English | Français   rss
Liên kết
CTĐT bậc Đại học / DU LỊCH
- Đơn vị quản lý: Trường Du lịch

- Mã ngành: 7810101

- Tên chương trình đào tạo: DU LỊCH

- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:

 

1. Mục tiêu của chương trình đào tạo
1.1. Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân ngành Du lịch có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; đồng thời có kiến thức chuyên sâu về quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch; đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Về năng lực chuyên môn: Sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch:
– Nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và khoa học nhân văn;
– Nắm vững kiến thức về quản trị doanh nghiệp du lịch, quản lý du lịch thể thao và giải trí, và các loại hình du lịch khác;
– Nắm vững kiến thức về văn hóa Việt Nam, kiến thức về quản lý và phát triển du lịch bền vững, kiến thức về quản lý và phát triển điểm đến du lịch;
– Có kiến thức chuyên sâu về quản lý tài nguyên du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý hệ thống thông tin du lịch, hiểu và nắm vững các phương pháp thống kê trong du lịch;
– Có kỹ năng thiết kế và điều hành chương trình du lịch, kỹ năng lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; kỹ năng lập và quản lý dự án; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giao tiếp và hiểu biết tâm lý du khách…
– Có khả năng giao tiếp tốt và sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trong giao tiếp và những nghiệp vụ thương mại cần thiết;
– Hình thành các kỹ năng nghiên cứu độc lập trong ngành kinh doanh du lịch – dịch vụ;

Về năng lực công tác: Sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch có năng lực chuyên môn và năng lực công tác tốt, có thể đảm nhiệm các vị trí tại Sở Du lịch, các cơ quan ban ngành quản lý du lịch nhà nước và địa phương; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý hoạt động du lịch tại các di sản…; các tổ chức chính phủ, phi chính phủ về du lịch; giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về du lịch.

2. Thời gian đào tạo

Ngành Du lịch được tiến hành đào tạo theo Quy chế đào tạo tín chỉ của Bộ Giáo dục và đào tạo. Kế hoạch chương trình đào tạo dự kiến tiến hành trong 4 năm.

3. Cấu trúc chương trình đào tạo                                                                    

Tổng thời lượng chương trình đào tạo cử nhân ngành Du lịch bao gồm 121/157 tín chỉ, được chia làm 3 khối kiến thức như sau: Khối kiến thức Giáo dục đại cương là 36 tín chỉ (chiếm 29.75 %), Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (bao gồm: cơ sở khối ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên sâu của ngành) là 85 tín chỉ chiếm 70,25 % (trong đó cơ sở khối ngành là 30 tín chỉ, kiến thức ngành là 29 tín chỉ, và kiến thức chuyên sâu của ngành là 10 tín chỉ). Và Thực tập nghiệp vụ cùng với 02 chuyên đề tốt nghiệp cuối Khóa hoặc Khóa luận tốt nghiệp đại học là 16 tín chỉ chiếm 13.22 %. Số tín chỉ tích lũy được chia ra: 105 tín chỉ bắt buộc và 16 tín chỉ tự chọn. Về tự chọn, số tín chỉ được liệt kê là 52 và sinh viên tự chọn là 16, tỷ lệ chọn là 3,25. Ngoài ra, chứng chỉ Ngoại ngữ, chứng chỉ Giáo dục thể chất, và chứng chỉ Giáo dục quốc phòng bắt buộc sinh viên phải tích lũy trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

4. Đối tượng tuyển sinh
Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và đào tạo.

5. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp
– Quy trình đào tạo theo tín chỉ
– Điều kiện tốt nghiệp: Sinh viên tích luỹ tối thiểu 121 tín chỉ, trong đó phần bắt buộc 105 tín chỉ và phần tự chọn tối thiểu 16 tín chỉ.

6. Thang điểm

Sử dụng thang điểm theo Quy định trong Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ hiện hành (của BGDĐT và của Đại học Huế)

7. Nội dung chương trình: 121/157 TC

8. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Du lịch

8.1. Chuẩn về kiến thức

Chuẩn khối kiến thức chung toàn Đại học Huế
CR1: Vận dụng được các kiến thức Giáo dục thể chất (chứng chỉ), An ninh quốc phòng (chứng chỉ), các nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lê nin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào nghề nghiệp và cuộc sống; Vận dụng được kiến thức ngoại ngữ (B1 hoặc tương đương) trong giao tiếp thông thường.

