thái Tổ.

– Trụ sở Nha Thanh niên cũ (bấy giờ là Tòa Án quân sự, đường Thiệu Trị).

– Trụ sở Phong Trào Cách mạng Quốc gia, đường Nam Giao”.

Trên cơ sở nội dung đã được thống nhất qua chuyến công cán như đã đề cập, ngay sau khi có Sắc lệnh 45-GD (1-3-1957) thành lập Viện Đại học Huế, chính quyền Sài Gòn tổ chức liên tiếp hai hội nghị vào các ngày 2 và 3-3-1957 nhằm thống nhất một số nội dung để Viện Đại học Huế sớm đi vào hoạt động trong niên khóa 1957-1958, trong đó hội nghị này 3-3-1957 trực tiếp thảo luận về các địa điểm để thiết lập trụ sở Viện Đại học Huế. Hội nghị do Cố vấn chính trị tại Phủ Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Kiến thiết và Thiết kế đô thị chủ tọa cùng với các thành viên như Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần, Chưởng lý Tòa Thượng thẩm, Đổng lý Văn phòng Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung Nguyên Trung phần, Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Đại diện Trung tướng Đệ nhị Quân khu, Giám đốc Nha Y tế Trung Nguyên Trung phần, Chánh Văn phòng Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần, Giám đốc Nha Bảo An Trung Nguyên Trung phần và một số giáo sư đang giảng dạy tại các trường trung học tại Huế.

Hội nghị cho rằng: “Theo nguyên tắc, nên lập một khu vực riêng cho Viện Đại học đủ tiện nghi và rộng rãi cho xứng đáng với vị trí của Đô thị Huế về các phương diện văn hóa và cổ tích du lịch. Nhưng tạm thời, vì vấn đề thời gian, nên nhằm mượn những trụ sở hành chánh và quân sự để thiết lập trường đại học cho kịp kỳ khai giảng niên học 1957-1958”. Hội nghị thống nhất các vấn đề sau:

– Trụ sở Viện Đại học Huế sử dụng Tòa Đại biểu, trừ một số ít phòng, phía tư dinh Ô Đại biểu trước mắt còn cần để sử dụng.

– Về phòng học sử dụng Trụ sở Nha Bảo An. Nha Bảo An sẽ dọn đến trại Khố xanh cũ hiện Tiểu khu Thừa Thiên đóng. Tiểu khu này sẽ dời đến trường Võ bị cũ gần Đập Đá.

– Trường Cán sự Y tế và Nữ Hộ sinh sử dụng Trụ sở Tòa án Quân sự (trước đây là Trụ sở Nha Thanh niên). Tòa án Quân sự sẽ dọn đến Tam Tòa cải thành một Khu Tư pháp gồm có: Tòa Thượng thẩm, Tòa Sơ thẩm và Tòa án Quân sự. Các sở Thuế vụ và Trước bạ hiện đóng tại Tam Tòa sẽ dọn đến trụ sở Tòa án Sơ thẩm Thừa Thiên, đường Khải Định.

– Trường Cao đẳng Mỹ thuật sử dụng Trụ sở Câu lạc bộ sĩ quan cũ ở Bến Ngự.

– Nơi tạm trú của giáo sư đại học từ Sài Gòn ra giảng dạy sử dụng tầng lầu nhà Ngân hàng, gần Câu lạc bộ Huế. Bộ Giáo dục sẽ can thiệp với Bộ Tài chánh về việc mượn nơi tạm trú này.

Hội nghị cũng “yêu cầu các cơ quan quân sự và hành chánh giao cho Viện Đại học Huế nhận dùng các trụ sở kể trên càng sớm càng quý chậm nhất là 1-5-1957” .

Ngoài ra, “Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung Phần cũng thỏa thuận để Viện Đại học Huế xử dụng làm Thư viện trụ sở hiện tại của Tòa Đại diện Phủ Tổng ủy di cư. Tòa này đã gần đến ngày giải tán”.

Hội nghị còn thành lập một tiểu ban để lựa chọn địa điểm thuận tiện cho việc kiến thiết một khu đại học sau này. Tiểu ban này gồm có: Đại diện Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần (Chủ tọa) và các hội viên gồm: Đại diện Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Linh mục Cao Văn Luận (giáo sư), Giám đốc Nha Học chánh Trung Nguyên Trung phần, Quận trưởng Quận Công chánh miền Bắc, Khu trưởng Khu Kiến thiết miền Bắc, Giám đốc Nha Địa chánh.

