Sự thành lập các trường đại học trực thuộc Viện Đại học Huế (17/02/2017)
– Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (tại Huế) được cải tổ thành Trường Đại học Sư phạm. Cùng ngày ra sắc lệnh thành lập Viện Đại học Huế, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 95-GD mở các ban và lớp tại Viện Đại học Huế trong năm học 1957-1958, trong đó có “Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn”.

Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (tại Huế) thành lập trong bối cảnh chung của Viện Đại học Huế, nhưng do là một trường chuyên nghiệp nên cũng có nét riêng của nó. Đó là sự khan hiếm giáo viên ở các tỉnh miền Trung: “Hiện nay, tại các tỉnh miền Trung Việt, vì phải đáp ứng nhu cầu học tập hết sức cần thiết của các con em từ thị xã đến nông thôn, chính quyền địa phương cần phải tổ chức khắp nơi những trường trung học đệ nhất cấp, do mấy vấn đề nan giải là sự khan hiếm các giáo sư, Viện Đại học Huế từ khi mới thành lập đã chú trọng mật thiết đến việc giải quyết vấn đề khan hiếm trên, nên trong đầu năm học (1957-1958) đã tổ chức ngay một Trường Cao đẳng Sư phạm”.

Lúc mới thành lập, Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (tại Huế) đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Viện trưởng Viện Đại học Huế với sự phụ tá của một Tổng Thư ký. Về mặt hành chánh, Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn (tại Huế) trực thuộc Viện Đại học Huế, nhưng về tổ chức đào tạo thì “các lớp trường Cao đẳng Sư phạm sẽ được tổ chức như Trường Cao đẳng Sư phạm tại Sài Gòn”.

Thi hành Nghị định số 1199-GD/ND ngày 12-8-1957 và Nghị định số 1294-GD/ND ngày 10-9-1957 của Bộ Quốc gia Giáo dục, Trường đã mở kỳ thi tuyển sinh vào năm thứ Nhất năm học 1957-1958. Kỳ thi đầu tiên này có 61 sinh viên trúng tuyển, chia ra 4 ban: Sinh ngữ, Toán, Việt Hán và Vạn vật (nay là Sinh học). Thời gian đào tạo là 2 năm.

Năm 1958, số lượng học sinh cũng như số trường trung học gia tăng, nguồn giáo viên trở nên thiếu hụt; mặt khác, khi ra trường sinh viên đảm nhiệm giảng dạy bậc Trung học Đệ nhị cấp (nay là bậc trung học phổ thông), do đó, tổ chức và quy chế của Trường Cao đẳng Sư phạm theo Nghị định số 344-VP/GD ngày 16-11-1950 với thời gian đào tạo 2 năm không còn thích hợp trước yêu cầu trang bị kiến thức và nâng cao trình độ cho sinh viên. Đó là chưa kể cả về mặt tổ chức lẫn nội dung chương trình giảng dạy của Trường Cao đẳng Sư phạm ra đời dưới thời Pháp thuộc không còn thích hợp với mục tiêu của chính quyền đương thời: “Tinh thần tổ chức trường cao đẳng sư phạm đầy dẫy mơ hồ và thiếu sót. Dĩ nhiên ở dưới một chế độ chính trị không rõ ràng vì mang nặng tính chất phong, thực của đế quốc,…”. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến “uy tín” của chế độ. Vì vậy, việc cải tổ Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn tại Huế thành Trường Đại học Sư phạm, trực thuộc Viện Đại học Huế là điều tất yếu.

 

Đại học Sư phạm trước 1975

Ngày 21-8-1958, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 426-GD cải tổ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thành lập theo Nghị định số 344-VP/GD ngày 16-11-1950 thành Trường Đại học Sư phạm. Sắc lệnh viết: “Trường Cao đẳng Sư phạm thiết lập do Nghị quyết số  344-VP/GD ngày 16 tháng Mười một năm 1950 nay được cải tổ thành một Trường Đại học Sư phạm đặt thuộc Viện Đại học Sài Gòn”. Theo Sắc lệnh này, cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn tại Viện Đại học Huế được cải tổ thành Trường Đại học Sư phạm từ năm học 1958-1959. “Trường Đại học Sư phạm do một Khoa trưởng điều khiển cả về phương diện hành chính và chuyên môn. Khoa trưởng có 2 giám đốc học vụ phụ tá”. Từ đây, việc tổ chức, quản trị và điều hành Trường tách khỏi quyền điều khiển trực tiếp của Viện Đại học Huế. Ông Lê Văn, Tiến sĩ Anh văn, Đại học Aix-Marseille (Hàm Văn khoa) được cử đảm nhiệm chức vụ Quyền Khoa trưởng. Trụ sở tạm thời của Trường Đại học Sư phạm đặt tại số 4 Lê Lợi.

