English | Français   rss
Liên kết
Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học (20-05-2005 16:54)
Góp ý
Hội thảo khoa học "Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học" do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Báo Giáo dục & Thời đại đồng tổ chức là hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm Báo Giáo dục & Thời đại; đồng thời để triển khai đề tài khoa học trọng điểm do Bộ Giáo dục & Đào tạo giao cho Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng ý nghĩa của Hội thảo đã vượt qua những mục đích cụ thể, trực tiếp ấy. Bởi vì đề tài Hội thảo là đề tài đang được toàn ngành và toàn xã hội chú ý. Trong mối lo chung về chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) đang được quan tâm hàng đầu. Bậc đại học đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, mặt khác gắn bó mật thiết, quan trọng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ của đất nước; song chất lượng GDĐH của chúng ta còn thấp, cần, rất cần phải có những quan điểm giải pháp, lộ trình căn bản để thay đổi bức tranh thực tế ấy.

Chúng tôi rất vui mừng vì tham dự Hội thảo có gần 150 nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục của gần 40 cơ sở khoa học, giáo dục ở cả ba miền đất nước và một số đồng nghiệp quốc tế. Kỷ yếu Hội thảo tập hợp 42 tham luận của các tác giả trong vào ngoài nước. Tại Hội thảo, 9 tham luận được trình bày, 25 ý kiến phát biểu, tranh luận trực tiếp. Tất cả đều là những suy nghĩ rất tâm huyết, tâm đắc, hướng tới tương lai chất lượng của GDĐH Việt Nam. Tổng kết Hội thảo quả rất khó. Chúng tôi càng chưa thể kết luận Hội thảo; bởi vì các ý kiến trong kỷ yếu và tại Hội thảo phong phú, đa chiều; hơn nữa, chúng tôi có thể chưa hiểu được hết cái hồn, cái thần, tầm cao và chiều sâu của không ít ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục rất có uy tín. Chỉ xin hệ thống hóa một số luận điểm chính theo các nhóm vấn đề đã được nêu trong Hội thảo rất có ý nghĩa này.

Về quan điểm, phương pháp nhìn nhận, đánh giá chất lượng GDĐH và các giải pháp nâng cao chất lượng

Các tham luận, ý kiến, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều gặp gỡ ở những quan điểm, phương pháp cơ bản; rằng phải nhìn các vấn đề trong tính hệ thống, tính toàn diện, trong sự phát triển và trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể ở nước ta hiện nay cũng như trên thế giới. Tách giáo dục đại học khỏi những quan điểm, phương pháp nhìn nhận ấy đều sa vào chủ quan, cực đoan.  Thêm nữa, không phải trực tiếp nói về giải pháp mới là giải pháp. ở đây, có không ít về vấn đề thuộc tầm vi mô, bao trùm, định hướng cho những giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam. Trong ý nghĩa ấy, nó quan trọng hơn những giải pháp cơ bản cụ thể.

Về khái niệm chất lượng giáo dục

Chúng ta đang đánh giá chất lượng GDĐH mang tính cá nhân, chủ quan. Đây là vấn đề mang tính lịch sử - cụ thể, phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố cụ thể (khách quan - chủ quan, bên trong - bên ngoài, qui mô - điều kiện, đầu vào - quá trình - đầu ra,v.v...).

Đánh giá chất lượng giáo dục không đơn giản; nó phức tạp ngay từ chính khái niệm này. Trong cách hiểu phổ biến hiện nay, chất lượng giáo dục là mức độ phù hợp, mức độ đáp ứng mục tiêu đã được đề ra của một chương trình đào tạo.

Chất lượng giáo dục không chung chung, mà luôn gắn với mục đích, mục tiêu cụ thể, bao gồm những yếu tố cả định tính, cả định lượng và không dễ "đo". Có những yếu tố thấy kết quả ngay, song không ít yếu tố cần độ lùi thời gian để kiểm nghiệm, thử thách. Tránh nhầm lẫn đồng nhất chất lượng giáo dục với kết quả học tập hoặc với số người sau khi tốt nghiệp đại học đi làm hay thất nghiệp, dù chúng là chỉ số của chất lượng. Có nhà nghiên cứu đã phát biểu: "Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều hay ít không hẳn do giáo dục yếu kém mà do nền kinh tế đất nước chưa phát triển mạnh"

Chất lượng giáo dục cũng phải được hiểu toàn diện. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực, như :

  1. Phẩm chất đạo đức, lí tưởng sống;

  2. Tri thức (Chuyên môn, Xã hội, Ngoại ngữ, Tin học);

  3. Khả năng giao tiếp, hợp tác;

  4. Khả năng thực hành, tổ chức và thực hiện công việc. v.v...

Có cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ có cơ sở để đánh giá chất lượng GDĐH bình tĩnh hơn, khách quan hơn.

