English | Français   rss
Liên kết
Họa sĩ Tôn Thất Đào đối với nền Mỹ thuật Huế (16-04-2022 15:24)
Góp ý

Huế là vùng đất văn hiến, nơi có nhiều nhân vật của lịch sử… trong đó lĩnh vực Mỹ thuật đã có người con ưu tú – Hoạ sỹ Tôn Thất Đào làm nên diện mạo đầy tự hào cho xứ sở.

 

 

 

Về thân thế - sự nghiệp

 

Họa sĩ Tôn Thất Đào sinh ngày 15 tháng 10 năm 1910 - Mất ngày 02 tháng 9 năm 1979 tại phủ Song Tùng – nay là 53 Mạc Đỉnh Chi, Phường Gia Hội... Sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học, cùng ông nội là Tôn Thất Loan - Binh bộ Thượng thư kiêm Nhiếp Tôn Nhơn Phủ, Hữu Tôn Khanh Đại thần, dòng dõi Hiến Tôn Hiếu Minh Hoàng đế (Hoàng đế thế thứ 7), thân phụ ông là Tôn Thất Tu - quan chức Nam Triều.

 

Trong gia đình có nhiều anh chị em, duy nhất Ông có có năng khiếu và đam mê từ thời thơ ấu, về sau khi lớn lên Ông theo con đường hội hoạ. Thân phụ Tôn Thất Tu lúc đó đang giữ chức Tri phủ Hà Trung (coi 3 huyện ở Thanh Hoá), đưa ông đến gần với ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L’École supérieure des Beaux - Arts de L’Indochine). Ông tốt nghiệp Ban Hội họa và trang trí khoá 8 (1932 - 1937) cùng với Nguyễn Văn Khánh, Lương Xuân Nhị, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Thị Nhung và Lê Yên… Ông được sự hướng dẫn bởi các danh sư như: Victor Tardieu, Inguimberty, L.Roger, Defenix, George Khánh, Nam Sơn… Sau khi tốt nghiệp, Tôn Thất Đào được bổ nhiệm dạy hội họa tại trường trung học Khải Định, trung học Quốc Học, nữ trung học Đồng Khánh, trung học Kỹ thuật, trung học Tín Đức, trung học Kiểu Mẫu Huế.

 

Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Dương Đôn quyết định Ông đứng ra sáng lập và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc đầu tiên trường Quốc Gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1957-1961) – nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Năm 1962-1963, hoạ sỹ Mai Lang Phương đảm trách chức vụ này. Từ 1964-1965, họa sĩ Tôn Thất Đào trở lại chức vụ Giám đốc.[1] Giai đoạn đầu dù gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đào tạo nhưng Trường vẫn đạt được những thành tích cơ bản như: Đã định hình được khung chương trình và nề nếp thi cử, thời gian đào tạo 4 năm, tổ chức thi tốt nghiệp chặt chẽ, mỗi khoá tối đa 20 người, đào tạo có chất lượng trong chuyên môn.

 

Trường được thành lập cùng năm với Viện Đại học Huế. Thời kỳ đầu, Trường trực thuộc Viện Đại học Huế (1957). Thời gian này Trường tọa lạc tại số 15 đường Phan Đình Phùng, đã đào tạo đến Khoá 3. Năm 1960 Viện Đại học Huế bàn giao trường cho Nha Mỹ thuật học vụ thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên miền Nam, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa. Giai đoạn (1960 - 1974), Trường trực thuộc Trung ương chủ quản và chuyển đến lầu Diên Binh Vệ, nằm bên phải cửa Hiển Nhơn trong khuôn viên Đại nội Huế.

 

Từ sự chỉnh chu của người thầy giáo, chất nghệ sỹ từ tác phẩm và người xây dựng có tầm vóc, ảnh hưởng lớn đối với ngành mỹ thuật Huế, Chánh phủ Nam - Triều đã đề cử Họa sĩ Tôn Thất Đào vào Đại Nội để dạy hội hoạ cho Thái tử Bảo Long dưới thời Bảo Đại (1941). Trong thời gian này, Ông đã để lại dấu ấn qua những tác phẩm hội hoạ phấn tiên trên giấy. Về sau những người yêu mến đặt cho Ông một tên gọi rất trang trọng là “Hoạ sỹ Cung Đình”.

