English | Français   rss
Liên kết
Đổi mới tư duy giáo dục trong cơ chế thị trường (20-05-2005 17:00)
Góp ý
LTS: Được mệnh danh là người "tiếp thị" chất xám Việt Nam, người "chở" chất xám về Việt Nam, người "đi tìm" tiến sĩ cho Việt Nam vì đã và đang thực hiện các chương trình đào tạo thạc sĩ Bỉ - Việt tại các Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ...

chương trình 50 tiến sĩ bằng học bổng quốc gia, là một nhà giáo, nhà khoa học giảng dạy ở những trường ĐH danh tiếng trên thế giới, am hiểu về hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến, nắm bắt tường tận về nền giáo dục – đào tạo của Việt Nam, giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng đã có những đề nghị cụ thể sau đây về những vấn đề rất thời sự hiện nay cho ngành giáo dục nước ta.

Đổi mới tư duy theo tôi trước hết là đoạn tuyệt với lề lối tập trung quan liêu, nói nôm na là thói quen ôm đồm, cái gì cũng muốn nắm, cái gì cũng muốn quản lý mà không có khả năng, tài lực, không có phương pháp, gây trở ngại cho nền giáo dục quốc dân... Lãnh đạo và quản lý tốt phải đồng nghĩa với phục vụ tốt. Phục vụ muốn có  hiệu quả thì phải mở cơ chế cho thật thoáng để tăng cường khả năng phục vụ. Đây là nguyên tắc làm việc của các nước tiên tiến có trình độ phát triển cao. Việc đổi mới thể hiện ở những điểm sau:

Cần nhanh chóng trao quyền tự quản cho các trường đại học

Quyền tự quản này bao gồm quyền tuyển sinh, cấp bằng, quản lý và bổ nhiệm nhân sự, tổ chức và kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ dừng lại ở quản lý khung: ngân sách (phần nhà nước rót về trường, như thế dĩ nhiên gián tiếp chi phối việc bổ nhiệm nhân sự), chương trình học (bất cứ trường nào cũng phải tuân thủ chương trình học do Bộ đề ra), chế độ mức lương tối thiểu, chức danh, học hàm, tài trợ những hướng phát triển trọng điểm, cho học bổng sinh viên nghèo, hỗ trợ sinh viên vùng sâu vùng xa...), thanh tra giám sát, hiệp thương hợp tác quốc tế trên bình diện vĩ mô...

Cần phân luồng, phân tầng trong việc tổ chức giáo dục

Việc này cần bắt đầu từ bậc trung học. Tại Việt Nam còn quá ít các trường cao đẳng (CĐ), trường chuyên nghề, đặc biệt các trường kỹ thuật công nghệ với thời gian đào tạo ngắn hạn. Hiện nay tâm lý phụ huynh là coi thường CĐ. Nhưng tâm lý này sẽ được khắc phục nếu các trường CĐ gắn bó với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, cơ chế liên thông rõ ràng minh bạch, nếu các trường tiếng tăm có quyết tâm tham gia thực hiện cơ chế này. Phụ huynh nào lại chả muốn con mình nhanh chóng có việc làm giúp kinh tế gia đình, nếu con em mình sau vài năm học CĐ, năng khiếu lộ rõ qua kết quả cụ thể, được xét tuyển vào các trường lớn để đi xa hơn.

Nên mềm đầu vào và cứng đầu ra

Các trường ĐH phương Tây không tổ chức đào tạo như cái ống, mà đào tạo theo hình chóp, họ áp dụng nguyên tắc chủ đạo sau đây: "Chỉ cấp bằng cho những người đạt trình độ". Họ quan niệm là cấp bằng cho người không đạt trình độ là chẳng những làm hư hại xã hội mà trước tiên làm hư hại chính người được cấp bằng. Bởi vậy thông thường đầu vào thì đông nhưng đầu ra không nhiều. Học viên hai năm đầu bị đánh rớt rất đông, cấm thi lại quá bốn lần. Như vậy, các em có điều kiện nhanh chóng đổi ngành, chuyển qua CĐ, cho phù hợp với khả năng của mình, không mất thời gian, gây hao tốn cho xã hội và gia đình.

Không cần phải tổ chức thi tuyển ĐH nặng nề như hiện nay tại Việt Nam mà chỉ cần xét tuyển nhẹ nhàng qua quá trình học vấn cấp tú tài. Nếu cần xác định rõ hơn về trình độ thì nên tổ chức phỏng vấn trực tiếp để loại bỏ những học viên có hồ sơ với độ tin cậy thấp.

Hệ luận này kéo theo một hệ luận khác là phải tổ chức lại một cách nghiêm chỉnh hơn các kỳ thi tú tài ở trung học. Thi tú tài là xác định trình độ năng khiếu bậc trung học của học sinh. Việc xác định này cần được tổ chức chu đáo và đồng khắp, trong đó tính khách quan và công bằng phải được đảm bảo... Phải xóa bỏ tận gốc thói quen hay bắt gặp tại Việt Nam: ai cũng tiên tiến. Thói quen này có lẽ xuất phát từ chỗ thiếu tự tin, ngại chịu trách nhiệm, không dám đánh rớt.