Về những đặc điểm của GDĐH hiện nay và các mô hình của nó

Nhiều tham luận chú ý những đặc điểm sau đây của GDĐH hiện nay:

  • GDĐH là giáo dục sau trung học phổ thông (Xác định của UNESCO)

  • GDĐH đã mang tính đại trà, không còn giới hạn ở giáo dục tinh hoa như đại học truyền thống.

Hai đặc điểm trên không hạ thấp yêu cầu cao của tri thức và phương pháp đào tạo đại học. Đấy là bước tiến của kinh tế xã hội, sự dân chủ hóa đại học và đòi hỏi của dân trí.

  • GDĐH luôn gắn với giáo dục dạy nghề, là giáo dục dạy nghề. Mỗi trường đại học đều đào tạo những ngành nghề cụ thể nhất định. Danh mục ngành nghề đào tạo ấy không cố định, khép kín, luôn thay đổi, mở theo yêu cầu của đời sống xã hội.

  • GDĐH luôn song hành cùng nghiên cứu khoa học. Không nghiên cứu khoa học nghiêm túc không phải và không còn là đại học.

  • GDĐH mang đậm tính dân tộc, đồng thời cũng đậm tính quốc tế. Nó là đỉnh cao của tri thức quốc gia; là cửa ngõ để văn hóa, khoa học kỹ thuật quốc gia đến với thế giới và thế giới đến với quốc gia (Không ngẫu nhiên, các nguyên thủ quốc gia, khi đến thăm các nước, thường tới thăm và thuyết trình ở các đại học).

Đấy là một số đặc điểm của GDĐH. Còn mô hình các đại học hiện nay, theo một số tham luận, đang "có vấn đề". Chúng ta cần tham khảo mô hình đại học ở các nước châu Âu và Mỹ để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam. Đó cũng là yêu cầu của sự liên thông đại học và công nhận bằng cấp trên bình diện quốc tế. Cần chú ý rằng bậc cao học không thuộc đào tạo sau đại học, chỉ là sự hoàn thiện bậc đại học. Đào tạo Tiến sĩ mới gọi là sau đại học.

Trọng tâm của Hội thảo, như tên gọi của nó, hướng về các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH. Nhiều tham luận, ý kiến tâm đắc, mạnh dạn đề cập các vấn đề sau đây:

  1. Thay đổi triệt để tư duy về GDĐH, trước hết là ở các cấp quản lý. Cụ thể là:

  • Cần có cái nhìn tổng thể về mọi phương diện cơ bản của GDĐH để có hệ thống quan điểm quốc gia về nó. Cái nhìn về giáo dục phải xa hơn, rộng hơn cái nhìn về kinh tế; không nên và không thể dừng lại chỉ ở 5 - 10 hay 15 năm.

  • GDĐH hiện nay chưa theo kịp sự thay đổi của tư duy kinh tế và đời sống kinh tế đất nước. "Đại học như là doanh nghiệp, các trường đại học công lập phải nhanh chóng trở thành những tập đoàn tri thức". Các đại học là những "nhà sản xuất" có "sản phẩm" và "khách hàng" riêng của mình là "sinh viên" và "sản phẩm nghiên cứu khoa học" cung cấp cho các công ty, xí nghiệp và cho người học, cho xã hội. Có thế mới nâng cao tính cạnh tranh của đại học. Chế độ bao cấp hiện nay khiến "sai đâu Bộ chịu", không đại học nào chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Phải coi GDĐH là dịch vụ (Lợi ích công là Giáo dục phổ thông), đẩy mạnh xã hội hóa và quốc tế hóa GDĐH dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

  • Để giải bài toán qui mô - chất lượng - điều kiện, phải "phân tầng chất lượng" các đại học. Có tầng chất lượng quốc tế, tầng chất lượng quốc gia, tầng chất lượng địa phương , cộng đồng và điều kiện đảm bảo chất lượng tương ứng.

  • Phải xây dựng và thực hiện hệ thống đảm bảo chất lượng GDĐH, bộ tiêu chí chất lượng để kiểm tra, đánh giá đại học. Trong Kỷ yếu Hội thảo, một số nhà nghiên cứu đã trình bày hệ thống và bộ tiêu chí ấy. Đã đến lúc đại học Việt Nam áp dụng.