Chuẩn khối kiến thức lĩnh vực
CR2: Vận dụng được các kiến thức khoa học xã hội, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, nhà nước và pháp luật làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho ngành Du lịch; Sử dụng tốt công nghệ thông tin cơ bản và ứng dụng được trong công việc chuyên môn.

Chuẩn kiến thức chung khối ngành
CR3: Vận dụng được các kiến thức khoa học cơ bản như liên quan đến kinh tế, du lịch, và quản trị kinh doanh để làm nền tảng lý luận và thực tiễn cho ngành Du lịch.

Chuẩn về kiến thức chuyên ngành
CR4: Nắm vững, hiểu sâu và biết cách vận dụng một cách sáng tạo các kiến thức chuyên sâu liên quan đến công tác quản lý trong lĩnh vực du lịch như: quản lý tài nguyên du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý du lịch bền vững, hiểu và vận dụng tốt kinh doanh khách sạn, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh lữ hành, và các loại hình du lịch trọng điểm và mang tính thời đại như du lịch ẩm thực, du lịch lễ hội sự kiện…; đồng thời, vận dụng được kiến thức về các phương pháp thống kê để phân tích xử lý số liệu thực nghiệm.

Chuẩn về kiến thức bổ trợ
CR5: Nắm vững, hiểu sâu, và biết cách vận dụng một cách sáng tạo các kiến thức bổ trợ đối với ngành du lịch như: quản lý hệ thống thông tin du lịch, kế toán tài chính, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; vận dụng được các kiến thức về phương pháp luận khoa học trong học tập nâng cao trình độ, phát triển tư duy nghề nghiệp và tổ chức, điều hành công việc chuyên môn.

8.2. Chuẩn về kỹ năng

Chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp (kỹ năng cứng)
CR6: Có khả năng tổng hợp, đánh giá, phân tích vấn đề thuộc khối kiến thức ngành nghề, có khả năng trình bày và viết các báo cáo rõ ràng, chính xác; Có kỹ năng tốt về thu thập, phân tích, và xử lý thông tin; có khả năng đọc hiểu và viết được tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh. Và đặc biệt là phải trang bị được các kỹ năng cần thiết trong xử lý tình huống trong từng lĩnh vực kinh doanh thuộc về du lịch như khách sạn, nhà hàng, lữ hành; thường xuyên thực hành, rèn luyện để không ngừng nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Chuẩn về kỹ năng mềm
CR7: Có khả năng làm việc chuyên môn độc lập tốt cũng như có thể giao tiếp xã hội tốt để làm việc nhóm hiệu quả; thường xuyên trau dồi một trong các kỹ năng mềm quan trọng nhất của người học ngành Du lịch là kỹ năng giải quyết, xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình thực tế nghề nghiệp tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; kỹ năng truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc, phổ biến, chuyển tải kiến thức; kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, điều phối, và quản lý trong công việc; kỹ năng khởi nghiệp, dẫn dắt, tạo việc làm cho mình và cho người khác; rèn luyện, nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng dự án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc khác nhau của một doanh nghiệp  kinh doanh du lịch.

8.3. Chuẩn về Thái độ

Thái độ cá nhân
CR8: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, và sức khỏe tốt; có tính thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, và tác phong chuyên nghiệp; trung thực, cởi mở, tôn trọng đồng nghiệp và khách hàng; có tinh thần học hỏi, có ý chí không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện bản thân.

Thái độ nghề nghiệp
CR9: Có phương pháp làm việc và tư duy khoa học, biết cách giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn nghề nghiệp; có thái độ cư xử chuyên nghiệp và có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và cộng đồng xã hội; có trách nhiệm cao trong công việc, có đạo đức trong kinh doanh và các hoạt động kinh tế trong xã hội hiện đại; có ý chí cầu tiến, chủ động lập kế hoạch cho phát triển nghề nghiệp, vươn lên trong công việc và hoàn thiện bản thân để trở thành chủ doanh nghiệp trong tương lai.

Liên kết
×