English | Français   rss
Liên kết
NGND. GS. TS.Cao Ngọc Thành - Vui khi tâm bình yên (22-09-2016 08:13)
Góp ý

GS.TS.Cao Ngọc Thành có duyên đến với ngành y xuất phát từ truyền thống gia đình, truyền thống nghề dạy học. Cha mất sớm, lúc lớn lên lại được gia đình gửi lên ở chùa để đi học, đã tạo cho cậu học trò Cao Ngọc Thành lòng thương người và tính nhân văn để rồi thi vào ngành y với ông chính là cái duyên đầu tiên.

 

Đến với ngành Sản phụ khoa là cái duyên thứ hai của BS.Thành. “Thời sinh viên đi thực tập, theo dõi những ca đẻ nhiều khi từ sáng đến chiều, tối, mình ấn tượng với bác sĩ sản bởi họ đem lại niềm vui rất mới, rất tinh khôi, đem lại hạnh phúc cho gia đình và sản phụ. Đau đẻ là đau nhiều nhất nhưng sinh ra đứa con, người mẹ cười. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc, sau đêm tối là bình minh. Đó là lý do mình chọn ngành sản phụ khoa và gắn bó với nghề này”, BS. Thành chia sẻ.

Đến với ngành vô sinh lại là một cái duyên nữa - cái duyên thứ ba. Những năm 1985-1986, khi ngành vô sinh còn rất mới ở Việt Nam, BS.Thành là một trong những nghiên cứu sinh trong nước đầu tiên của Trường đại học Y Dược Huế ra Hà Nội học và là người thứ hai học nghiên cứu sinh chuyên ngành sản khoa trong nước. Được gặp GS. Nguyễn Khắc Liêu, một trong những người đã khai sinh ra ngành nội tiết phụ khoa và vô sinh của Việt Nam, BS.Thành bắt đầu theo học về vô sinh và nhận ra những cái rất hay về chuyên ngành này. “Lúc đối diện với một cặp vợ chồng vô sinh, cảm nhận được mong ước của họ. Mình chữa được là đem lại hạnh phúc, đem lại mơ ước, tương lai cho gia đình họ. Điều này thôi thúc mình tìm cách giúp người vô sinh toại nguyện ước mơ có con”, BS.Thành tâm sự.

Chính vì cái duyên thứ ba đó BS.Thành ấp ủ dự định xây dựng phát triển Trung tâm nội tiết sinh sản và vô sinh (TTNTSS&VS), Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Được thành lập từ năm 2003 và do chính ông làm Trưởng TT, TTNTSS&VS ban đầu là đơn vị vô sinh, điều trị cho những trường hợp vô sinh bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa và thụ tinh nhân tạo. Cuối năm 2013, TT bắt đầu triển khai phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đạt tỉ lệ thành công gần 40% đem lại hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn. Đây là một thành công lớn của một trung tâm mới hoạt động chưa lâu. BS.Thành cho biết, thời gian tới, TT sẽ triển khai những kỹ thuật mới, đặc biệt là kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước làm tổ (để phát hiện những phôi bất thường về di truyền) - một trong những kỹ thuật rất mới ở Việt Nam và xu hướng chung của thế giới nhằm nâng cao chất lượng phôi chuyển, tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm”.

Không có suy nghĩ làm công tác quản lý nhà trường nhưng BS.Thành lại đến với công tác quản lý như một cơ duyên - duyên thứ tư. “Thời điểm đó không có suy nghĩ quản lý nhưng do có sự thay đổi trong cán bộ quản lý của nhà trường và xuất phát mong muốn có những thay đổi trong triết lý về giáo dục và đặc biệt là giáo dục y khoa. Muốn vậy, phải làm quản lý mới làm được, nếu không khó mà thay đổi”, BS.Thành nói.

Vui khi thấy tâm bình yên

Mấy chục năm trong nghề, BS.Thành bảo kỷ niệm với ông nhiều không nhớ hết. “Có lần mình điều trị cho một trường hợp rất khó có con, BS.Thành kể. - Chị này bị sẩy thai 5 lần, qua lần thứ 6, mình quyết định cho chị ở nhà không vào viện. Quá trình theo dõi rất công phu. Năm đó, chị sinh mổ được một cô con gái, vài năm sau lại có thêm cậu con trai. Gần Tết, vợ chồng bồng con tới thăm nhà mình, chị kể 6-7 năm trời không về quê nội vì chưa có con, giờ có con rồi vui lắm! Nhiều tình huống, cuộc đời khác nhau nhưng tựu chung lại, người nào cũng cháy bỏng ước mong có con. Nhìn hình ảnh người phụ nữ được điều trị vô sinh căng thẳng chờ đợi và đến thời điểm biết tin có thai, họ nhảy lên, la lên, thậm chí chạy đến... ôm chầm lấy bác sĩ, mình cảm thấy rất hạnh phúc”.

Dành phần lớn thời gian cho công tác quản lý trường đại học và bệnh viện, thời gian còn lại, BS.Thành tham gia công tác đào tạo và công tác khám chữa bệnh. Sau 6h chiều là khoảng thời gian ông dành cho viết sách và suy nghĩ về những công việc của ngày mai, tư vấn cho người bệnh hay trao đổi với học viên sau đại học về những đề tài khoa học luận án của họ. Trừ khi đi công tác, ông thường về nhà lúc đã 8-9h đêm. Hỏi ông có hài lòng với những gì mình đã làm, BS.Thành bảo: “Mong ước thì nhiều và không bao giờ lấp đầy được, quan trọng cố gắng làm tốt công việc với cái tâm của mình, sống tốt cho mọi người. Khi đó mình cảm thấy tâm bình yên nhất!”. Những lúc căng thẳng do sức ép công việc, BS.Thành có thói quen nghe nhạc vào chiều muộn trước khi về. Ông thích nhất là bản Serenade Schubert và nhạc Trịnh trong đó có bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Trong căn phòng làm việc của mình, BS Thành để nhiều ảnh trẻ em với ánh mắt trong veo. “Trẻ con đứa nào mắt cũng xanh. Mong ước cuối cùng của mình là ánh mắt trẻ con không bao giờ có gì đó thì rất tốt. Trẻ em, người già đau ốm lên nằm viện rất tội. Trường đang xây nhà cho trẻ em khuyết tật ở Nam Đông và phường Thuận Lộc để giúp các em hoà nhập cộng đồng”, ông nói.

Chia tay ông vào một buổi chiều cuối năm. Như một thói quen, trước khi về BS.Thành nhìn lại ngôi trường mà ông đã gắn bó và dành tất cả tâm huyết. Mỗi sự đổi thay và phát triển của ngôi trường này là niềm vui vô bờ bến với ông. Để rồi mỗi ngày trở về nhà ông lại cảm thấy tâm bình yên để bước tới.

Với vai trò là người đứng đầu của Trường đại học Y Dược Huế và Bệnh viện trường, GS.Thành đã đưa Trường đại học Y Dược Huế ngày càng phát triển và trở thành một trong ba cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng nhất của cả nước và là đơn vị Anh hùng lao động. Trường đang hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học mạnh mang tầm khu vực. Dù không hề có sự đầu tư ngân sách của Nhà nước nhưng Bệnh viện trường giờ đây không thua kém những bệnh viện ra đời nhiều năm về góc độ chuyên môn. Từ quy mô 100 giường bệnh ban đầu đến nay, bệnh viện đã trở thành loại hình bệnh viện sự nghiệp công lập và được Bộ Y tế xếp hạng là bệnh viện loại I với quy mô 700 giường bệnh.

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Các tin mới hơn
Liên kết
×