English | Français   rss
Liên kết
Mãi không quên một thời hoa lửa (08-02-2025 19:55)
Góp ý

Đã trở thành hoạt động thường niên, mỗi dịp tết đến xuân về, lãnh đạo Đại học Huế, các trường đại học, viện thành viên, khoa, phân hiệu và các đơn vị trực thuộc dâng hương các anh hùng đã có công với tổ quốc để tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân.

 

Tại Thành cổ Quảng Trị, đoàn lãnh đạo Đại học Huế do TS. Bùi Văn Lợi, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế; GS.TS. Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế đã thành kính dâng hương những anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến dịch 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 kết thúc thắng lợi đã tạo bước quan trọng cho quân và dân ta làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

 

Đoàn lãnh đạo Đại học Huế thắp hương tại Đài tưởng niệm, công trình được xây dựng năm 1997, có hình tròn mang hình dáng một nấm mồ chung. Sân hành lễ và nền đài tưởng niệm lát gạch đỏ, giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt.

 

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị. 

 

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lớp sinh viên ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

 

Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên trở về giảng đường. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, di chứng của những trận sốt rét rừng. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Nhưng có một nỗi niềm đau đáu trong lòng những người còn ở lại là nỗi xót thương người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống tại mảnh đất này. Những thế hệ sinh viên hôm nay và mai sau, mãi trân trọng giá trị hòa bình và khắc ghi công lao của những người lính đã hi sinh cả cuộc đời cho một Đất nước yên bình, không có tiếng súng.

Liên kết
×