Tổ chức giáo dục cần hướng tới tri thức quốc tế

Hướng tới tri thức thế giới trước hết là phải giỏi ngoại ngữ. Một nước trung bình như Việt Nam để nuôi dưỡng hiểu biết ngang tầm thế giới cần phải thông thạo mỗi người hai ngoại ngữ. Tôi muốn nhấn mạnh ở chữ thông thạo chứ hiểu biết sơ sài như trình độ các sinh viên tốt nghiệp ĐH hiện nay tại Việt Nam thì chưa thấm vào đâu. Muốn vậy cần tổ chức dạy ngoại ngữ ngay ở cấp tiểu học. Việc tiếp thu ngoại ngữ ở cấp trung học sẽ chậm hơn, lên đến ĐH thì đã quá muộn.

Hướng tới tri thức thế giới hiện nay ta đã có một phương tiện hữu hiệu vô song: Internet. Việc mở rộng sử dụng Internet, công nghệ thông tin là khâu quyết định cho việc cập nhật tri thức mới mẻ, hiện đại... Vấn đề ở đây là tổ chức việc mở rộng ở tầm mức quốc gia vì điều kiện kinh tế còn giới hạn của ta. Thí dụ các ĐH Việt Nam đang ở trong tình trạng vô cùng thiếu thốn tài liệu, sách, tạp chí khoa học cần thiết cho việc nghiên cứu. Lẽ ra Bộ GD-ĐT nên thương lượng với các nhà xuất bản để sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, thông qua mật khẩu, có thể vào các  trang web của các nhà xuất bản tiếng tăm, tham khảo những tài liệu đã xuất bản như các nước tiên tiến đã làm lâu nay.

Yếu tố quốc tế cần trở thành tiêu chí căn bản trong việc đánh giá chất lượng các trường đại học, giáo sư, nghiên cứu sinh...

Thí dụ các đề mục "có công trình công bố ở tạp chí quốc tế", "có tham dự hội nghị quốc tế", "được mời đi thuyết trình ở các ĐH quốc tế" phải trở thành tiêu chí bắt buộc của việc xác định chất lượng giáo sư, của việc trao tặng chức danh giáo sư. Ở Bỉ, một công trình công bố trong tạp chí quốc tế có ban biên tập quốc tế thẩm định được chấm ba điểm. Một công trình công bố trong tạp chí quốc nội chỉ được một điểm mà thôi. Cũng xin mở ngoặc là chỉ những công trình công bố cách đây không quá 5 năm mới có giá trị! Thử hỏi các giáo trình đang được giảng dạy tại Việt Nam ở các ĐH đã viết ra được bao nhiêu năm rồi?

Đánh giá chất lượng một luận án tiến sĩ (TS) cũng cần có yếu tố quốc tế. Tại châu Âu, hội đồng giám khảo một luận án TS hợp lệ phải có ít nhất một giáo sư quốc tế (đến từ một nước khác) và một giáo sư quốc nội đến từ một ĐH khác. Nếu là luận án khoa học công nghệ thì bắt buộc phải có đại diện của doanh nghiệp có công nghệ liên đới. Ngoài ra, việc thâu nhận giảng viên mới ở các ĐH cũng phải theo một tiêu chí đảm bảo được tính mới mẻ, tính quốc tế trong khâu nhân sự. Phải hơn 50% là người đã bảo vệ bằng TS từ các ĐH khác với ĐH sở tại.

Chuyên tu và tại chức

Theo tôi, ta nên loại bỏ việc cấp bằng cho các khóa chuyên tu, tại chức. Tôi không bài bác ý kiến phải luôn luôn học tập. Tôi hoan nghênh việc mở những lớp bổ túc, những lớp học cộng đồng để cho mọi công dân, ở bất cứ độ tuổi nào, ngay cả khi đã về hưu, cũng có thể tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức để sống vui và giúp ích cho xã hội. Nhưng không nên cấp bằng tại chức, trên thực tế đã được dùng tương đương như chính quy, tuy giáo trình cũng như thời gian theo học không đủ chuẩn. Chính điều đó đã biến một số quan chức thành người đi mua bằng, biến một số giáo chức vô tình hay hữu ý thành người đi bán bằng. Tệ hại nhất là việc này đã gây hoang mang trong xã hội, nhất là khiến cho con em chúng ta bị tác động theo hướng tiêu cực. Bởi học làm gì khi bỏ công sức phấn đấu dài hạn mà chắc gì có chỗ vươn lên. Các vị có bằng tại chức chiếm chỗ hết rồi! Đó là lời tôi nghe được từ các em sinh viên.

