English | Français   rss
Liên kết
Vai trò của Thi đua – Khen thưởng trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (19-05-2025 10:32)
Góp ý

Giai đoạn 2020 – 2025, các phong trào thi đua của Đại học Huế được triển khai luôn gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, thường bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học, của cả giai đoạn và được cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Đại học Huế, như cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các phong trào thi đua trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

 

Cổng Thông tin điện tử Đại học Huế giới thiệu tóm tắt bài tham luận của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế tại Đại hội thi đua yêu nước Đại học Huế giai đoạn 2020 – 2025 với chủ đề "Vai trò của Thi đua – Khen thưởng trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế vinh dự nhận Danh hiệu là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Trường (tháng 7/2024)

 

Trong 5 năm qua công tác thi đua khen thưởng đã được Nhà trường quan tâm, viên chức, người lao động và sinh viên đồng lòng hưởng ứng, kết quả Trường được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và 4 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.

 

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, qua đó góp phần cùng hệ thống thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, trong quá trình tham mưu thực hiện nhiệm vụ, Trường Đại học Ngoại ngữ luôn xác định nhân tố đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi - vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, đó là con người, luôn coi trọng đội ngũ viên chức, người lao động của mình nên đã luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn vững, làm việc chuyên nghiệp để đảm đương tốt nhiệm vụ. Để khai thác hiệu quả nhân tố con người thì phải làm tốt công tác thi đua - khen thưởng. Thi đua - khen thưởng là môi trường tốt nhất để xây dựng con người mới và tạo động lực phát triển, như Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua - Khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.

 

Nhà trường đã chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua yêu nước bám sát với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, gắn với tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền triển khai Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác thi đua khen thưởng như: Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, các Chỉ thị, Nghị định, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đại học Huế đến cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; ban hành các văn bản chỉ đạo và hưởng ứng các phòng trào thi đua, cụ thể như: Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục; Quyết định số 1777/QĐ-ĐHH ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Giám đốc Đại học Huế ban hành Quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Đại học Huế.

 

Nhà trường quan tâm công tác khen thưởng, lấy khen thưởng để động viên phong trào thi đua. Tổ chức, phát động các phong trào thi đua phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm năm học và tình hình thực tế tại đơn vị; tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua; chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Thực hiện tốt các phong trào thi đua do Chính phủ phát động, phong trào thi đua của ngành Giáo dục, cụ thể:

 

* Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành Giáo dục giai đoạn 2019 - 2025.

- Hầu hết cán bộ viên chức đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, “cán bộ viên chức thực hiện văn hóa công sở” như làm việc đúng giờ giấc, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình tận tụy với công việc, thái độ làm việc hòa nhã, có tinh thần hợp tác cao, xứng đáng để người khác noi theo.

- Qua việc triển khai thực hiện hiệu quả phong trào đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ của viên chức, người lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ viên chức tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, kỷ cương trách nhiệm. Xây dựng phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp chuẩn mực của viên chức, trách nhiệm, tận tình, thân thiện, vì người dân phục vụ. Xây dựng phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp chuẩn mực của cán bộ, viên chức trong hoạt động công vụ.

 

* Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

- Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, Trường luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, gửi sinh viên đi thực tập ở nước ngoài, mời chuyên gia đến giảng dạy, tổ chức hội thảo tại Trường và lấy ý kiến các nhà doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, các hoạt động kỹ năng sống cho sinh viên.

- Theo kết quả khảo sát của Trường, hàng năm có trên 85% sinh viên ra trường đã có việc làm, thu nhập ổn định, được các doanh nghiệp Việt Nam đón nhận.

- Cựu sinh viên của Trường đã phát huy kiến thức, kỹ năng đào tạo trong nhà trường, đã góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển.

 

* Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”

- Nhận thức ý nghĩa việc chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất và chất tinh thần cho viên chức, người lao động và sinh viên.

- Hằng năm qua Hội nghị viên chức, Trường tăng mức chi bồi dưỡng các ngày lễ, Tết trong quy chế chi tiêu nội bộ năm sau cao hơn năm trước.