Triển khai hoạt động cho mục đích tìm kiếm địa điểm để xây cất Viện Đại học Huế, ngày 11-11-1957, tại Giảng đường Viện Đại học Huế, một cuộc họp của Tiểu ban do Đổng lý Văn phòng Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần chủ tọa. Các địa điểm sau đây được đề xuất để chọn xây cất Viện Đại học Huế:

“1. Khoảnh ruộng thuộc khối tư sản Đô thị Huế, diện tích 14 ha, tiếp cận đường Duy Tân và đường Triệu Ẩu (đồng An Cựu) .

2. Cồn Bồi Thành (Cồn Hến).

3. Nam Giao.

4. Quảng Tế.

5. Long Thọ”.

Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn của mỗi địa điểm, Tiểu ban đã kết luận và đề nghị chọn một trong hai địa điểm sau:

“1. Khu Quảng Tế

2. Đồng An Cựu”

Và theo Tiểu ban, “giữa hai địa điểm này Đồng An Cựu có phần thích hợp và thuận tiện hơn”.

Do “Đồng An Cựu có phần thích hợp và thuận tiện hơn”, nên để về lâu dài cơ sở Viện Đại học Huế có tính liên hoàn, ngày 25-2-1958, Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần đề nghị lên chính quyền Sài Gòn chuyển Cung An Định cho Viện Đại học Huế làm trụ sở. Ngày 7-4-1958, Bộ trưởng Tài chánh ra Nghị định số 464-BTC/DC với nội dung đồng ý đề nghị của Đại biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung phần. Điều thứ nhất của Nghị định viết: “Nay sung dụng cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục (Viện Đại học Huế) để dùng làm Trụ sở cho Trường Đại học Huế, một tòa dinh thự gọi là An Định Cung và các cơ quan phụ thuộc, tọa lạc tại làng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên, tịch thâu của Vĩnh Thụy tức Bảo Đại, chiếu luật số 17/57 ngày 16 tháng 12 năm 1957”.

Lúc mới được sung dụng, “Viện Đại học Huế đã phối hợp với nhân viên Bộ Kiến thiết và Thiết kế đô thị dự trù sửa chữa An Định Cung … để thành lập một Khu Đại học vì là nơi rất thích hợp và thuận lợi – Chương trình sửa chữa có thể thực hiện trong 5 năm, mỗi năm mỗi đợt. Nói tóm tắt là mỗi trường đại học phải có một trụ sở riêng biệt”. Tuy nhiên, dự trù này ngay từ đầu không thực hiện được vì chi phí cho việc sửa chữa An Định Cung tốn kém.

Cùng thời gian này, khách sạn Morin (Grand hôtel de Hue) đã được chính quyền Sài Gòn mua lại. Lúc đầu, khách sạn dành cho số sĩ quan thuộc Phái đoàn Quân sự Mỹ ở và sau đó đã chuyển cho Viện Đại học Huế sử dụng. Công tác cải tạo thành phòng học, phòng thí nghiệm bắt đầu từ giữa tháng 6-1958 và từ niên khóa 1958-1959 đã đưa vào sử dụng một số phòng.

Tuy nhiên, khách sạn Morin và một số cơ sở đang được Viện Đại học Huế sử dụng từ niên khóa 1957-1958 trong tính toán của chính quyền Sài Gòn chỉ được xem như tạm thời. Vì vậy, việc tìm kiếm địa điểm để xây cất Viện Đại học Huế vẫn tiếp tục triển khai. Ngày 10-4-1958, bằng Công văn số 2909HC/AI, Tỉnh trưởng Tỉnh Thừa Thiên, kiêm Đô trưởng Đô thị Huế trình Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống về việc Liên khu Ty Kiến thiết Trị Thiên Nam ở Huế đã chọn một khu đất tại thôn Dương Xuân Hạ (xứ Cây Gia Mụ Tô) xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy, cách Trụ sở Viện Đại học Huế một cây số về phía Tây Bắc.