Ta chỉ nên cấp chứng chỉ cho những khóa học tại chức chứ không cấp bằng. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ có một đổi mới trong suy nghĩ chung của nhà giáo và người đi học. Và những người muốn có bằng dởm sẽ phải suy nghĩ lại và không chạy theo bằng cấp nữa. Như vậy ta sẽ có một sự thay đổi đáng kể mà không tốn kém gì cả.

Giáo dục có là hàng hóa?

Việt Nam đang có nhiều tranh cãi về giáo dục và thị trường. Giáo dục phải chăng là hàng hóa?

Tại Mỹ, Canada – các nước có nhiều trường ĐH tư phát triển sớm và có lẽ quy mô nhất thế giới, tuy có đến 50% ĐH tư nhưng chỉ chiếm lĩnh 20% sinh viên toàn nước. Các sinh viên còn lại phải theo học trường công của các bang hay liên bang. Ở nước thị trường là vua như nước Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, có các đại gia tài phiệt thống lĩnh toàn cầu, mà dịch vụ này chỉ cung ứng có thế thôi thì hàng hóa này quả là đặc biệt!

Tại những nước có trình độ phát triển cao nhất thế giới, có nền kinh tế thị trường liên tục từ ngày lập nước tới nay, mà GD-ĐT gần như toàn bộ nhà nước phải bao biện ngân sách. Tại sao thế? Tại vì chỉ có nhà nước mới có thẩm quyền, uy tín, tài lực đảm đương tính công bằng dân chủ của quốc sách giáo dục: bình đẳng trong cơ may, ai cũng có thể đi học, đạt trình độ nếu có năng khiếu.

Không có nhà nước, không quyết tâm của toàn dân, thì không thể có nền học vấn có đủ chất lượng để duy trì vị trí hàng đầu của các nước này trên thế giới.

Bởi vậy ta không nên quá lo ngại cho việc có mặt của các trường tư thục ngay cả có yếu tố 100% nước ngoài. Vấn đề đặt ra là phải có luật lệ hẳn hoi, minh bạch để có phương tiện can thiệp kịp thời, tránh những chệnh hướng có thể xảy ra. Theo tôi, việc quan trọng cần tránh nhất chính là đừng để cho giáo dục trở thành hàng hóa thuần túy.

Những tiêu cực hiện hữu đã xảy ra tại các trường dân lập Việt Nam (chất lượng kém, lợi nhuận cao nhưng sử dụng không đúng chỗ, mất đoàn kết vì chia chác...) một phần vì ta không đề phòng trước, kịp thời xây dựng một khung pháp lý cần thiết. Mặt khác vì ta cho phép một cách nhỏ giọt việc ra đời của các trường dân lập, vô tình hay hữu ý, duy trì cơ chế độc quyền, làm mất cân bằng giữa cung và cầu.

Việt Nam nên bổ sung bộ luật doanh nghiệp, cho phép ra đời những tổ chức dân lập, tổ chức xã hội không có mục đích làm tiền. Các hội ái hữu, các hội hữu nghị, hội cựu sinh viên, học sinh các trường, hội khuyến học... là những  tổ chức thuộc loại này. Các ĐH  tư thục sẽ cũng  thuộc loại này. Chú ý là không có mục đích làm tiền không có nghĩa là bất vụ lợi. Các ĐH tư thục có phúc lợi nhưng không được dư tiền, chia lãi. Mỗi năm ngân sách chi thu phải cân bằng. Các doanh nghiệp tham gia GD-ĐT sẽ được miễn thuế, sẽ có mặt trong hội đồng quản trị, sẽ có ảnh hưởng trong việc mở mang ngành nghề, trong nội dung chuyên ngành và ưu tiên có được cộng tác viên mình cần, được đào tạo như mình muốn, hữu hiệu cho việc điều hành và phát triển doanh nghiệp. Phần lãi của trường phải được đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo (tăng lương nhà giáo trong khuôn khổ tối đa cho phép, mua sắm thiết bị, mở mang phòng ốc...), tăng cường quy mô, phát triển ngành nghề...

Bộ GD-ĐT nên hoàn tất luật trường tư theo định hướng trên, nhưng thoáng trong việc quản lý để nhiều ĐH khác sớm ra đời. Yếu tố cạnh tranh tích cực, lành mạnh sẽ sớm có hiệu ứng theo hướng có lợi cho người dân. Các ĐH  tư phải có một lộ trình hẳn hoi là sau một thời gian thỏa đáng (10 năm?) phải trở thành đa ngành, thích ứng với yêu cầu công nghệ hóa, hiện đại hóa, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ hiện đại... Theo lộ trình này thì những ĐH tư không nghiêm túc sẽ bị thị trường đào thải thôi.

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
ĐH Liège, Bỉ - Chủ nhiệm Chương trình Cao học Bỉ -
Việt Nam tại ĐH Bách khoa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Liên kết
×