English | Français   rss
Liên kết
Kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Đại học Huế: Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia (03-03-2022 09:48)
Góp ý

Việc xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện để hoàn thành mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được ghi rõ trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, đã có những chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ về những thuận lợi, khó khăn và cả thách thức trong tiến trình xây dựng ĐH Huế trở ĐH Quốc gia đầu tiên ở miền Trung.

 

 

 

 

 

 

Nhiệm vụ xây dựng ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia hiện nay đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

 

Thầy Nguyễn Quang Linh: Có thể nói mọi bước chuẩn bị cho Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia hiện nay đã sẵn sàng. Kể từ khi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị ra đời vào tháng 12-2019 và Nghị quyết 83 ngày 27-5-2020 của Chính phủ, Đại học Huế được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành Đề án Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong đó nêu rõ nhiệm vụ quan trọng là phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia của Việt Nam vào năm 2022.

 

Ngày 22-12-2020, Ban Kinh tế Trung ương có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định nhiệm vụ “Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia và năm 2022, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á” là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được Bộ Chính trị thông qua, cần được thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Triển lãm Khoa học công nghệ sinh học toàn quốc năm 2020 tại Đại học Huế

 

Để hoàn thành mục tiêu này, ĐH Huế đã chuẩn bị như thế nào về cả “thế và lực”?

 

Thầy Nguyễn Quang Linh:

 

Quá trình xây dựng và phát triển với lịch sử hơn 65 năm kể từ năm 1957 và 28 năm thành lập trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các trường đại học tại Huế từ năm 1994, mô hình đại học 2 cấp của Đại học Huế đang dần được hoàn thiện về cơ chế quản lý và từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế.

 

Trong giai đoạn 1994 - 2020, quy mô, cơ cấu tổ chức, đội ngũ viên chức, giảng viên, chuyên ngành đào tạo và sinh viên, học viên Đại học Huế không ngừng tăng nhanh, quy mô sinh viên chính quy tăng gấp 8 lần so với 28 năm trước đây khi mới thành lập. Chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Huế năm 1994 chỉ bằng quy mô tuyển sinh của một trường đại học thành viên của Đại học Huế hiện nay.

 

Vừa qua, tuyển sinh đại học năm 2021, Đại học Huế đạt con số hơn 13.000 sinh viên nhập học. Một số ngành có điểm trúng tuyển tăng vọt như các ngành thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ. Một số ngành xã hội có nhu cầu cao có sinh viên nhập học tăng như các ngành thuộc Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Y-Dược, Trường Đại học Luật.

 

Tuyển sinh sau đại học cũng ghi nhận sự vượt bậc về số lượng tuyển sinh cao học cũng như tiến sĩ và dự bị tiến sĩ. Có thể thấy sự thích ứng nhanh chóng của Đại học Huế qua việc tổ chức thi năng khiếu online và tổ chức xét tuyển cao học, tạo nhiều thuận lợi cho người dự tuyển nhưng vẫn nghiêm túc và đúng quy chế. Ngoài việc linh hoạt trong các phương thức tuyển sinh, Đại học Huế cũng đã xây dựng Quy chế tuyển sinh đào tạo tiến sĩ và thạc sỹ kịp thời, đáp ứng với các Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Thông tin vui trong bảng xếp hạng QS Asia năm 2022, nhiều tiêu chí của Đại học Huế có điểm và thứ hạng tăng so với năm 2021: Uy tín trong giới tuyển dụng (Employer reputation), Uy tín trong giới khoa học (Academic reputation), Kết nối nghiên cứu quốc tế (International Research Network), Số trích dẫn trên bài báo (Citations per paper). Đó là kết quả của quá trình thay đổi, làm mới các cơ chế, chính sách trong quản trị đại học tại Đại học Huế.

 

Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia sẽ có tác động như thế nào đối với việc phát triển nguồn nhân lực của đất nước?

 

Thầy Nguyễn Quang Linh: Từ năm 1957, Viện Đại học Huế là cơ sở đào tạo đại học uy tín bậc nhất ở Đông Nam Á. Sau ngày đất nước giải phóng, các trường đại học ở Huế đã đào tạo, cung cấp đội ngũ nhân lực trình độ cao trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, cán bộ khoa học, văn hóa, nghệ thuật cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ, góp phần quan trọng trong công cuộc tái thiết và xây dựng, phát triển đất nước.

 

Chính các cựu sinh viên của Đại học Huế đang là các nhà quản lý, nhà chính trị, nhà khoa học và chủ các doanh nghiệp đã, đang và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

 

Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia sẽ phát huy thế mạnh mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực đi đầu trong cả nước; là trụ cột khoa học công nghệ và giáo dục đại học, có nhiệm vụ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ tương xứng với vai trò và sứ mệnh của mình, đặc biệt là nhiệm vụ triển khai các chương trình quốc gia và vùng do Chính phủ giao.

 

Một khi chất lượng được nâng cao, vị thế nâng cao, sẽ thu hút, giữ chân mạnh hơn học sinh tốt nghiệp THPT ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; điều này giúp giảm áp lực cho thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giúp phân bố đều hơn mật độ sinh viên trên cả nước, cân đối và giảm thiểu sự chênh lệch vùng miền về nguồn nhân lực có trình độ cao; thu hút đội ngũ khoa học ưu tú trong nước và thế giới để góp phần đầu tư, xây dựng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, vốn chịu nhiều thiệt thòi do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và bị tàn phá nặng nề trong các cuộc chiến tranh.

 

Để đạt được các mục tiêu đó, Đại học Huế đang cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành trung ương và địa phương để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54, trong đó có mục tiêu sớm xây dựng ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia.

 

Sinh viên Đại học Huế ngày tốt nghiệp

 

Năm 2021 là một năm khó khăn trong công tác đào tạo đại học do dịch COVID-19. ĐH Huế đã vượt qua khó khăn do đại dịch như thế nào?

 

Thầy Nguyễn Quang Linh:  Năm 2021 dù trải qua nhiều biến động lớn, khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng thầy và trò ĐH Huế với tinh thần chủ động, sáng tạo, thích ứng kịp thời với những thay đổi, trong những khó khăn cũng có những cơ hội. Sinh viên không thể đến trường trong một thời gian dài nhưng Đại học Huế đã ứng phó với tình hình dịch bệnh kịp thời và linh hoạt, có quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tế.

 

Toàn bộ viên chức và lao động của Đại học học Huế và sinh viên đang cư trú tại Huế đã tiêm 2 mũi vắc xin và đang tiêm mũi 3 tăng cường, củng cố toàn bộ hệ thống y tế cơ sở, y tế học đường.

 

Tốc độ chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học được diễn ra nhanh chóng. Hầu hết, các đơn vị đã chuyển đổi giảng dạy truyền thống sang giảng dạy trực tuyến thông qua hệ thống Moodle, Google Classroom, Zoom; 70-90% số học phần đã được chuyển sang đào tạo trực tuyến (ngoại trừ một số học phần mang tính đặc thù); 80-90% số tiết học dạy trực tuyến; 100% giảng viên giảng dạy trực tuyến và 75-90% sinh viên tham gia học trực tuyến.

 

Các sự kiện khai giảng, trao bằng tốt nghiệp, hội nghị hội thảo đều được tổ chức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp mà không làm giảm đi sự trang trọng và sự tương tác của những người tham gia qua không gian mạng. Chữ ký số, chữ ký điện tử đã được triển khai đồng bộ, tiến đến thực hiện “văn phòng không giấy”.

 

 

Nhật Linh (Báo Tuổi trẻ) 

Liên kết
×