  1. Nâng cao năng lực, đội ngũ quản lý và giảng viên đại học

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng GDĐH. Không ít tham luận thẳng thắn chỉ ra: Đội ngũ này ở các đại học còn thiếu và yếu. Việc "đôn" các cao đẳng lên đại học và mở nhiều đại học dân lập trong khi chưa chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết, cùng với việc kỷ cương ở đại học còn bị buông lỏng, càng làm cho đội ngũ đại học Việt Nam yếu hơn.

Các tham luận đề xuất:

  • Phải quản lý đội ngũ trên cả 3 mặt: Qui hoạch phát triển, sử dụng, nuôi dưỡng môi trường.

  • Chú trọng xây dựng đội ngũ trẻ. Tăng cường cho giảng viên trẻ đi học tập ở nước ngoài. Nên giữ lại những sinh viên có khả năng nghiên cứu và tiếp tục phát triển và thi tuyển vào vị trí giảng viên ở các bộ môn.

  • Cán bộ quản lý phải được đào tạo bài bản, chú trọng năng lực thực tế và các tiêu chuẩn cần thiết khác.

  • Chế độ lương cho giảng viên đại học phải được thay đổi để khuyến khích và tạo điều kiện làm việc cho đội ngũ này.

  • Kỷ cương ở các đại học phải được thực hiện nghiêm.

  1. Nhìn lại mục tiêu GDĐH, thay đổi căn bản chương trình, nội dung và phương pháp dạy - học ở đại học

Nhiều tham luận cho rằng mục tiêu GDĐH phải luôn bám sát thực tiễn xã hội, phản ảnh đúng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, quốc tế cũng như mỗi địa phương. Thực tiễn xã hội không ngừng vận động, vì vậy mục tiêu giáo dục không thể cố định. Mục tiêu GDĐH trong Luật giáo dục hiện hành là định hướng lớn, chưa phải là mục tiêu. Mục tiêu phải cụ thể hơn. Mục tiêu giáo dục trong Luật giáo dục còn tách GDĐH Việt Nam với GDĐH thế giới và chưa nhấn mạnh đúng mức đến yêu cầu tri thức hiện đại cũng như khả năng sáng tạo của người học, ngay cả với nghiên cứu sinh. Bốn trụ cột của triết lý giáo dục thế kỷ XXI: Học để biết, học để làm, học để hợp tác, chung sống và học để làm người cùng nhiệm vụ "học suốt đời", "xây dựng một xã hội học tập" là những cơ sở quan trọng để xây dựng mục tiêu GDĐH, trên cơ sở đó các trường đại học, các ngành đào tạo xác định mục tiêu giáo dục của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng lại danh mục các ngành nghề đào tạo đại học như một hệ thống mở để các trường chủ động, năng động đáp ứng yêu cầu thực tiễn kinh tế - xã hội.

Chương trình, nội dung phương pháp có ảnh hưởng quan trọng đến với chất lượng đào tạo đại học hiện nay là vấn đề nhiều tham luận quan tâm. ở góc độ nhất định, chương trình, nội dung đào tạo thế nào, chất lượng thế ấy. Tham luận của các đại biểu tập trung vào mấy vấn đề sau:

  • Chương trình, nội dung đào tạo đại học Việt Nam còn lạc hậu, được xây dựng chủ yếu bằng chủ nghĩa kinh nghiệm. "Việc sửa đổi đã và đang tiến hành không hiệu quả". Phải chú ý đến khoa học xây dựng chương trình, tính cơ bản, tính hiện đại và thiết thực của nó.

  • Các chương trình, nội dung đào tạo còn độc lập với nhau, thiếu tính liên thông giữa các bậc học, cấp học. Điều này dẫn đến thực trạng: Học nhiều nhưng kiến thức mới không được bao nhiêu, kiến thức chưa đáp ứng tương đương trình độ.

  • Các môn chính trị thời lượng còn nhiều; cần thay đổi quan niệm về cách dạy để đạt hiệu quả cao và tăng cường hơn thời lượng cho ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, thực hành.

  • Ở ĐH, dạy cách học, khả năng tự học, tự đọc sách, tự tìm tri thức, và dạy tư duy sáng tạo, khả năng diễn đạt, giao tiếp thực hành quan trọng hơn việc dạy tri thức.

