English | Français   rss
Liên kết
Tìm hiểu hệ thống tín chỉ trong giáo dục đại học và hướng triển khai ở Đại học Huế (10-01-2007 07:25)
Góp ý
Đào tạo tín chỉ là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, ngay trong năm học 2006-2007, các trường phải tập trung triển khai đào tạo tín chỉ và phải hoàn thành vào năm 2010. PV Trang tin điện tử Đại học Huế đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đức Hưng, PGĐ ĐHH về việc triển khai đào tạo tín chỉ ở ĐHH.

PV: Xin Thầy cho biết khái niệm học chế tín chỉ? Lịch sử áp dụng hình thức đào tạo này trên thế giới và ở nước ta?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
Có một số khái niệm sau:
Tín chỉ là đơn vị để đo lường kiến thức theo khối lượng lao động học tập của người học.
Tín chỉ được hiểu là mối tương tác giữa giảng viên và sinh viên trên lớp trong thời lượng 15 giờ (hệ Semester – 15 tuần lễ), hay 10 giờ (hệ Quarter – 10 tuần lễ)
Hệ thống tín chỉ (HTTC): là tập hợp nhiều tín chỉ theo chương trình được thiết kế cho một ngành đào tạo, ứng với một bằng cấp nhất định.
Học chế tín chỉ (HCTC): thực chất là một phương thức tổ chức quá trình dạy và học. Người học được quyền lựa chọn chương trình và quy trình học phù hợp với ý định, khả năng và điều kiện của mình.
HCTC không phải là vấn đề mới trong giáo dục thế giới. Năm 1872, Viện Đại học Harvard áp dụng học chế tín chỉ lần đầu. Đến đầu thế kỷ 20, các cơ sở đào tạo của Hoa Kỳ (trường công, trường tư, cả bậc phổ thông, CĐ, ĐH, THCN, trường dạy nghệ). Tiếp đó phát triển ra nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…từ thập niên 80 và hiện nay đang được nhân rộng. Ở Châu Âu, năm 1999, tại Hội nghị 29 Bộ trưởng giáo dục thuộc Liên minh Châu Âu đã ký tuyên ngôn Boglona, trong đó có nội dung triển khai áp dụng học chế tín chỉ thống nhất vào năm 2010.
Ở Việt Nam, tính đến năm học 2004-2005, Hệ thống tín chỉ đã được áp dụng ở ĐH Bách Khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Học chế học phần triệt để : ĐH Dân lập Thăng Long, ĐH Đà Lạt; Học chế học phần không triệt để: ĐH Thủy Sản Nha Trang, ĐH Cần Thơ, ĐH KHTN thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Xây dựng Hà Nội. Tất cả các trường Đại học và Cao đẳng còn lại áp dụng học chế niên chế kết hợp với học phần.

PV: Sự khác nhau giữa hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ và các hình thức đào tạo khác?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
- Đào tạo theo học chế niên chế: theo năm học, môn học theo kế hoạch nhất định, bắt buộc người học phải thực hiện, hết khóa học sẽ được cấp bằng
- Đào tạo theo học chế chứng chỉ: học theo nhóm các môn học liên quan, người học đăng ký học, nếu hoàn thành chương trình sẽ được cấp chứng chỉ.
- Đào tạo theo học chế tín chỉ: tổ chức đào tạo theo môn học, người học lựa chọn, đăng ký học, hoàn thành được công nhận đã tích lũy xong tín chỉ đó, tích lũy đủ số tín chỉ trong chương trình đào tạo thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.

