English | Français   rss
Liên kết
Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (06-03-2015 08:31)
Góp ý

Thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Đại học Huế xây dựng Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với các nội dungnhư sau:

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của cán bộ, viên chức, người lao động trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân;

b) Nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động trong Đại học Huế đối với việc sửa đổi và thi hành Bộ luật Dân sự.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức, người lao động góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

b) Ý kiến đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

c) Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động.

d) Việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I năm 2015.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC, THỜI GIAN LẤY Ý KIẾN

1. Nội dung lấy ý kiến

Lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật Dân sự. Trong đó, tập trung vào 10 vấn đề trọng tâm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; Hình thức sở hữu; Thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và thời hiệu (có Phụ lục đính kèm).

2. Hình thức tổ chức lấy ý kiến

a) Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đăng tải toàn văn trên Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Cổng thông tin điện tử Đại học Huế.

b) Các hình thức tổ chức lấy ý kiến:

Tùy theo điều kiện của đơn vị có thể tổ chức lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chính trị, hội nghị, họp giao ban công tác, họp chi bộ,… hoặc các hình thức phù hợp khác.

3. Thời gian lấy ý kiến

Tổ chức lấy ý kiến đến hết ngày 31/3/2015.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Pháp chế và Thi đua

Ban Pháp chế và Thi đua làm đầu mối, tham mưu giúp Giám đốc Đại học Huế xây dựng Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến của các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc; tổng hợp ý kiến, xây dựng báo cáo để báo cáo Sở Tư pháp Tỉnh.

2. Trung tâm Công nghệ thông tin Đại học Huế

Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với Ban Pháp chế và Thi đua tạo Banner và đăng tải toàn văn các nội dung lấy ý kiến tại phần 1, mục II lên Cổng thông tin Đại học Huế trước ngày 05/3/2015.

3. Các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc

- Căn cứ vào kế hoạch chung của Đại học Huế và tình hình thực tế của đơn vị để tổ chức lấy ý kiến cán bộ, viên chức, người lao động về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

- Xây dựng báo cáo (theo đề cương ở Phụ lục đính kèm) gửi về Đại học Huế (qua Ban Pháp chế và Thi đua) trước ngày 03/4/2015 (lưu ý: gửi cả bản giấy và tập tin điện tử, tập tin điện tử gửi qua Hệ thống thông tin quản lý).

Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ, viên chức, người lao động. Đại học Huế đề nghị lãnh đạo các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo kịp thời với Đại học Huế (qua Ban Pháp chế và Thi đua) để giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:

- Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT (để b/c);

- Sở Tư pháp tỉnh TTH (để b/c);

- GĐ và các Phó GĐ ĐHH (để b/c);

- TTCNTT ĐHH (để thực hiện);

- Các trường, các đơn vị trực thuộc (để thực hiện);

- Lưu: VT, PCTĐ.

KT.GIÁM ĐỐC

P.GIÁM ĐỐC

 

(đã ký)

 

 

 Trương Quý Tùng

Liên kết
×