English | Français   rss
Liên kết
Sinh viên Đặng Thị Thanh Thương, Trường Đại học Kinh tế - Đại diện tuổi trẻ Việt Nam đề nghị lập hệ thống trường Đại học APEC (15-11-2017 02:42)
Góp ý

Phát biểu tại Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017, sinh viên Đặng Thị Thanh Thương (K48 ngành Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế) đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam đề nghị thành lập hệ thống trường Đại học theo tiêu chuẩn của APEC.

 

Ngày 6/11, trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 và Ban Tổ chức quốc tế VOF tổ chức Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017.

 

Tại diễn đàn, đại diện mỗi nền kinh tế thành viên APEC có bài phát biểu về làm thế nào để tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại diện của Việt Nam Đặng Thị Thanh Thương nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng với tham luận của mình.

Bằng chất giọng tự tin, Đặng Thị Thanh Thương mở đầu bằng nhận định, trong thời điểm thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều những căng thẳng chính trị, xã hội và quá trình toàn cầu hóa, dù có những thuận lợi nhưng những thách thức đối với giới trẻ cũng không hề nhỏ. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nền kinh tế khu vực và toàn cầu tăng trưởng rất chậm và cần một động lực mới. “Vì vậy, đòi hỏi thế hệ trẻ chúng ta cần đối mặt với những thành thức để xây dựng một tương lai chung”, Thương nói.

 

Sinh viên Đặng Thị Thanh Thương Đại diện tuổi trẻ Việt Nam đề nghị lập hệ thống trường Đại học APEC 

 

Thương chia sẻ 2 giải pháp chính với diễn đàn, đó là phát triển nhân lực trong thời đại công nghệ cùng với chính sách khởi nghiệp, đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Thương, về vấn đề phát triển nhân lực trong thời đại công nghệ, việc thiếu cơ hội và công bằng giữa thanh niên của các nền kinh tế là vấn đề gây tranh cãi. Thương nêu ví dụ về việc ứng tuyển một công việc ở nước ngoài rất khó khăn bởi những vấn đề về visa và chính sách nhập cư. “Ví dụ nếu tôi muốn làm việc ở Mỹ, thậm chí tôi đã được một công ty ở nước này mời đi làm, nhưng vẫn còn rào cản như việc công ty yêu cầu tôi phải chứng minh được sẽ cống hiến gì cho họ. Quá trình này rất phức tạp, đắt đỏ dù tôi có đồng ý với một mức lương thấp”, Thương nói.

 

Vì thế, Thương kiến nghị xây dựng hệ thống trường Đại học APEC được chuẩn hóa bởi APEC. Các trường học này phải cam kết đáp ứng được các tiêu chuẩn giáo dục của APEC và phải cam kết cung cấp cho sinh viên cơ hội trao đổi trong phạm vi hệ thống. “Chúng tôi cũng kiến nghị tạo một cơ sở dữ liệu giúp sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm những công việc ở nước ngoài. Chúng tôi tin rằng nhờ công nghệ số, dù có ở trong nhà thì chúng tôi vẫn có thể tạo ra lợi nhuận. Để biến điều này thành hiện thực, Thương cho rằng nên thành lập hệ thống đánh giá lao động APEC để đánh giá năng lực từng người để giúp những người đủ điều kiện dễ dàng được các công ty thuộc cộng đồng APEC tiếp nhận. Liên quan vấn đề chính sách khởi nghiệp, Thương cho rằng, có thể thấy sự thiếu hụt cả về năng lực quản lý điều hành và cơ hội hợp tác. Không phải tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều được định hướng và đi đúng đường trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, Thương cho rằng, nên thành lập Ban tổ chức các tuần lễ doanh nghiệp để nâng cao sự cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ. Tuần lễ sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trẻ các khóa đào tạo và kết nối mạng lưới kinh doanh. “Mạng Lưới doanh nghiệp khu vực nên có những viện trợ về tài chính làm giảm bớt gánh nặng tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Thương nói thêm. 

 

 

Kết lại bài phát biểu, Thương dẫn lại câu nói nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. “Chúng ta, thế hệ trẻ với sự năng động, có thể xây dựng tương lai của tôi, của bạn, của chúng ta thịnh vượng hơn”, Thương nói.

 

Theo Báo Tiền phong

 

 

Liên kết
×