Công văn cho biết cụ thể: “Khoảnh đất nói trên gồm có: 4 mẫu 7 sào 4 thước 5 tấc công thổ thuộc thôn Dương Xuân Hạ và 17 mẫu 6 sào 7 thước 1 tấc đất tư nhân. Và trên khoảnh đất ấy có tất cả 30 cái lăng và 1.900 ngôi mả đất, trong số này có 145 ngôi mộ của dân chúng địa phương hai thôn Dương Xuân Hạ và Dương Xuân Thượng, còn phần nhiều là của các nơi khác đến chôn. Ngoài ra lại còn có 1 cái miếu và 5 cái nhà tranh”. Tỉnh trưởng Thừa Thiên đề nghị Bộ trưởng Tài chánh “trình lên Tổng thống chấp thuận địa điểm xây cất Viện Đại học Huế nói trên và cách thức giải quyết của Tỉnh tôi về việc sử dụng đất đai cần thiết. Về các chi tiết như ấn định tiền mua lại đất của tư nhân, tiền bồi thường ba lợi cùng trợ cấp thiên di nhà cửa, mồ mả”.

Tuy nhiên, “xứ Cây Gia Mụ Tô” ngay từ đầu nội bộ một số bộ, nha của chính quyền Sài Gòn vẫn chưa có sự thống nhất. Cụ thể, ngày 28-4-1958, Giám đốc Trước bạ và Công sản gởi Công văn số 3399-NTB/CS/I cho Bộ trưởng Tài chánh trong đó nêu rõ: “Việc sử dụng đất công và tậu mãi đất tư cần thiết nói trên đây chỉ có thể đề cập đến sau khi Tổng thống chấp thuận địa điểm (Công văn nhấn mạnh – TG) mà Liên ty Kiến thiết đã lựa chọn và đề nghị”.

“Về địa điểm định chọn có thuận tiện hoặc thích hợp không, Nha tôi không thể phát biểu ý kiến riêng vì không hiểu rõ địa phương nơi chọn và cũng không có trong tay để tham khảo bản đồ vị trí của Liên ty Kiến thiết lập và đính kèm theo tờ trình của Tỉnh trưởng gởi Ô. Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống”.

Nhưng trong trường hợp Tổng thống xét và chấp thuận địa điểm Viện Đại học nói trên, Nha tôi thấy không có gì trở ngại về cách giải quyết việc sử dụng đất công và tậu mãi đất tư cùng là việc bồi thường cuộc thiên di các mồ mả, mà Ô. Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã đề nghị”.

Song, Giám đốc Nha Trước bạ và Công sản còn thêm rằng: “Nha tôi xin trân trọng lưu ý ông Bộ trưởng về việc xây cất Viện Đại học nói đây có còn cần thiết nữa không.

Thực tế, do Nghị định số 464-BTC/DC ngày 7-4-1958, Ông Bộ trưởng đã có sung dụng cho Bộ Quốc gia Giáo dục một dinh thự gọi là An Định cung (Thừa Thiên) tịch thu của Bảo Đại – Tòa dinh thự này rộng lớn, cất trên một thửa đất 2 mẫu 36.40 đã được Bộ Quốc gia Giáo dục cấp tại Viện Đại học Huế để làm cơ sở.

Bởi Viện Đại học đã có trụ sở rồi thì vấn đề chọn địa điểm để xây cất trụ sở mới như dự định trên đây thiết nghĩ không thành vấn đề nữa”.

Bỏ qua đề nghị trên đây, ngày 18-3-1959, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 95-TC, “cho phép mua cho Quốc gia Việt Nam (Bộ Quốc gia Giáo dục), để xây cất Viện Đại học Huế, các thửa đất tư (theo bản kê và bản đồ vị trí do Ty Địa chính Thừa Thiên lập ngày 12-3-1958 và 16-6-1958 đính theo hồ sơ), tọa lạc tại thôn Dương Xuân Thượng và thôn Dương Xuân Hạ (xứ Cây Da mụ Tô), xã Thủy Xuân, quân Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, diện tích tổng cộng là 9ha 17a 45ca, với giá tiền là BẢY MƯƠI NGÀN BẢY TRĂM BỐN MƯƠI MỐT ĐỒNG (70.741$00)”.

