English | Français   rss
Liên kết
19 năm màu áo xanh của tuổi trẻ Đại học Huế về với bản làng (19-07-2018 11:06)
Góp ý

 

Hàng năm, cứ mỗi dịp vào hè là dịp các bạn trẻ đoàn viên, sinh viên Đại học Huế lại háo hức, nhộn nhịp chuẩn bị cho chiến dịch mùa hè xanh. Năm 2018 là chiến dịch thứ 19 của tuổi trẻ Đại học Huế ra quân tình nguyện với gần 1.200 đoàn viên.

 

Trong cơn mưa tầm tả của vùng cao A Lưới (ngày 19/7/2018) sinh viên tình nguyện Đại học Huế bằng nhiệt huyết của mình đã vượt lên thời tiết để thi công công trình điện chiếu sáng nông thôn với mong muốn đem lại ánh sáng cho đồng bào

 

Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Đoàn Thanh niên Đại học Huế được khởi đầu từ năm 1999. Qua 19 năm, màu áo xanh sinh viên tình nguyện đã để lại những ấn tượng, dấu ấn đẹp trong lòng người dân, từ vùng biển, miền núi hay nước bạn Lào thông qua những công trình, những việc làm, hoạt động thiết thực.

 

Nhân dân các xã thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), các huyện Cam Lộ, Hướng Hóa, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) và nhiều địa bàn các xã thuộc các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam đã rất quen thuộc với màu áo xanh tình nguyện của sinh viên Đại học Huế cứ mỗi năm hè về. Mỗi dịp có sinh viên tình nguyện về là không khí bản làng thay đổi, đêm sôi động tiếng hát, ngày rộn ràng tiếng cười. Người lớn thì ngóng đợi các chiến sĩ về để giúp đỡ đồng bào xây dựng những công trình, ngôi nhà, con đường khang trang sạch đẹp cho bản làng; thanh niên thì ngóng đợi những bạn đồng trang đồng lứa về để cùng tham gia các hoạt động giúp đỡ chính ngôi nhà, làng xóm mình; trẻ em thì mong đợi các anh chị về để cùng chơi đùa, được học cái chữ, được xem văn nghệ và những món quà từ miền xuôi tuy đơn giản nhưng chứa đầy tình yêu thương. Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng bao dung, chia sẻ khó khăn với đồng bào, 19 năm với hàng nghìn lượt sinh viên tình nguyện Đại học Huế đã để lại hàng trăm công trình thanh niên, những con đường bê tông ở các làng xã; những ngôi nhà trước đây xập xệ nay thì khang trang, sạch đẹp; hệ thống thủy lợi đem lại kết quả cho bà con nông dân qua mỗi mùa vụ bội thu.

 

Năm nay, tiếp tục thành công của 18 chiến dịch trước, chiến dịch mùa hè xanh 2018 của Đoàn thanh niên Đại học Huế lại một lần nữa để lại những ấn tượng tốt đẹp với người dân các địa bàn đến tình nguyện đúng như lời dặn dò của Giám đốc Đại học Huế trong ngày ra quân: Các chiến sĩ tình nguyện phải là hình ảnh đại diện cho gần 50 nghìn sinh viên Đại học Huế đến với đồng bào nhân dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

 

Các chiến sĩ tình nguyện được chọn đều là những sinh viên có nhiều năng lượng, nhiệt huyết nhất trong công tác đoàn, hội của các trường đại học thành viên, khoa, phân hiệu Đại học Huế. Thời gian tình nguyện thường khoảng một tuần, song khối lượng công viên rất lớn với lịch trình, các hoạt động dày đặt, kín mít mà nếu sức khỏe không cho phép thì không thể tham gia. Các hoạt động truyền thống như làm đường, làm vườn, chăm rừng, khơi thông mương nước, dựng nhà, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí… tiếp tục được duy trì. Năm nay 18 đội tình nguyện của đoàn viên, sinh viên Đại học Huế với 1.200 đoàn viên sinh viên có thêm nhiều hoạt động mới như dạy ngoại ngữ, dạy vẽ cho các em nhỏ; tập huấn kỹ năng đoàn cho đoàn viên thanh niên các xã; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, luật an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình; phổ biến các kiến thức phục vụ canh tác trồng trọt, chăn nuôi, tặng con giống giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương; các kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để tự điều chỉnh chăm sóc cho bản thân, gia đình.

 

Chăm chú vẽ tranh trang trí tại các trường mầm non vùng sâu, vùng xa

 

Các chiến sĩ tình nguyện vất vả là thế nhưng tràn đầy niềm vui, bạn nào cũng hăng hái làm việc quên mình dưới cái nắng gay gắt và cái mưa rào xối xả của vùng cao. Nhiều khi không ngủ trưa, mọi người còn tranh thủ tập duyệt văn nghệ chuẩn bị cho chương trình giao lưu buổi tối để phục vụ tốt nhất món ăn tinh thần cho đồng bào. Qua mỗi chuyến đi cái để lại lớn nhất cho mỗi chiến sĩ tình nguyện là những trải nghiệm đầy thú vị, đó là những kiến thức thực tế, là những kỹ năng để hành trang trên chặng đường tiếp theo, cảm thấy mình có ý nghĩa hơn khi được giúp đỡ đồng bào khó khăn, từ đó có thêm động lực để tiếp tục học tập, nghiên cứu sau này góp phần xây dựng đất nước, giúp đỡ đồng bào được nhiều hơn.

 

 

 Sôi nổi, giản dị đến với bảng làng vùng cao

 

Trần Đức

Liên kết
×