– Các ban, lớp chuyển thành các Trường Đại học và Trường Cao đẳng. Trong năm học đầu tiên (1957-1958), Viện Đại học Huế mở những ban và lớp sau: 1. Năm Dự bị Văn khoa, 2. Năm thứ nhất Luật khoa, 3. Năm thứ nhất Năng lực Luật khoa, 4. Ban Toán học đại cương, 5. Năm thứ nhất Nữ hộ sinh Quốc gia, 6. Năm Dự bị Cao đẳng Mỹ thuật, 7. Chi nhánh Trường Cán sự Y tế Sài Gòn, 8. Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn. Sang năm học 1958-1959, số lượng sinh viên tăng lên, toàn Viện có 771 sinh viên, trong đó Trường Đại học Sư phạm gồm Khóa Cấp tốc 1 năm gồm 3 ban: Ban Văn khoa, Ban Sinh ngữ, Ban Khoa học: 42 sinh viên; Khóa Thường xuyên 3 năm: Năm thứ Nhất gồm 8 ban: Triết học, Việt Hán, Sử Địa, Pháp văn, Anh văn, Vạn vật, Lý hóa, Toán và Năm thứ Hai gồm 4 ban Việt Hán, Anh văn, Toán, Vạn vật: 186 sinh viên; các lớp Dự bị Văn khoa và chứng chỉ Văn khoa: 169 sinh viên; các lớp Năng lực Luật khoa (Năm thứ Nhất và Năm thứ Hai) và các lớp Cử nhân Luật khoa (Năm thứ Nhất và Năm thứ Hai): 195 sinh viên; các lớp chứng chỉ dự bị (Toán học Đại cương, Toán Lý Hóa, Lý Hóa Nhiên) và lớp Chứng chỉ Chuyên khoa Cơ học thuần túy: 174 sinh viên; Trường Cao đẳng Mỹ thuật gồm lớp Dự bị và Năm thứ Nhất: 45 sinh viên. Và “theo sự nhận xét của nhiều vị giáo sư, sinh viên ở Huế tỏ một tinh thần học hỏi đáng khen”.

Về đội ngũ giảng viên, năm học 1958-1959, Viện Đại học Huế đã tuyển dụng được một số giảng viên thường xuyên làm nòng cốt cho các ban. Một số giảng viên và chuyên gia ở Sài Gòn cũng được Viện Đại học Huế mời tham gia giảng dạy. Tổng số giảng viên trong năm học 1958-1959 là 88 (kể cả giảng viên thường xuyên và giảng viên dạy giờ), trong đó Đại học Văn khoa: 19, Đại học Luật khoa: 8, Đại học Khoa học: 15, Đại học Sư phạm: 37, Cao đẳng Mỹ thuật: 93.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, nhất là sinh viên, trong nghiên cứu và học tập, ngay từ khi thành lập, Viện Đại học Huế đặc biệt quan tâm xây dựng Thư viện Đại học. Trong năm học đầu tiên (1957-1958), Thư viện Đại học Huế đã có 3.896 đầu sách đủ các loại, với nhiều thứ tiếng khác nhau như: Việt, Anh, Pháp, Hán. Số sách này hoặc do Viện mua, hoặc do các cơ quan chính quyền Sài Gòn hay nước ngoài tặng. Thư viện Đại học đặt tại số 20 Lê Lợi, Huế4. Mặt khác, để kịp thời giúp sinh viên các ngành thực nghiệm có nơi học tập, nghiên cứu, đầu năm học 1958-1959, Viện Đại học Huế đã xây dựng xong ba phòng thí nghiệm tại Khách sạn Morin: Phòng thí nghiệm Vật lý, Phòng thí nghiệm Hóa học và Phòng Thí nghiệm Vạn vật (nay là Sinh vật)5.