Để tiến đến việc xây cất Viện Đại học Huế, ngoài tiền mua 91.745 m2 đất là 70.741$00, chính quyền Sài Gòn đã cấp cho tỉnh Thừa Thiên một ngân khoản là 551.847$00, gồm tiền thiên di nhà cửa: 19.000$00; tiền bồi thường ba lợi: 77.647$00 và tiền trợ cấp dời lăng mộ: 455.200$00.

Công tác giải tỏa mặt bằng đã được tiến hành ngay sau đó, nhưng cũng gặp phải một số khó khăn như trên khu đất có một số “lăng tẫm của ông Hoàng, bà Chúa”; mặt khác, cư dân địa phương cũng tỏ ra không đồng thuận. Chính Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Thành phố Huế lúc đó đã thông báo cho Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống về tình trạng này: “Nay công tác giải tỏa đang tiến hành mạnh, kính xin Ông Bộ trưởng cho Tỉnh tôi sớm biết tôn ý để có thể giải quyết dứt khoát thỉnh cầu của các đồng bào có nhà cửa nằm trong phạm vi khu đất sẽ xây cất Viện Đại học Huế”.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963), nhân dân địa phương đòi hỏi phải trả lại số đất đã bị giải tỏa. Bởi việc thiên di và bồi thường đã thực hiện, song nó chỉ được xem như hoàn tất sau khi các khế ước đoạn mãi đất đã được ký kết, các chủ đất nhận tiền bán về phần đất mình và sau hết là việc cải trước nghiệp chủ số đất mua. Điều này có nghĩa là công tác giải tỏa mặt bằng vẫn chưa hòa thành. Theo Tỉnh trưởng Thừa Thiên, sở dĩ có tình trạng này là vì 2 lý do sau:

“1. Viện Đại học Huế đã được xây cất tại trung tâm thành phố Huế.

2. Việc giải tỏa nhà cửa, hoa màu và nhất là việc thiên di một số mồ mả lớn lao như đã trình trên đã gây xúc động mạnh trong dân chúng, các đương sự hết sức đau thương và ta thán”.

Tỉnh trưởng Thừa Thiên còn cho biết thêm: “Trước đây, tỉnh Thừa Thiên tuy biết trong dân chúng có luồng dư luận biểu lộ âm thầm nỗi đau xót và ta oán việc làm trên của Chính phủ song dưới một chế độ độc tài chuyên chế đã không dám trình bày nguyên Tổng thống sự thật của vấn đề mà chỉ áp dụng biện pháp tiêu cực là kéo dài sự hoàn thành việc đoạn mãi đất”.

Và hiện “dân chúng và nhất là các gia đình đương sự đã công khai đả kích việc làm trên của Chính phủ trước và họ tha thiết xin được trở về sinh sống trên đất cũ của họ”. Theo Tỉnh trưởng Thừa Thiên “khu đất này giải tỏa từ năm 1959, đến nay đã 5 năm, nhưng Chính phủ không dùng làm việc gì cả trong khi dân chúng lại thiếu đất để ở và trồng trọt sinh nhai. Do đó, việc qui hoàn cho sở hữu chủ đất của họ là một việc làm chính đáng”.

Trước đòi hỏi ngày càng gia tăng của các chủ đất về việc được trở lại sinh sống trên mảnh đất của họ, ngày 11-4-1964, Tỉnh trưởng Thừa Thiên gởi Công văn số 6407/TT/HCTQ/5 đến Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống cho hay: “Tỉnh tôi lại tiếp nhận nhiều đơn của các chủ đất xin được nhận lui đất để có phương tiện làm nhà ở và trồng trọt sinh nhai”; đồng thời “khẩn khoản trình ông Bộ trưởng cứu xét vấn đề nêu trên và xin sớm phúc Tỉnh tôi kết quả để tiện giải quyết các đơn kêu nài của chủ đất”.

