English | Français   rss
Liên kết
Kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục Thể chất – Đại học Huế (18-05-2025 11:17)
Góp ý

Ngày 18/5, Khoa Giáo dục Thể chất - Đại học Huế long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. TS. Trần văn Lam, Phó vụ trưởng vụ HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. TS. Lê Văn Lẫm, nguyên Viện trưởng Viện khoa học TDTT Việt Nam; Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT Bắc Ninh; TS. Bùi Văn Lợi Phó Bí thư phụ trách Đảng uỷ, Phó GĐ phụ trách ĐHH; lãnh đạo Đại học Huế, lãnh đạo Khoa Giáo dục Thể chất qua các thời kỳ,  lãnh đạo các cơ sở đào tạo thể dục thể thao và giáo dục thể chất trong nước; các thế hệ sinh viên qua các thời kỳ dự lễ.

 

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế trao cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Khoa Giáo dục Thể chất vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập

 

 

Lãnh đạo Đại học Huế tặng hoa chúc mừng Khoa Giáo dục Thể chất Đại học Huế

 

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế phát biểu tại buổi lễ

 

Sinh viên Khoa Giáo dục Thể chất nhận học bổng của cựu sinh viên

 

 

Khoa Giáo dục Thể chất - Đại học Huế được thành lập ngày 18/3/2005 theo Quyết định số 232/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế, trên cơ sở kế thừa chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục Thể chất – Đại học Huế. Từ một tổ bộ môn của Trường Đại học Đại cương (2000), đến Trung tâm, rồi trở thành Khoa độc lập, hành trình 20 năm ấy là kết tinh của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đoàn kết, trí tuệ và tâm huyết của nhiều thế hệ thầy trò. Khoa Giáo dục Thể chất đào tạo nguồn nhân lực thể dục thể thao chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước.  Hiện, Khoa có 4 bộ môn, 2 tổ công tác, cùng các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên hoạt động vững mạnh. Từ 46 CBVC ban đầu, đã có thời điểm quy mô của Khoa phát triển đến 92 cán bộ. Qua quá trình tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, hiện nay Khoa có 58 viên chức, người lao động với 10 Tiến sĩ, 38 Thạc sĩ, 27 Giảng viên, 17 Giảng viên chính, 5 Nghiên cứu sinh. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, là trọng tài quốc gia, quốc tế; có tinh thần đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ CNTT và AI trong giảng dạy và nghiên cứu.

 

Khoa tổ chức đào tạo môn học Giáo dục thể chất cho sinh viên 8 trường đại học thành viên, 1 trường và 2 khoa thuộc Đại học Huế với trên 40.000 lượt sinh viên mỗi năm. Công tác giảng dạy thường xuyên được đổi mới theo hướng câu lạc bộ, tự chọn, gắn với cá nhân hóa trong học tập. Khoa đã đào tạo 18 khóa ngành GDTC và 15 khóa ngành Quốc phòng an ninh; 2 khóa cao học, liên kết với các trường cao đẳng ở miền Trung – Tây Nguyên mở các lớp liên thông; đề án mở mã ngành Cử nhân Y sinh học TDTT đang được xúc tiến. Từ một nhà thi đấu đơn sơ từ năm 2000, đến nay Khoa đã có tổ hợp hiện đại gồm: khu hành chính, khu học tập, hội trường, nhà thi đấu, các sân tập ngoài trời, sân bóng đá, bóng rổ, sân pickleball… Công tác nghiên cứu khoa học luôn được gắn với thực tiễn giảng dạy và phong trào thể thao học đường; nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Đại học Huế, cấp Khoa mang ý nghĩa thiết thực cho công tác giảng dạy và học tập. Gần đây nhất tại Hội nghị Khoa học sinh viên toàn quốc về lĩnh vực TDTT lần thứ 16 năm 2025 tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng từ ngày 8-9/5 Đội sinh viên của Khoa đã đạt một giải nhì và 2 giải khuyến khích. Cán bộ và sinh viên của Khoa đã góp phần chủ lực trong thành tích thể thao của Đại học Huế tại các giải cấp Bộ, Tỉnh và quốc gia; gặt hái được nhiều huy chương các môn Taekwondo, Karate-Do, Bóng chuyền, Điền kinh…Nổi bật nhất là 2 lần vô địch Giải bóng đá sinh viên toàn quốc (2016, 2023).

 

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Văn Lam, Phó vụ trưởng vụ HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương những thành tựu của Khoa trong 20 năm qua, đó chính là những mốc son quan trọng quá trình phát triển của Khoa, của Đại học Huế và của ngành giáo dục đào tạo. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đặt ra yêu cầu phải đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra, có sức khỏe, năng lực, kỹ năng mềm, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi công tác giáo dục thể dục thể thao ngày càng nâng cao chất lượng. Đòi hỏi Khoa nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cương cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác khai thác các công trình thể dục thể thao có trên địa bàn; mạnh dạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số sâu rộng đang đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải đổi mới toàn diện từ nội dung đến phương pháp giảng dạ,. Khoa GDTC ĐHH cần chủ động hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tự chủ và khát vọng vươn lên. Khoa cần định vị lại vai trò của của đơn vị không chỉ là đơn vị giảng dạy thể chất thuần túy, mà phải hướng đến trở thành trung tâm đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng và chuyển giao tri thức thể chất hiện đại. Khoa cần liên tục cải tiến chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, tích hợp y sinh học, công nghệ vận động, du lịch thể thao; mở các mã ngành mới phù hợp xu thế xã hội, hướng đến đưa công nghệ mới vào giảng dạy như mô phỏng vận động, phân tích hình ảnh, phần mềm đánh giá thể lực - thể trạng; tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân phong trào thể dục thể thao học đường, là nơi khơi nguồn cảm hứng sống khỏe, sống tích cực, đóng góp vào phong trào thể dục thể thao của Đại học Huế cũng như trên địa bàn thành phố Huế.

 

Tin: AH, Ảnh: Ngọc Lân

Các tin đã đăng
Liên kết
×