English | Français   rss
Liên kết
Nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Lựa chọn các giải pháp kinh tế kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ” (06-10-2014 02:01)
Góp ý

 

Ngày 27/9/2014, tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị), Đại học Huế tổ chức nghiệm thu, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ: “Lựa chọn các giải pháp kinh tế-kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ” của nhóm tác giả Trường ĐH Nông Lâm do PGS.TS Nguyễn Tiến Vởn làm chủ nhiệm. Tham gia nghiệm thu đề tài còn có đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật; đại diện lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện Cam Lộ, Phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ, Đảng ủy-UBND xã Cam Tuyền cùng đông đảo nông dân chăn nuôi bò trên địa bàn thôn Bắc Bình

 

Mục tiêu tổng quát của đề tài nhằm đề xuất và áp dụng các giải pháp kinh tế kỹ thuật và thử nghiệm một số mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn mới. Quảng Trị là tỉnh được chọn làm điểm nghiên cứu của đề tài.

 

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Quảng Trị đã có điều kiện ban đầu về con giống để phát triển ngành chăn nuôi bò thâm canh theo định hướng sản xuất hàng hoá lớn, chất lượng cao nhưng không có lợi thế về đất đai và phụ phẩm trồng trọt để phát triển chăn nuôi bò quảng canh trong khi phương thức này vẫn là phương thức chăn nuôi. Các nguồn tài nguyên thức ăn đã được khai thác tốt, vì vậy, trồng cỏ cao sản để giải quyết căn bản nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò sẽ phải là giải pháp kinh tế kỹ thuật đầu tiên cần triển khai nhằm chuyển hướng chăn nuôi bò từ quảng canh sang thâm canh.

 

Ông Nguyễn Công Phán, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, phát biểu tại hội nghị đánh giá nghiệm thu đề tài

 

Bên cạnh đó, trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Quảng Trị, các giống cỏ cao sản (VA06, TD58, Mulato II, v.v.) vẫn cho năng suất cao (từ 15 đến 30 tấn VCK/ha/năm). Đây là giải pháp tự túc thức ăn vững chắc để thâm canh chăn nuôi bò thịt ở quy mô nông hộ trong tương lai. Mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh dựa trên cơ sở chuyển đổi đất trồng màu sang trồng cỏ với quy mô lớn toàn thôn đã thành công và có triển vọng phát triển bền vững. Lợi tức thu được từ việc chuyển đổi này gấp 4,25 lần so với truyền thống.

 

Trên cơ sở đó nhóm tác giả đã đề xuất bộ giải pháp bao gồm: tổ chức lại sản xuất dưới hình thức Câu lạc bộ chăn nuôi, trồng cỏ cao sản tập trung trên cánh đồng lớn, cải tiến nuôi bò sinh sản, và vỗ béo thâm canh. Vì thế tất cả các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ và trong cả nước muốn chuyển đổi nghề nuôi bò thịt từ quảng canh/tận dụng sang thâm canh/chuyên canh đều có thể áp dụng mô hình này với xác suất thành công cao.

 

Ông Thái Viết Quế, một lão nông tri điền của thôn Bắc Bình, phát biểu tại hội nghị đánh giá nghiệm thu đề tài

 

Sau khi kiểm tra thực địa, nghe trình bày kết quả và luận giải của nhóm tác giả, Hội đồng khoa học, lãnh đạo địa phương và bà con nông dân đều đánh giá cao các kết quả đạt được cũng như giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài trong việc góp phần giúp địa phương phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới.

 

Ông Thái Viết Quế, một lão nông tri điền của thôn, cho biết: “Những năm qua người dân Bắc Bình luôn trăn trở với việc làm thế nào để nâng cao thu nhập trên mảnh đất của mình khi mà sản xuất sắn, ngô, lạc và các loại cây rau màu khác đều gặp nhiều khó khăn trở ngại, hiệu quả kinh tế thấp. Tiến trình tổ chức thực hiện đề tài tại đây đã góp phần làm thay đổi căn bản quan niệm và thực hành của người dân chăn nuôi bò: tin vào khoa học kỹ thuật, hợp tác đúng và chân thành trong sản xuất sẽ có lợi hơn là làm ăn riêng lẻ. Ước tính việc chuyển đổi đất màu sang trồng cỏ nuôi bò có thể giúp người nông dân thu lãi đến 200 triệu đồng/ha/năm ”.

 

Đề tài này đã thể hiện tính vượt trội về kết quả khi xây dựng thành công mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh ở thôn Bắc Bình. Tiến trình xây dựng mô hình cũng góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành sản xuất và khả năng triển khai các chương trình của cán bộ sơ sở các cấp với sự hợp tác sâu rộng và có hiệu quả giữa nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý. Ông Nguyễn Công Phán, Bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, phát biểu tại hội nghị: “Mặc dù đề tài chưa được nghiệm thu nhưng ngày 18 tháng 3 năm 2014 UBND huyện Cam Lộ đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội thảo và quyết định nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong huyện và tỉnh”.

 

Ban KHCN-MT

Các tin đã đăng
Liên kết
×