Trong Tờ trình số 6947-BTC/TV ngày 4-5-1964 gởi Thủ tướng Chánh phủ (Sài Gòn), Tổng trưởng Tài Chánh nhắc lại ý kiến của Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên: “Vì lẽ Viện Đại học Huế nay đã được xây cất trên một khoảnh đất tọa lạc tại trung tâm thành phố Huế, những lô đất dự định mua của tư nhân để lập Viện Đại học Huế từ năm 1959 đến nay vẫn bỏ hoang, và việc giải tỏa các nhà cửa và lăng mộ trước đây đã là một biện pháp thất nhân tâm, gây nhiều xúc động trong nhân dân, nên Tòa Tỉnh trưởng sở quan đề nghị qui hoàn lại cho sở hữu chủ 9ha 17.45 đất mà trước đây Chánh phủ trước đã mua của họ”.

Bộ trưởng Tài Chánh còn cho biết thêm: “Được tham khảo ý kiến v/v trên, Bộ Quốc gia Giáo dục cũng không thấy gì trở ngại v/v qui hoàn cho nguyên chủ đất tại “Xứ cây Da Mụ Tô” trước đây dự định xây cất Viện Đại học Huế”; đồng thời đề nghị: “Thủ tướng duyệt ký dự thảo nghị định thu hồi Nghị định số 95-TC ngày 18-3-1959 … Riêng về số tiền 551.847$00 đã được trả cho sở hữu chủ các nhà cửa, lăng mộ và ruộng đất để bồi thường thiệt hại về hoa mầu, và di chuyển nhà cửa và lăng mộ, Bộ tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng cho các đương sự được miễn bồi hoàn chánh phủ những số tiền họ đã nhận, để bù đắp lại những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất do Chánh phủ trước đã gây ra cho họ”.

Kết quả, ngày 19-5-1964, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 990-TC chấp nhận “thu hồi Nghị định số 95-TC ngày 18-3-1959 cho phép mua 9ha17.45 đất của tư nhân tọa lạc thôn Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ (xứ Cây Da mụ Tô), xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, để xây cất Viện Đại học Huế”.

Qua việc khảo cứu “Những địa điểm đầu tiên được chọn xây cất Viện Đại học Huế”, có thể rút ra một số nhận định cơ bản sau:

Một là, việc tìm kiếm địa điểm để thiết lập trụ sở Viện Đại học Huế cũng như các công sở trực thuộc đã được chính quyền Sài Gòn triển khai từ khi có ý tưởng thành lập Viện Đại học Huế và ngay sau khi có nghị định thành lập, rồi những năm tiếp theo. Công việc này được xúc tiến khẩn trương, trong đó có những địa điểm, công sở sử dụng cho trước mắt và những địa điểm, công sở sử dụng cho lâu dài. Điều này cho thấy, đối với chính quyền Sài Gòn, việc thành lập Viện Đại học Huế với những mục đích như đã nêu là hết sức bức bách.

Hai là, việc tìm kiếm địa điểm cho việc xây dựng Viện Đại học Huế tuy có sự xem xét và cân nhắc, nhưng với những địa điểm trong tầm nhìn chiến lược được chọn, như An Định Cung ngay từ đầu đã không thực hiện được; còn khu đất tại thôn Dương Xuân Thượng và thôn Dương Xuân Hạ (xứ Cây Gia Mụ Tô), xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy vấp phải sự không đồng tình trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Giám đốc Nha Trước bạ và Công sản khi được hỏi ý kiến về việc thiết lập Viện Đại học Huế trên khu đất “xứ Cây Gia Mụ Tô” đã trả lời rằng: “Nha tôi xin trân trọng lưu ý ông Bộ trưởng về việc xây cất Viện Đại học nói đây có còn cần thiết nữa không … Bởi Viện Đại học đã có trụ sở rồi thì vấn đề chọn địa điểm để xây cất trụ sở mới như dự định trên đây thiết nghĩ không thành vấn đề nữa”. Đặc biệt, bộ phận dân cư “xứ Cây Gia Mụ Tô” liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng thực sự không ủng hộ. Chính Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã thừa nhận: “Việc giải tỏa nhà cửa, hoa màu và nhất là việc thiên di một số mồ mả lớn lao … đã gây xúc động mạnh trong dân chúng, các đương sự hết sức đau thương và ta thán …”. Kết quả, khu đất tại thôn thôn Dương Xuân Thượng và thôn Dương Xuân Hạ (xứ Cây Gia Mụ Tô) xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy được chính quyền Sài Gòn chọn để xây cất Viện Đại học Huế phải qui hoàn cho các chủ đất theo Nghị định số 990-TC ngày 19-5-1964, mặc dầu tiền mua đất đã thanh toán xong.

