English | Français   rss
Liên kết
Góp ý dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi): Đề xuất hoàn thiện cơ chế quản trị, tăng quyền tự chủ và thúc đẩy mô hình đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực (06-05-2025 15:30)
Góp ý

Ngày 5/5/2025, tại Đại học Đà Nẵng, ba đại học vùng gồm Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên tổ chức hội nghị giao ban thường niên và thảo luận, góp ý dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Đây là hoạt động thường niên quan trọng, thể hiện sự gắn kết và đồng hành của ba đại học vùng trong tiến trình đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đóng góp vào sự hoàn thiện khung pháp lý giáo dục đại học tại Việt Nam. TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế đồng chủ trì hội nghị cùng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc ĐH Thái Nguyên. Tham dự Hội nghị có TS. Phan Minh Đức - Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN; GS.TS. Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế. 

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐHĐN

 

GS.TS. Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐHĐN

 

Giao ban là hoạt động gắn kết, trao đổi kinh nghiệm đổi mới để phát triển bền vững của 03 Đại học vùng, đặc biệt trước bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang triển khai Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (đề xuất thay cho Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018) nên cần có sự tham vấn, góp ý, bổ sung các nội dung cần thiết. 

 

TS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban TCCB Đại học Huế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐHĐN

 

Tại hội nghị, lãnh đạo ba đại học mong muốn cùng thảo luận, nghiên cứu sâu từ thực tiễn, đánh giá vai trò và những đóng góp tích cực của các ĐH Vùng đối với giáo dục ĐH nước nhà trong hơn 30 năm qua, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, khẳng định vai trò quan trọng của các ĐH Vùng trong thực hiện nhiệm vụ, chiến lược phát triển giáo dục ĐH nói riêng, thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng và đất nước nói chung trong suốt chiều dài lịch sử, cùng thống nhất quan điểm, tiếng nói chung để Bộ GDĐT tiếp tục ủng hộ các ĐH Vùng phát triển, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH với quan điểm đặt lợi ích quốc gia, trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng để phát triển.

 

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách ĐH Huế bày tỏ đồng tình với các ý kiến, vai trò, vị trí của các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng trong suốt hơn 30 năm qua. Đại học vùng là các cơ sở giáo dục đại học công lập, được thành lập từ năm 1994, bao gồm các trường đại học, viện thành viên, các đơn vị trực thuộc và đơn vị thuộc, được tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước. Trong 30 năm phát triển theo mô hình đại học vùng, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Phó Giám đốc phụ trách Đại học Huế nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học cần bảo đảm tính ổn định, đồng bộ với các văn bản luật liên quan, đồng thời cần hướng đến việc “cởi trói” cho các đại học vùng, tạo điều kiện cho các đại học vùng tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp có hiệu quả vào nền giáo dục đại học của Việt Nam. Nếu hơn 30 năm trước, không có chủ trương thành lập các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng thì bản đồ giáo dục của nước ta trên trường quốc tế khó phát huy tiềm năng, sức mạnh để hội nhập quốc tế.

 

Tại hội nghị, ba đại học vùng đã tập trung phân tích những nội dung mới trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, nhất là về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của đại học vùng, vai trò của hội đồng đại học, tự chủ đại học, phân cấp quản lý và phân bổ nguồn lực tài chính. Ba đại học vùng đã thống nhất kiến nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng, đồng bộ về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của đại học vùng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn vận hành và yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Hội nghị cũng là dịp để Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên nhìn lại kết quả phối hợp thời gian qua và đề ra các chương trình hợp tác chiến lược trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái giáo dục đại học hiện đại, tự chủ, gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phục vụ phát triển vùng miền của đất nước.

 

 

Các tin đã đăng
Liên kết
×