 

Huế 1966, đường Lê Lợi, phía trước KS Morin Frères có từ thời thuộc địa, 
hai tấm hình ghép lại để thấy toàn cảnh – Photo by Ted Dexter

Từ những bước đi ban đầu mang tính vững chắc, trong “Tờ trình về tổ chức hiện hữu của các trường thuộc Viện Đại học Huế ngày 22-1-1959”, Viện trưởng Viện Đại học Huế nhấn mạnh: “Sự phát triển của Viện Đại học Huế đặt nhiều vấn đề hành chánh và sư phạm mà tuần tự sẽ được tùy nghi giải quyết cho thích hợp với nhu cầu và thực trạng”. Ngày 16-2-1959, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục có Công văn số 68/GD/PC trình chính quyền Sài Gòn với nội dung: “Năm học đầu tiên 1957-1958, vì những lý do khó khăn về nhân sự, nên Bộ tôi mới mở được một số ban và lớp thay vì thiết lập một số trường đại học,… như Sắc lệnh 45-GD ngày 1-3-1957,… Nay, Viện Đại học Huế đã phát triển mạnh mẽ. Sinh viên tỏ ra có tinh thần học hỏi và tổng số ghi danh tới 771 sinh viên. Vấn đề giáo sư cũng như vấn đề trụ sở được lần lượt giải quyết một cách thích hợp với nhu cầu và thực trạng” và “để cho mỗi ngành đại học có tổ chức quy củ”, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đề nghị chính quyền Sài Gòn thành lập tại Viện Đại học Huế các trường đại học và cao đẳng chuyên môn.

Căn cứ vào đề nghị trên đây, ngày 21-2-1959, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 61-GD thiết lập tại Viện Đại học Huế, kể từ năm học 1958-1959, các trường đại học và cao đẳng chuyên môn gồm:  Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa, Đại học Khoa học, Đại học  Sư phạm và Cao đẳng Mỹ thuật (Điều thứ 1) và “sáp nhập vào các Khoa Đại học và Trường Cao đẳng Mỹ thuật,… các ban và lớp đã mở tại Viện Đại học Huế trong năm học 1957-1958, ngoại trừ Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia và Trường Cán sự Y tế và Điều dưỡng để thuộc Bộ Y tế” (Điều thứ 3)4.

Như vậy, tiếp theo Đại học Sư phạm, trong năm học 1958-1959, Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa, Đại học Khoa học và Trường Cao đẳng Mỹ thuật được thành lập, việc quản trị và điều hành các trường đại học và cao đẳng tách khỏi quyền điều khiển trực tiếp của Viện Đại học Huế. Bà Tăng Thị Thành Trai, Tiến sĩ Luật, Đại học Aix-en Provence (Pháp), đảm nhiệm chức vụ Quyền Khoa trưởng Đại học Luật khoa; Ông Vũ Đình Chính, Bác sĩ Thú y, Đại học Lyon (Pháp), đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng Đại học Khoa học; Ông Lê Văn đảm nhiệm chức vụ Quyền Khoa trưởng Đại học Sư phạm Huế, kiêm Xử lý Thường vụ Đại học Văn khoa, đến năm học 1960-1961, Ông Lê Văn Diệm, Tiến sĩ Đại học Minnesota (Mỹ), được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa trưởng Đại học Văn khoa; Ông Tôn Thất Đào, Họa sĩ, đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ Thuật. Năm học 1958-1959 đánh dấu một bước phát triển mới của Viện Đại học Huế với sự ra đời 4 trường đại học và 1 trường Cao đẳng. Tuy các trường đại học và cao đẳng đã được thành lập nhưng vẫn chưa có trụ sở chính thức, trừ Trường Cao đẳng Mỹ thuật có trụ sở ở 15 Phan Đình Phùng, còn lại các trường đại học đều có trụ sở tạm thời đặt tại số 4 Lê Lợi, Huế.

– Sự thành lập và hoạt động của Viện Hán học. Nhằm “mục đích đào tạo một số chuyên viên về Hán văn cần thiết cho các cơ quan và các học đường, nghiên cứu và dịch thuật các pho cổ văn và kim văn viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và nghiên cứu Đông y học” và cung cấp cán bộ cho các Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa trong vùng Đông Nam Á, ngày 8-10-1959, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 389-GD, “thiết lập tại Viện Đại học Huế một trường Trường Đại học chuyên dạy Hán văn gọi là Viện Hán học” (Điều I). “Viện Hán học đặt dưới quyền điều khiển của một Giám đốc do Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm” (Điều 2). Lúc mới thành lập, Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế kiêm Giám đốc Viện Hán học, sau đó là Linh mục Nguyễn Văn Thích được cử đảm nhiệm Giám đốc. Trụ sở Viện Hán học lúc đầu đặt tại Di Luân Đường trong khuôn viên Quốc Tử Giám, 1 năm sau dời vào Tòa nhà Nội Vụ Phủ, sau cùng là cơ sở 15 Phan Đình Phùng, Huế. Cũng cần thấy thêm rằng ở miền Nam, Viện Đại học Huế là viện đại học duy nhất có Viện Hán học.

