English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo tập huấn về chuyển giao công nghệ 2018 (28-05-2018 14:11)
Góp ý

 

Trong khuôn khổ dự án “Hợp tác giáo dục chuyển giao công nghệ và tri thức Châu Âu-Việt Nam” (Vietnamese-European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium, VETEC), sáng 28/5/2018, Đại học Huế khai mạc hội thảo tập huấn với chủ đề “Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam - thực trạng và mong đợi trong tương lai” (Technology Transfer in Vietnam - the situation and looking forward to the future). Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực tiễn về chuyển giao công nghệ cho các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của các đơn vị thành viên dự án, một số trường đại học và doanh nghiệp địa phương

 

 

Tham dự khai mạc hội thảo có Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; lãnh đạo, cán bộ quản lý khoa học-công nghệ, các nhà khoa học và các thành viên dự án thuộc 06 trường đại học tham gia dự án VETEC gồm: Đại học Huế, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Tự do Brussel (Bỉ), Đại học Aveiro (Bồ Đào Nha); Đại học Công nghệ Dresden (Đức).

 

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế phát  biểu khai mạc hội thảo

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế tặng quà lưu niệm đại diện các trường đại học đối tác Châu Âu

 

 

Chương trình hội thảo sẽ diễn ra trong 2 tuần với các báo cáo từ Bộ KHCN; Đại học Huế, các trường đại học Việt Nam về nội dung: các luật liên quan đến chuyển giao công nghệ của Việt Nam; thực trạng chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp ở Việt Nam; tham quan các mô hình chuyển giao công nghệ ở Thừa Thiên Huế, ở Đại học Huế; Tăng cường chuyển giao tri thức-công nghệ và mối liên kết trường đại học - doanh nghiệp để phát triển bền vững tại Việt Nam:  Giới thiệu về sinh thái doanh nghiệp; Sáng tạo và chu trình công nghiệp; Mô hình spin-off trong trường đại học: cách rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo và thương mại hóa; Kinh nghiệm về xây dựng chiến lược khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ ở các trường đại học châu Âu.

 

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Tỉnh trong đó có Đại học Huế đã thực hiện hàng ngàn đề tài nghiên cứu, ứng dụng, dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong y học, văn hóa xã hội, công nghệ sinh học nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Với vai trò quyết định vị thế khoa học và công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế với các đơn vị thành viên là lực lượng quan trọng trong lĩnh vực KHCN đã giúp tỉnh giải quyết nhiều vấn đề mang tính thực tiễn, đã chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Phó Chủ tịch Tỉnh mong muốn trong thời gian tới Đại học Huế, các trường, viện tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ với tỉnh, tạo mối quan hệ tương hỗ, khăng khít hơn giữa nhà nghiên cứu, quản lý và doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

Dự án VETEC (Vietnamese - European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium) do Liên minh Châu Âu tài trợ, xây dựng mô hình đào tạo cho các đối tượng từ cán bộ đến nhà lãnh đạo nhằm hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam và các đơn vị liên quan nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ, mở rộng các cơ hội chuyển giao tri thức. Đây là Dự án thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (Hợp phần Nâng cao Năng lực giáo dục đại học) được thực hiện trong 3 năm (10/2016 - 10/2019). Dự án nhằm tạo ra mạng lưới phát triển đào tạo CGCN và tri thức giữa châu Âu và Việt Nam. Tham gia vào dự án này, các trường đại học Việt Nam sẽ học được kinh nghiệm của châu Âu trong vấn đề chuyển giao công nghệ và tạo ra sự kết nối; làm thế nào để tạo ra công nghệ, để công nghệ đó được nghiên cứu kỹ ở các trường ĐH và sẵn sàng để chuyển giao cho các vùng, cụm công nghiệp. Sau khi kết thúc, các kết quả của Dự án sẽ được ứng dụng rộng rãi và sử dụng trong việc phát triển các chương trình đào tạo trong chuyển giao công nghệ và tri thức.

 

PV

 

Liên kết
×