- Đối với viên chức, người lao động, Trường luôn quan tâm tạo thêm việc làm để tăng thêm thu nhập, chi thêm 500.000 đồng ngoài lương cho toàn thể viên chức, người lao động và năm sau sẽ có phương án chi thêm ngoài lương phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng viên chức. 

- Đối với sinh viên ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, quyên góp chương trình “Xuân sum vầy” nhằm tặng vé tàu, xe cho hơn 841 sinh viên của Trường về quê đón Tết với tổng số tiền 257.514.000 đồng.

- Trao học bổng khuyến khích học tập cho hơn 4.200 sinh viên với tổng số tiền trên 32.295.025.000 đồng; cấp học bổng ngoài ngân sách cho sinh viên với tổng số tiền, quy đổi quà tặng thành tiền gần 11.200.000,000 đồng; hỗ trợ chế độ miễn giảm học phí, chính sách cho hơn 700 sinh viên miễn 100% học phí; cho hơn 350 sinh viên giảm 70% học phí; cho hơn 280 sinh viên giảm 50% học phí; cho hơn 1750 sinh viên được hưởng trợ cấp xã hội; cho hơn 420 sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng hỗ trợ chi phí mua sắm phương tiện và đồ dùng học tập. Xin tài trợ 734 suất học bổng cấp cho những sinh viên nghèo vượt khó với tổng số tiền 1.850.562.114 đồng.

- Hoạt động chung tay vì cuộc sống cộng đồng được nhà trường, các tổ chức đoàn thể của Trường hết sức quan tâm.

- Phong trào hiến máu tình nguyện đã duy trì nhiều năm. Hằng năm Đoàn Thanh niên đã tổ chức 2 đợt hiến máu trung bình 600 đơn vị máu/ năm. Ngoài ra ngân hàng máu sống của Đoàn trường đã kịp thời giúp đỡ rất nhiều trường hợp cấp cứu cần máu ở Bệnh viện Trung ương Huế.

- Hỗ trợ xây nhà công vụ từ nhiều năm nay do Công đoàn Đại học Huế phát động 13.000.000 đồng/năm.

- Đóng góp 05 ngày lương nhằm ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cho đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt và giúp đỡ các hộ nghèo ở xã Bắc Sơn huyện A Lưới, thành phố Huế với tổng số tiền: 288.523.162 đồng.

- Chương trình áo ấm mùa đông của Đoàn Thanh niên đã trao tặng xe đạp, 300 áo ấm và trên 400 bộ quần áo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế).

 

* Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025:

- Thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Trường đã đầu tư trang cấp cơ sở vật chất của nhà trường, xây dựng cổng trường và bờ thành ở khu vực kho xăng dầu, cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp nhà xe cán bộ, sinh viên, chăm sóc trồng thêm cây cảnh để chung tay xây dựng thành phố Huế thành đô thị văn minh.

- Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại ngữ đã xây dựng công trình thanh niên với tổng số tiền là 119.337.000 đồng cho các công trình, cụ thể: xây dựng 1,5km điện đường chiếu sáng năng lượng điện mặt trời tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, thành phố Huế với số tiền hơn 40.000.000 đồng và hỗ trợ hơn 200 ngày công; công trình "Ánh sáng Nông thôn mới" tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) với số tiền là 42.337.000 đồng; công trình “Nước sạch Nông thôn mới” tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới, thành phố Huế với tổng số tiền 20.000.000 đồng; đóng góp hơn 17 triệu đồng vào công trình “Ngôi nhà 5000” để xây dựng nhà cho sinh viên hiện tại đang theo học tại Trường trực thuộc Đại học Huế.

 

* Phong trào thi đua của ngành Giáo dục

- Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị gắn với thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Triển khai hiệu quả các phong trào như: Phòng trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025, phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động xây dựng nhà trường không khói thuốc, không có tệ nạn xã hội.