Viện Hán học – Đại học Huế, số 15 Phan Đình Phùng, thành phố Huế

Viện Hán học gồm các ban sau đây: “Ban Hán học, Ban Nghiên cứu và Dịch thuật, Ban Nghiên cứu  Đông y học. Thời gian học tại Ban Hán học là 5 năm” (Điều 3). Chương trình đào tạo gồm các môn: Quốc văn, Sử, Địa, Sinh ngữ, Hán văn, Bạch thoại, Triết lý. Sinh viên tốt nghiệp Viện Hán học có thể “được bổ dụng lần lượt theo thứ tự trong bảng danh sách trúng tuyển mãn khoá, tuỳ theo nhu cầu công vụ và khả năng ngân sách, vào các chức vụ sau với chỉ số lương 370: Chuyên viên tại các Toà Đại sứ và sứ quán Việt Nam tại các nước thuộc Đông Nam Á, chuyên viên tại Viện Khảo cổ, Giáo sưTrung học đệ nhất cấp (ngành Hán học)”3.

Cuối năm học 1963-1964, Viện Hán học có 19 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên, nhưng do nhu cầu giáo viên Hán văn quá ít, chỉ bổ dụng được 1 người. “Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ (được Bộ Giáo dục hỏi ý kiến) có cho hay là 2 Bộ này không cần dùng đến sinh viên tốt nghiệp Viện Hán học”4. Trước thực trạng “một phần vì không đáp ứng mục tiêu ban đầu, một phần vì những lý do chính trị”5, ngày 26-5-1965, Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục ra Nghị định số 742-VHGD/PC/NĐ “chấm dứt hoạt động của Viện Hán học trực thuộc Viện Đại học Huế kể từ niên học 1965-1966”; và đến ngày 22-9-1965, Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương ra Nghị định số 1627-GD khẳng định: “Viện Hán học được thiết lập do Nghị định số 389-GD ngày 8 tháng Mười năm 1959 thượng chiếu, nay được giải tán kể từ niên học 1965-1966”. Sau khi Viện Hán học giải tán, số sinh viên Viện Hán học tùy theo số năm đã học và văn bằng trung học có được, hoặc được thi vào Trường Đại học Sư phạm Huế, hoặc được nhập học miễn thi vào Trường Sư phạm Quy Nhơn, hoặc được bổ dụng làm giáo viên tiểu học công nhật,… “Số phận ngắn của Viện Hán học đã cho thấy nó là sản phẩm kết hợp không thành công giữa văn hoá truyền thống, học thuật, giáo dục, xã hội và chính trị. Viện Hán học chưa được tạo điều kiện tốt về nhiều bình diện then chốt trong quá trình đào tạo Hán học: cơ chế quản lý giáo dục, chất lượng và tâm lí người học, giảng đường và cơ sở vật chất, và quan trọng hơn cả là vấn đề việc làm. Kinh nghiệm lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị đối với việc duy trì ngành đào tạo Hán Nôm trong các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay”.

– Sự thành lập Trường Đại học Y khoa (21-8-1959). Từ đầu năm 1958, Viện Đại học Huế đã có dự trù trong năm học 1958-1959 sẽ mở năm đầu ngành Y khoa, ngành Dược khoa và Trường Kỹ sư Thương mại. Vì vậy, từ cuối năm học 1957-1958, “Tòa Viện trưởng Đại học Huế đã ghi vào chương trình thiết lập trong những năm tới một Trường Đại học Y khoa ở Huế”, bởi “một Viện Đại học đã được thành lập tất nhiên phải lo liệu lần lượt có đủ tất cả các bộ môn mà mỗi đại học có thể có. Nhưng bao giờ mới thực hiện được? Đó mới thật là vấn đề, và đó là cả vấn đề”. Giới lãnh đạo Viện Đại học Huế bấy giờ hiểu rất rõ, có nhiều khó khăn đối với việc thành lập Trường Đại học Y khoa ở Huế, trong đó đội ngũ giảng viên được xếp đầu tiên, bởi lẽ “người hiểu y khoa ở Huế đã ít lại ít thạo tiếng Việt, mà người giỏi Hán Việt, không lột được ý nghĩa của danh từ y khoa”.