  • Không phải trường đại học nào, bộ môn và giảng viên nào cũng nên viết và viết được giáo trình. "Công việc của trường đại học là phải xây dựng được những thư viện lớn, mua thật nhiều sách, tổ chức dịch thuật nhiều tài liệu chuyên môn. Công việc của thầy giáo là giới thiệu và hướng dẫn sinh viên những tài liệu bắt buộc hoặc cần phải đọc". Mặt khác, công nghệ thông tin phải góp phần tích cực và hiệu quả hơn trong phương pháp dạy và học.

  1. Tăng cường cơ sở vật chất và tạo những điều kiện, chủ yếu là cơ chế, để các đại học nâng cao khả năng đào tạo, nghiên cứu

Các ĐH Việt Nam còn rất nghèo, đặc biệt là quĩ đất, các phòng thí nghiệm và thư viện. Khuôn viên các ĐH Việt Nam quá nhỏ bé, thua các ĐH thế giới rất xa. Chính phủ cần có quyết sách nhanh và mạnh, cấp đất cho các ĐH.

Học phí 125 USD/ SV/ năm học cúa các ĐH Việt Nam hiện nay là cực kì thấp so với học phí ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP.HCM (2000-2500 USD), càng thấp so với ĐH Quốc tế RMIT tại Việt Nam. Đã đến lúc phải tính toán đủ chi phí đào tạo, phần Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, còn lại người học phải đóng, để các ĐH có nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất.

Nhà nước qui định để các doanh nghiệp, xí nghiệp trong và ngoài nước có sử dụng nguồn nhân lực đại học nộp mức thuế phù hợp cho đào tạo nhân lực để bổ sung vào ngân sách cho GDĐH. Đây cũng là vinh dự đóng góp cho GDĐH của các đơn vị này.

Các cấp quản lí phải có những cơ chế về đào tạo, nghiên cứu, tài chính theo hướng phân cấp triệt để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội cho các ĐH.

Tại Hội thảo, vai trò của báo chí đối với GD nói chung, GDĐH nói riêng cũng được đề cập tới. Báo chí luôn đồng hành cùng GD, vì GD. Để làm tốt điều đó, báo chí phải tôn trọng tôn chỉ, mục đích; đưa tin khách quan, chính xác; đổi mới cách thức, tư duy làm báo; tăng cường thông tin về những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới tích cực.Việc thông tin thiếu khách quan, không chính xác, dù nhỏ, cũng để lại hậu quả khá lớn, gây hoang mang dư luận, nhân dân lo lắng.

Từ Hội thảo này, chúng tôi kiến nghị với các cấp quản lí một số vấn đề sau đây:

  1. Chỉ đạo nghiên cứu để đổi mới mạnh mẽ tư duy về GDĐH, đặc biệt về quan niệm quốc gia: GDĐH là lợi ích công hay dịch vụ xã hội; "đại học là doanh nghiệp tri thức, khoa học" dưới sự quản lí của Nhà nước?

  2. Rà soát lại mục tiêu GDĐH để có sự điều chỉnh hợp lí. Xây dựng lại danh mục ngành nghề đào tạo đại học ở Việt Nam với tính chất một hệ thống mở, được bổ sung không ngừng và tạo cơ chế để các trường chủ động mở ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.

  3. Tham khảo kinh nghiệm các nước để rút ngắn khoảng cách ĐH Việt Nam với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

  4. Nhanh chóng tăng cường cơ sở vật chất và và phân cấp triệt để, để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các ĐH.

  5. Đánh giá đúng thực trạng của GDĐH Việt Nam để tránh bi quan hoặc quá chủ quan. Điều cần nhất lúc này là tìm các giải pháp và điều kiện thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam, cùng với quyết tâm cao để thực hiện.

Các tham luận trong Kỷ yếu và trình bày tại Hội thảo là những ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, bổ ích cho các cấp quản lý, các trường đại học và tất cả chúng ta - những người trong cuộc. Chúng ta đã cất tiếng nói tâm huyết, trăn trở, đầy trách nhiệm của mình. Điều rất nổi bật là chúng ta đã phát biểu rất thẳng thắn và tâm huyết. Riêng với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Báo GD&TĐ, đây là những tư liệu, những gợi ý quan trọng để chúng tôi góp phần xây dựng cơ quan, xây dựng ngành.

PGS. TSKH Bùi Mạnh Nhị
-(Hiệu trưởng trường ĐHSP TP.HCM)

Liên kết
×