PV: Đào tạo theo hình thức tín chỉ thì sinh viên sẽ được lợi gì? Nhà trường được lợi gì, đặc biệt với Đại học Huế là một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
Hệ thống tín chỉ được nhiều nước quan tâm vì :
Thứ nhất, về Quy trình đào tạo, chương trình đào tạo mềm dẻo, tạo khả năng thích ứng cao với nhu cầu nguồn lao động.
Thứ hai, đây là hình thức đào tạo hiệu quả, tiết kiệm.
Thứ ba, người học sẽ được đánh giá chặt chẽ cả quá trình học cho đến thi kết thúc.
Thứ tư là đáp ứng được triết lý giáo dục, lấy người học làm trung tâm, coi người học là khách hàng của Nhà trường.
Theo hình thức đào tạo này, người học sẽ chủ động trong việc sắp xếp học gì, học khi nào, học ở đâu…Người học cũng có thể dễ dàng điều chỉnh ngành nghề đào tạo ngay trong quá trình học tập.
Về phía Nhà trường, đây là một xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trong khu vực và trên toàn thế giới. Đối với ĐHH, ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi trong việc tạo vị thế của mình, đáp ứng được nhu cầu học tập của người học.

PV: Đại học Huế đã sẵn sàng để triển khai đào tạo theo tín chỉ chưa?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
Hiện nay Chính phủ đã có chủ trương, Bộ đã có kế hoạch triển khai, lý luận, kinh nghiệm Thế giới đã có, trong nước bước đầu đã có một số cơ sở thực hiện. Theo xu hướng phát triển đó, Đại học Huế cũng đang trong giai đoạn tích cực chuẩn bị để triển khai. Trước mắt là lựa chọn phương thức triển khai. ĐHH sẽ chọn một vài trường làm trước, chọn một số ngành của khoa, trường làm trước để thí điểm.
ĐHH cũng đang chuẩn bị và ban hành các văn bản khung cho đào tạo tín chỉ (về các vấn đề như chuyển đổi chương trình, Quy định kiểm tra - đánh giá, Quy trình đang ký, nhập học, Danh mục tài liệu, giáo trình học tập…) để các đơn vị thành viên thực hiện.
Hiện nay, ĐHH cũng đang tích cực xây dựng thư viện giáo trình điện tử để phục vụ cho việc triển khai hình thức đào tạo này, xây dựng phần mềm quản lý (đăng ký học, nộp học phí, xếp lịch học, phòng học, giáo viên, theo dõi kết quả quá trình học, thi, cấp chứng nhận…)

PV: Có một vấn đề cần quan tâm là sự chủ động của sinh viên trong việc nắm bắt thông tin. Vậy ĐHH có kế hoạch gì cho việc quảng bá hình thức đào tạo này?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
ĐHH sẽ có phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức và hiểu biết của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy và cả sinh viên về tổ chức đào tạo theo tín chỉ, sẽ có các hội thảo, rút kinh nghiệm, lý luận, thực tiễn… để tổ chức triển khai hiệu quả.
Các trường thành viên tham gia đào tạo tín chỉ sẽ công bố hệ thống tín chỉ và lịch giảng dạy theo học kỳ cho ngành đã chọn để thực hiện hệ thống tín chỉ, công bố danh sách giáo viên, phòng học, tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo cho từng tín chỉ, chọn và công bố cố vấn học tập (thay cho giáo viên chủ nhiệm)

PV: Kế hoạch triển khai trong năm học này và trong giai đoạn 2006- 2010?
PGS.TS Nguyễn Đức Hưng:
Trong năm học 2006-2007:
- Kỳ 1 (2006-2007) : chuẩn bị, công bố ngành, trường, chương trình sẽ áp dụng, soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn
- Kỳ 2 (2006-2007) : phổ biến cho sinh viên các học phần sẽ dạy trong học kỳ 1 năm 2007 – 2008. Hướng dẫn sinh viên đăng ký (số lượng tín chỉ tối đa, tối thiểu mà sinh viên được đăng ký, số lượng tín chỉ trường sẽ dạy…)
Năm học 2007-2008: sẽ thực hiện theo kế hoạch cho khóa tuyển sinh 2007. Trong quá trình thực hiện sẽ có những bước rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh dần.
PV: Xin chân thành cám ơn Thầy.
                                                                                                                                                                    Hồng Sam thực hiện


 

Liên kết
×