Tuy nhiên, những khó khăn không làm cản trở những ý định của giới lãnh đạo Viện Đại học Huế. Chưa đầy 2 năm thành lập, Viện Đại học Huế đã phát triển về nhiều mặt như đã đề cập. Đây được xem như là một trong những tiền đề quan trọng giúp cho giới lãnh đạo Viện Đại học Huế củng cố quyết tâm trong việc thành lập Trường Đại học Y khoa. Và để thuyết phục chính quyền Sài Gòn chấp thuận, đòi hỏi giới lãnh đạo Viện Đại học Huế phải thuyết minh, luận chứng về sự cần thiết thành lập Trường Đại học Y khoa đối với nhu cầu xã hội. Trong Công văn số 3294-ĐHH/VT ngày 7-7-1959, gửi chính quyền Sài Gòn xin mở Trường Đại học Y khoa, Viện trưởng Viện Đại học Huế Cao Văn Luận viết: “Nước nhà hiện đang ở trong tình trạng rất khiếm khuyết về y sĩ. Tổng số y sĩ không quá 450 kể cả y sĩ cao niên không hành nghề nữa và y sĩ theo các khuynh hướng khác (chính trị, kinh doanh,…) cho một dân số trên 12 triệu người không thể nào thích ứng với nhu cầu toàn quốc được. Vả lại số ấy lại chuyên về điều trị mà một nửa hiện dịch trong quân sự. Số y sĩ phải có từ 3 đến 4.000. Hơn nữa về y khoa cần phải đào tạo y sĩ đủ căn bản y khoa mới có thể giao phó tính mạng con người chớ không thể đào tạo cấp bán y sĩ”; đồng thời nêu rõ những điều kiện ở Huế có thể mở được Trường Đại học Y khoa: “Tại Huế đã có sẵn đại học lẽ dĩ nhiên mở một lớp P.C.B. là năm Dự bị Đại học Y khoa rất dễ dàng; Bệnh viện Trung ương Huế có đủ phương tiện để sinh viên thực tập. Có thể nói rằng đó là một thực hành bệnh viện; Huế mãi mãi là trung tâm giáo dục của Trung Phần Việt Nam; Huế là nơi còn có một số Đông y sĩ,…”. Công văn còn đưa ra một chương trình tổ chức đào tạo y khoa bác sĩ hoàn chỉnh bắt đầu từ năm học 1960-1961 đến năm học 1966-1967, trong đó có dự báo “cuối năm học 1966-1967 có khóa đầu tiên tốt nghiệp Y khoa và lúc ấy chỉ chọn giáo sư ở các cựu sinh viên Trường gửi học thêm ở ngoại quốc”.

Căn cứ bản thuyết minh mang tính thuyết phục trên đây của Viện trưởng Viện Đại học Huế, ngày 21-8-1959, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 340-GD về việc thiết lập Trường Đại học Y khoa ở Huế: “Nay thiết lập tại Viện Đại học Huế một Trường Y khoa Đại học,… Tùy theo sự phát triển, Trường Y khoa Đại học Huế sẽ mở, trong mỗi năm học, các Ban và lớp cần thiết do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục”2.

Nhằm sớm đưa Trường Đại học Y khoa đi vào hoạt động, từ khi có nghị định thành lập, giới lãnh đạo Viện Đại học Huế đã nỗ lực về nhiều mặt, như đề xuất với chính quyền Sài Gòn nhiều biện pháp về việc tuyển dụng nhân viên giảng huấn và xây cất cơ sở trường lớp; đồng thời vận động các trường đại học nước ngoài hỗ trợ đội ngũ giảng viên, trang bị phòng thí nghiệm,… Ngày 18-11-1960, chính quyền Sài Gòn ra Sự Vụ lệnh 1273-GD/NV/SVL tuyển dụng Bác sĩ Lê Tấn Vĩnh, Thạc sĩ Y khoa (Paris) đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng Đại học Y khoa. Trụ sở tạm thời của Trường đặt tại số 4 Lê Lợi, Huế. Năm học 1961-1962, Trường chính thức đi vào hoạt động với việc khai giảng năm thứ Nhất y khoa.