Ba là, một thực tế là những địa điểm ban đầu được chọn làm trụ sở Viện Đại học Huế và những công sở trực thuộc, theo tinh thần Hội nghị ngày 3-3-1957 xác định là “mượn tạm những trụ sở hành chánh và quân sự để thiết lập trường đại học cho kịp kỳ khai giảng niên học 1957-1958”, đã trở thành cơ sở lâu dài của Viện Đại học Huế, như Tòa Đại biểu Chính phủ, trước năm 1975 và nay vẫn là Trụ sở của Viện Đại học Huế; Khu đất trống trước Tòa Đại biểu, số 2 Lê Lợi, trước 1975 là Cư xá giáo sư Đại học Huế, nay là khách sạn Xanh; Trụ sở Câu lạc bộ sĩ quan cũ ở Bến Ngự, trước là trường Cao đẳng Mỹ thuật, nay là Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ Sinh học, Đại học Huế; Nhà Ngân hàng được chọn làm nơi ở của giáo sư từ Sài Gòn ra công cán, giảng dạy, nay là Trung tâm Học liệu Đại học Huế, …

Lê Cung
Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố (18/04/2022)

Ngày 12/4/2022, TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế và Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an thành phố Huế chủ trì Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự (ANTT) đối với học sinh, sinh viên (HSSV) cư trú và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo các đội nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các phường trên địa bàn thành phố có trụ sở tại các trường đại học thành viên, Trường Du lịch và các khoa thuộc Đại học Huế và số lượng sinh viên tạm trú lớn, lãnh đạo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế Kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (21/03/2022)

Giai đoạn 2017 – 2022 đánh dấu việc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ những chiến lược lớn của Đại học Huế, là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Đại học Huế trên con đường phát triển thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54/TW/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/BCS-CP/2020 của Chính phủ.

Xem tiếp ...
Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố (25/01/2021)

Ngày 15 tháng 01 năm 2021, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Huế và Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an thành phố Huế chủ trì Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự (ANTT) đối với học sinh, sinh viên (HSSV) cư trú và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo các đội nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các phường trên địa bàn thành phố có trụ sở tại các trường đại học thành viên, Trường Du lịch và các khoa thuộc Đại học Huế (gọi chung là các đơn vị) và số lượng sinh viên tạm trú lớn, đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Sự thành lập các trường đại học trực thuộc Viện Đại học Huế Sự thành lập các trường đại học trực thuộc Viện Đại học Huế (17/02/2017)

– Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (tại Huế) được cải tổ thành Trường Đại học Sư phạm. Cùng ngày ra sắc lệnh thành lập Viện Đại học Huế, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 95-GD mở các ban và lớp tại Viện Đại học Huế trong năm học 1957-1958, trong đó có “Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn”.

Xem tiếp ...
Sự kiện thành lập Viện Đại học Huế (1-3-1957) Sự kiện thành lập Viện Đại học Huế (1-3-1957) (17/02/2017)

Với Hiệp định Genève (21-7-1954), Việt Nam tạm thời chia làm hai miền lấy sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời và 2 năm sau đó (tháng 7-1956), một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước sẽ được tiến hành nhằm thống nhất đất nước.

Xem tiếp ...
Giám đốc Đại học Huế thăm hỏi cán bộ viên chức có hoàn cảnh khó khăn Giám đốc Đại học Huế thăm hỏi cán bộ viên chức có hoàn cảnh khó khăn (02/02/2017)

Ngày 20/1/2017, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế và Công đoàn Đại học Huế đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các cán bộ viên chức Đại học Huế có hoàn cảnh khó khăn.

Xem tiếp ...
Ý nghĩa biểu trưng 60 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (1957 - 2017) Ý nghĩa biểu trưng 60 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (1957 - 2017) (10/01/2017)

Tổng thể biểu trưng thể hiện tầm vóc, vị thế của Đại học Huế qua 60 năm xây dựng và phát triển.

Xem tiếp ...
Xem thêm hình ảnh khác