English | Français   rss
Liên kết
ĐẠI HỌC HUẾ
Góp ý

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 2 từ trái sang), UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Đại học Huế. PGS.TS.Nguyễn Văn Toàn (thứ 3 từ trái sang), Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế; GS. TS. Lê Văn Thuyết (thứ nhất từ trái sang), Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế, TS. Nguyễn Công Hào (thứ nhất từ phải sang) Bí thư Đoàn TNCS HCM Đại học Huế đón nhận Huân chương tại Lễ kỷ niệm 55 năm Xây dựng và phát triển Đại học Huế 21.4.2012 

 

 

Viện Đại học Huế được thành lập vào tháng 3 năm 1957, bao gồm 4 phân khoa đại học: Sư phạm, Y khoa, Văn khoa, Luật khoa. Sau đó có thêm khoa Y và các cơ sở đào tạo trực thuộc khác.

 

Sau năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, trên cơ sở các khoa cũ, các trường đại học độc lập đã được thành lập ở Huế: Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Tổng hợp Huế và Trường Đại học Y khoa Huế.

 

Năm 1983, Trường Đại học Nông lâm Huế được thành lập, nguyên là Trường Đại học Nông nghiệp II từ Hà Bắc chuyển vào.

 

Theo Nghị định 30/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ, Đại học Huế ra đời, đánh dấu giai đoạn mới của sự phát triển giáo dục đại học ở Huế. Nhiệm vụ chính của Đại học Huế là đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng.

 

Đến nay, số lượng sinh viên và ngành nghề đào tạo liên tục phát triển. Đại học Huế là đại học đa ngành lớn gồm 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Luật, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Du lịch, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Ngoài ra còn có các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học: Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ Sinh học, Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung tâm Học liệu, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Phục vụ Sinh viên, Nhà Xuất bản, Tạp Chí Khoa học.

 

Đại học Huế có 108 ngành đào tạo trình độ đại học cấp văn bằng cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ; 70 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 37 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, 28 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II, 8 chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú..

 

Với những nỗ lực phấn đấu và thành tích xuất sắc đã đạt được hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã được Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương Độc lập hạng Ba (1998),

- Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002)

- Huân chương Độc lập hạng Nhất (2012)

và nhiều danh hiệu cao quý khác.

 

Khẳng định tầm vóc và vị thế của Đại học Huế, ngày 25 tháng 5 năm 2009, tại Kết luận 48-KL/TW, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản  Việt Nam đã kết luận: thống nhất chủ trương chuyển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia vào năm 2015 (theo quy hoạch của Chính phủ) hoặc có thể sớm hơn nếu điều kiện cho phép nhằm tiếp tục phát huy truyền thống và lợi thế của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục đại học cả nước.

 

Với mục tiêu đó, trong giai đoạn mới, với những cơ hội và thách thức mới, Đại học Huế quyết tâm phấn đấu thực hiện:

 

1.      Tiếp tục phát triển hệ thống đào tạo đại học, sau đại học theo hướng hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, đa hệ, đa cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước;

 

2.      Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu khoa học mũi nhọn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Đại học Huế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước;

 

3.      Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo;

 

4.      Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để hoà nhập với giáo dục đại học toàn cầu hướng đến xây dựng Đại học Huế trở thành một đầu mối giao lưu, hợp tác với các đại học lớn trong khu vực và trên thế giới;

 

5.      Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Đại học Huế theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, phấn đấu ngang bằng với các đại học tiên tiến trong khu vực về một số lĩnh vực.

 

Bằng niềm tin và quyết tâm của mình, Đại học Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Bộ, Ngành trung ương và địa phương; của các nước, các tổ chức quốc tế và của các đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên, cưu sinh viên trong và ngoài nước cùng hợp tác, chung sức xây dựng Đại học Huế trở thành một đại học trọng điểm quốc gia, một địa chỉ tin cậy và hấp dẫn về giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.

 

ĐỘI NGŨ:

 

Hiện nay, Đại học Huế có :

 

- 3.750 cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng,

 

trong đó: 

 

- 196 Giáo sư, Phó Giáo sư

 

- 508 Tiến sĩ

 

- 1.378 Thạc sĩ

 

- 463 Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính

 

- 107 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

 

CÁC CẤP HỌC VÀ NGÀNH HỌC:

 

Đại học Huế có hệ thống ngành nghề đào tạo đa ngành đa lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, nông lâm sinh, y, dược, nghệ thuật, kinh tế, công nghệ, sư phạm, ngôn ngữ nước ngoài…

 

- 108 ngành đào tạo đại học

 

- 05 ngành đào tạo cao đẳng

 

- 70 chuyên ngành đào tạo sau đại học

 

- 37 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ

 

- 68 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, II, bác sĩ nội trú

 

Tổng số ngành đào tạo đại học hệ chính quy tăng hằng năm, đáp ứng nhu cầu xã hội

 

CÁC LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO:

 

- Chính quy

 

- Không chính quy (đào tạo từ xa, VHVL, chuyên tu)

 

- Liên kết đào tạo với trong nước và nước ngoài

 

- Các loại hình đào tạo khác:

                        + Đào tạo bằng ĐH thứ 2 (CQ, KCQ)

                        + TH chuyên nghiệp

                        + THPT Năng khiếu

                        + Các lớp đào tạo cấp chứng chỉ

 

CƠ SỞ VẬT CHẤT:

 

Đại học Huế có hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại và đồng bộ đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của 7 trường đại học thành viên, các khoa, Viện và trung tâm trực thuộc.

 

- Quy mô sử dụng đất :

            Tổng diện tích đất sử dụng: 1.171.039 m2, trong đó:

            + Đất khu thực hành thực nghiệm: 862.650m2

            + Đất công sở: 22.525m2

            + Phòng học: 270.210m2

 

- Diện tích nhà làm việc: 97.418m2 sàn

            + Phòng học: 41.809m2

            + Thực hành thí nghiệm: 10.997m2

 

- Ký túc xá: 10 ký túc xá sinh viên đáp ứng 6.000 chỗ nội trú

 

- Khu quy hoạch Đại học Huế tại xã Thủy An và phường An Cựu, Thành phố Huế diện tích 147 ha được thiết kế như một đô thị Đại học hiện đại văn minh với đầy đủ tiện nghi, văn phòng làm việc, nhà học,  ký túc xá sinh viên, khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí... 

 

- Hệ thống thư viện:

Trung tâm Học liệu được trang bị  500 máy tính nối mạng, hệ thống tra cứu tài liệu dạy và học hiện đại và các chương trình đào tạo trực tuyến.

Ngoài ra hệ thống thư viện tại các trường, khoa thành viên với 1.010.432 bản của 94.976 đầu sách được kết nối liên thông với Trung tâm Học liệu nhằm chia sẻ tài nguyên giữa các đơn vị.

 

 

Liên kết
×