English | Français   rss
Liên kết
Đánh giá hiện trạng, nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ (12-12-2014 09:09)
Góp ý

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)”, thuộc chương trình hợp tác Việt Nam – Vương quốc Bỉ, ngày 12/12/2014, tại Đại học Huế, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Ban Quản lý dự án BIPP – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi toạ đàm với nội dung “Đánh giá hiện trạng, nhu cầu ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ”. TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Phó Giám đốc Đại học Huế đã chủ trì buổi toạ đàm. 

 

Tham dự buổi toạ đàm có PGS.TS. Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học thuộc Đại học Huế, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Tại buổi toạ đàm, đại diện Ban Quản lý Dự án BIPP đã giới thiệu về Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Đây là dự án được Chính phủ Bỉ cam kết tài trợ 4.000.000 € từ nguồn vốn ODA không hoàn lại trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng Việt Nam – Bỉ giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ Bộ KHCN xây dựng một môi trường hài hoà cho các doanh nghiệp KH&CN vừa và nhỏ trên cơ sở một khung pháp lý được cải thiện và một loạt các cơ chế gắn kết cho việc thành lập và vận hành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ nhằm tăng cường khu vực doanh nghiệp KH&CN vừa và nhỏ.

 

Dự án đã lựa chọn Huế để tổ chức buổi toạ đàm bởi tại đây, Đại học Huế có một tiềm lực rất lớn với rất nhiều kết quả nghiên cứu trong khi sự vào cuộc đối với vấn đề đổi mới khoa học và công nghệ còn khá chậm. Mặc dù Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao khoa học công nghệ với những kết quả hoạt động khả quan bước đầu trong những năm qua nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức trong đó phải kể đến sự thiếu đồng hành của các doanh nghiệp để triển khai các sản phẩm có khả năng thương mại ra thị trường; chưa có quỹ ươm tạo. Bên cạnh đó, tư duy của các nhà khoa học vẫn còn nặng về nghiên cứu những cái mình có, chưa nghiên cứu những cái xã hội cần. Phía doanh nghiệp cũng mong muốn rằng để doanh nghiệp phát triển, sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi, đi vào cuộc sống thì nhà khoa học phải có giải pháp tốt, mang tính thực tiễn cao; tạo được thương hiệu. Tiếp đến là phải có nhà đầu tư và thị trường.

 

Vì vậy, trong chương trình năm 2015, một trong những hoạt động của Dự án là sẽ quan tâm đến việc thương mại hoá sản phẩm, trong đó đẩy mạnh truyền thông quảng bá nhằm giúp tìm ra tiếng nói chung giữa các nhà: nhà khoa học, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 

AH

Các tin đã đăng
Liên kết
×