Như vậy, cho đến năm học 1961-1962, ngoại trừ Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia, Trường Cán sự Y tế và Điều dưỡng chuyển trực thuộc Bộ Y tế kể từ ngày 21-2-1959, Trường Cao đẳng Mỹ thuật chuyển trực thuộc Nha Mỹ thuật học vụ kể từ ngày 1-7-1960, Viện Đại học Huế có đủ 5 trường đại học và Viện Hán học. Với việc Đại học Y khoa chính thức đi vào hoạt động, Viện Đại học Huế đã trở thành một địa chỉ đào tạo đầy đủ ban ngành đặt trong bối cảnh miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Nó đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của Viện Đại học Huế trong những năm đầu thành lập.

 

BS. Lê Khắc Quyến,

Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa Huế (1961-1967)

 

Lê Cung

Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố (18/04/2022)

Ngày 12/4/2022, TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế và Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an thành phố Huế chủ trì Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự (ANTT) đối với học sinh, sinh viên (HSSV) cư trú và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo các đội nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các phường trên địa bàn thành phố có trụ sở tại các trường đại học thành viên, Trường Du lịch và các khoa thuộc Đại học Huế và số lượng sinh viên tạm trú lớn, lãnh đạo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế Kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (21/03/2022)

Giai đoạn 2017 – 2022 đánh dấu việc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ những chiến lược lớn của Đại học Huế, là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Đại học Huế trên con đường phát triển thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54/TW/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/BCS-CP/2020 của Chính phủ.

Xem tiếp ...
Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự đối với học sinh, sinh viên cư trú trên địa bàn thành phố (25/01/2021)

Ngày 15 tháng 01 năm 2021, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Huế và Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an thành phố Huế chủ trì Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đại học Huế và Công an thành phố Huế về quản lý an ninh, trật tự (ANTT) đối với học sinh, sinh viên (HSSV) cư trú và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo các đội nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các phường trên địa bàn thành phố có trụ sở tại các trường đại học thành viên, Trường Du lịch và các khoa thuộc Đại học Huế (gọi chung là các đơn vị) và số lượng sinh viên tạm trú lớn, đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế.

Xem tiếp ...
Những địa điểm đầu tiên được chọn xây dựng Viện Đại học Huế trước 1975 Những địa điểm đầu tiên được chọn xây dựng Viện Đại học Huế trước 1975 (17/02/2017)

Cuối năm 1956, đầu năm 1957, sau khi tạm thời vượt qua những khó khăn, chính quyền Sài Gòn tính đến việc xây dựng một hệ thống chính trị hành chính hoàn chỉnh nhằm phục vụ có hiệu quả cho sự thống trị lâu dài ở miền Nam, trong đó giáo dục đại học được xem là một trong những chính sách quan trọng mà chính quyền này hướng đến. Huế đã được chính quyền Sài Gòn chọn để thiết lập một viện đại học. Ngày 1-3-1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 45-GD thành lập Viện Đại học Huế. Điều thứ nhất của Sắc lệnh ghi: “Nay thiết lập tại Huế một Viện Đại học và một số trường chuyên môn phụ thuộc, lấy tên là “Viện Đại học Huế”.

Xem tiếp ...
Sự kiện thành lập Viện Đại học Huế (1-3-1957) Sự kiện thành lập Viện Đại học Huế (1-3-1957) (17/02/2017)

Với Hiệp định Genève (21-7-1954), Việt Nam tạm thời chia làm hai miền lấy sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời và 2 năm sau đó (tháng 7-1956), một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước sẽ được tiến hành nhằm thống nhất đất nước.

Xem tiếp ...
Giám đốc Đại học Huế thăm hỏi cán bộ viên chức có hoàn cảnh khó khăn Giám đốc Đại học Huế thăm hỏi cán bộ viên chức có hoàn cảnh khó khăn (02/02/2017)

Ngày 20/1/2017, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế và Công đoàn Đại học Huế đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các cán bộ viên chức Đại học Huế có hoàn cảnh khó khăn.

Xem tiếp ...
Ý nghĩa biểu trưng 60 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (1957 - 2017) Ý nghĩa biểu trưng 60 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế (1957 - 2017) (10/01/2017)

Tổng thể biểu trưng thể hiện tầm vóc, vị thế của Đại học Huế qua 60 năm xây dựng và phát triển.

Xem tiếp ...
Xem thêm hình ảnh khác