English | Français   rss
Liên kết
Hội nghị trực tuyến về hệ thống VinaREN (27-01-2010 16:36)
Góp ý
Ngày 26/1/2010, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (World Bank) do ông Micheal Foley - Cố vấn World Bank dẫn đầu đã có buổi làm việc trực tuyến với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học Việt Nam tham gia triển khai các hoạt động trực tuyến của Mạng lưới Giáo dục và Nghiên cứu Việt Nam (VinaREN).

Tham gia buổi làm việc trực tuyến, về phía Đại học Huế có PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc Đại học Huế; Trưởng các ban chức năng, lãnh đạo các trường đại học thành viên trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động trực tuyến trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Mạng VinaREN được triển khai và lắp đặt tại Đại học Huế (NOC-HUE) từ tháng 5/2007. Tháng 7/2008, kết nối thành công Trung tâm Học liệu, Đại học Huế trở thành thành viên của mạng VinaREN triển khai thông qua NOC - HUE. Tháng 8/2008, phối hợp với Trung tâm Điều hành mạng (VNNOC) cấu hình thành công liên thông giữa 2 mạng Đại học Huế và VinaREN, đây là bước tiền đề để triển khai sử dụng rộng rãi mạng VinaREN tại Đại học Huế. Đến thời điểm này, tất cả các máy tính kết nối vào mạng Đại học Huế xem như là thành viên của VinaREN. Tháng 9/2008, cấu hình thành công thiết bị để có thể học trực tuyến giữa Văn phòng Okayama đặt tại Đại học Huế với Đại học Okayama Nhật Bản.

Đại học Huế đã phối hợp với nhiều tổ chức thực hiện nhiều hội thảo trực tuyến như: hội thảo trực tuyến về "ISI - Web of Science" hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu qua internet, nói chuyện thuyết trình "Ứng dụng trắc lượng thư mục trong đánh giá các hoạt động khoa học của đất nước", đào tạo trực tuyến sử dụng CSDL Proquest Central cho các thành viên Liên hiệp Thư viện Việt Nam, tham dự diễn đàn CanalAVIST - ICT Forum với các nước Úc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan; diễn đàn Medical Forum với các nước Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Thông qua hệ thống mạng VinaREN, lĩnh vực Telemedicine ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, các y bác sĩ đã có thêm điều kiện trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, được các chuyên gia hàng đầu thế giới hỗ trợ từ xa trong việc chữa trị các ca bệnh nặng phức tạp, tiếp cận được các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến trên toàn cầu, tiết kiệm rất lớn thời gian và kinh phí đào tạo.

Những hoạt động này đã đóng góp tích cực vào việc đào tạo và nghiên cứu của Đại học Huế, tạo điều kiện để sẵn sàng tham gia các dự án hợp tác trong nước và quốc tế trên cơ sở mạng VinaREN, tạo điều kiện tối đa để giới nghiên cứu và đào tạo có thể tăng cường sự gắn kết, tham gia và tiến hành các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ông Micheal Foley cho biết, World Bank đã triển khai hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tại nhiều nước châu Á như Butal, Bangladesh, Nepal... Mục tiêu của World Bank là mở rộng thành một mạng lưới toàn cầu, để chúng ta gần nhau hơn và để thế giới phẳng hơn, ông Micheal Foley nhấn mạnh.

HS

Liên kết
×