 

Thông qua việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước thời gian qua, Nhà Trường đã rút ra một số bài học kinh nghiệm :

Thứ nhất, để công tác thi đua - khen thưởng thật sự trở thành động lực, lôi cuốn, thúc đẩy mọi cá nhân, tập thể phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì trước hết phải có sự nhận thức đúng đắn về thi đua - khen thưởng của người đứng đầu đơn vị, phải xem công tác thi đua - khen thưởng là công cụ điều hành và quản lý hữu hiệu mọi hoạt động của đơn vị, gần gũi người lao động và chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của người lao động, làm cho họ thực sự thấy được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình đối với đơn vị.

Thứ hai, mỗi phong trào thi đua phải xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tiễn hoạt động và phải hướng vào hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trường.

Thứ ba, thực hiện việc khen thưởng phải công bằng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng thành tích đạt được, chú trọng khen thưởng cho người lao động trực tiếp có thành tích cao trong phong trào. Phải nâng cao chất lượng khen thưởng, làm cho công tác khen thưởng trở thành động lực biểu dương và ghi nhận đúng thành quả từng cá nhân, từng tập thể, có như vậy sẽ tạo được bầu không khí lao động hăng say, đoàn kết và trách nhiệm, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ tư, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, gắn với biểu dương, khen thưởng để động viên phong trào đồng thời quan tâm phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thông báo kết quả đạt được của từng đợt thi đua đến các đơn vị trực thuộc, qua đó từng tập thể, từng cá nhân tự liên hệ so sánh nhằm đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể cho mình để xây dựng tập thể, cá nhân trở thành điểm sáng trong đơn vị.

Thứ năm, xác lập mối quan hệ gắn kết trách nhiệm giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị, tạo nên sự đồng thuận cao từ việc phát động, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện phong trào, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào thể hiện lòng yêu nước; phát huy được sức mạnh đoàn kết nội bộ trong việc vận động người lao động tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả cao.

 

Nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm tới cần tập trung những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với các đơn vị  chức năng về vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng; coi thi đua, khen thưởng là động lực quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn.

Hai là, tiếp tục xác định vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác thi đua khen thưởng.

Ba là, tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, có sơ kết tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Nghị quyết chuyên đề hàng năm với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ viên chức, sinh viên có tâm, có tầm để thực hiện thành công chiến lược xây dựng Trường giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng đáp ứng yêu cầu thi đua khen thưởng trong tình hình mới.

Sáu là, tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng đặc biệt là công tác khen thưởng để động viên có hiệu quả việc nỗ lực học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của cán bộ viên chức, sinh viên.

 

 

* Kết quả đạt được từ năm 2020 đến 2025

- Về thành tích của tập thể: Trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc (Năm học 2020-2021, 2022-2023); Tập thể lao động tiên tiến (Năm học 2021-2022, 2023-2024)

- Về thành tích cá nhân: VC-NLĐ thực hiện 332 sáng kiến kinh nghiệm có hiệu quả tại đơn vị, có phạm vi ảnh hưởng cấp Đại học Huế và cấp Bộ và được công nhận:

 

* Kết quả khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025:

- Khen thưởng cấp Nhà nước : Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 01 tập thể và 01 cá nhân

- Khen thưởng cấp Bộ: Cờ thi đua của Bộ (tập thể): 06; Tập thể lao động xuất sắc: 27; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (cá nhân): 05; Bằng khen của Bộ trưởng: 10 tập thể; 12 cá nhân

- Khen thưởng cấp tỉnh: Cờ thi đua của tỉnh (tập thể): 01; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh: 02 tập thể và 03 cá nhân

- Khen thưởng cấp Đại học Huế: Giấy khen của Giám đốc Đại học Huế cho 10 tập thể và 75 cá nhân.

- Khen thưởng cấp Trường: Danh hiệu thi đua tập thể LĐTT: 117 tập thể; Danh hiệu thi đua LĐTT cá nhân: 1037 người; Danh hiệu thi đua CSTĐ cơ sở cá nhân: 245 người; Giấy khen của Hiệu trưởng cho tập thể: 29 tập thể; Giấy khen của Hiệu trưởng cho cá nhân: 169 cá nhân

Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Huế

Liên kết
×