 

Tác phẩm: Thái tử Bảo Long, Tác giả: Tôn Thất Đào, Chất liệu: Phấn tiên, Kích thước: 30x50cm, Năm sáng tác: 1942; Nguồn: Tác giả nghiên cứu

 

 

Sự ảnh hưởng của Hoạ sỹ Tôn Thất Đào đối với mỹ thuật Huế

 

Thời kỳ đầu dạy hội hoạ, hoạ sỹ Tôn Thất Đào rất chú tâm đào tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học. Trong cuốn sổ tay của ông: Với những dòng chữ thẳng tắp và đều đặn, ông luôn căn dặn những câu:“Giáo-chức phải thận trọng hướng dẫn cho có một phương pháp căn bản, tối thiểu và tập nhìn theo từng giai đoạn của trẻ để cho trẻ tiếp thu…”,“…mong muốn môn hội hoạ phải được học 12 năm liên tục từ mẫu giáo cho đến chuyên khoa ở phổ thông”. Ông nghiên cứu về màu sắc rất kỹ càng:“Cái mống trên trời, hãy lấy ống lăng kính chiếu qua bức vách trắng ta sẽ tìm thấy trong đó có bảy màu là tím, chàm, xanh, lục, đỏ, vàng, cam. Trong số bảy màu đó chỉ có ba màu chính đó là: Đỏ, xanh, vàng; nếu cứ mỗi một màu đem trộn thêm màu trắng tuỳ theo phân lượng, ta sẽ được các màu nhẹ hơn…”. Ông cũng chú ý nghiên cứu sâu tính cách con người về cách cảm thụ màu, những từ ngữ diễn tả sâu về sự tương quan màu sắc và tính cách của con người: “Nếu anh nói anh thích màu gì, tôi sẽ nói cho anh biết tính cách của anh[2].

 

Việc nghiên cứu kích thước và bố cục trong tranh rất tỉ mỉ, cách bố trí bố cục trong tranh cũng được nêu rõ qua các cặp chính phụ, linh hoạt, thăng bằng, hoà nhập… các điều nên tránh: xung đột, không thống nhất, điệp, rườm, trơ, rời… các bài giảng về luật viễn cận cũng được ông minh hoạ đầy đủ từ cơ bản cho đến phức tạp. Với ông: muốn vẽ cho đúng, cho đẹp, cho có một kết quả về nghệ thuật, bất cứ dùng bằng nguyên liệu phấn màu, sơn dầu, thuỷ mạc, chì, than… điều quan trọng nhất là tập quan sát bằng mắt cho tinh nhuệ, đúng đắn sau đó sẽ dễ dàng diễn tả bằng các đường nét tuần tự theo nguyên tác căn bản… Cái nghề vẽ đã gắn với cái nghiệp dạy học và tạo dựng cơ sở để tiếp tục được dạy học.

 

Trải qua nhiều biến chuyển của thời gian, ngôi trường đã được di dời từ nơi này sang nơi khác, tên gọi này đến tên gọi khác nhưng mục đích duy nhất vẫn là cơ sở đào tạo ra những tài năng mỹ thuật phục vụ con người và xã hội.

 

Có thể nói rằng, ông là người Huế duy nhất tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Có nhiều người học nhưng vì lý do này, lý do khác đã không đi đến cái đích cuối cùng. Và cũng có thể nói: Ông là “người lái đò” chuyên chở những đường nét, hình thể màu sắc đến với con người vùng đất văn vật - thế hệ sau này đã duy trì bền bỉ cho đến ngày hôm nay. Chúng ta đã có một thế hệ hoạ sỹ, nhà điêu khắc đầy tài năng mà bạn bè quốc tế biết đến trong giai đoạn hội hoạ hiện đại thì ông và những con người ấy chính là nhân chứng của thời gian. Trước năm 1957 ông đã hướng dẫn hội hoạ cho nhiều người học trò và cũng là con cháu trong gia đình sau đó đã thành danh, tác phẩm của họ được các tổ chức nghề nghiệp công nhận và trao nhiều giải thưởng lớn trong đó ưu tú nhất là hoạ sỹ Thái Nguyên Bá (1938-2008) ông từng nhiều giải thưởng các cuộc thi về vẽ tranh Huế, tem Việt Nam, Huế cổ kính và trầm lặng, tranh lụa “công dung ngôn hạnh” đạt giải ba toàn quốc, sau đó ông được học bổng du học ở trường Mỹ thuật quốc gia Paris [3].

 

Từ năm 1957 đến năm 1975, Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế đã đào tạo gần 15 khoá, với 150 sinh viên đã tốt nghiệp. Trong đó phải kể đến những hoạ sỹ tên tuổi trong nền hội hoạ hiện đại thế kỷ XX như Đinh Cường, Nguyễn Mai Chửng… tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới đóng góp lớn cho nền mỹ thuật Huế và Quốc gia.

 

Thành tích, tác phẩm tiêu biểu

 

Sự nghiệp sáng tác của Họa sĩ Tôn Thất Đào đã đi vào lòng người yêu mến hội hoạ, chúng ta càng rõ hơn khi xem qua bảng thành tích tưởng - thưởng và thành tựu nghệ thuật của ông thật sự ngưỡng mộ và đáng kính về những ghi nhận mà các tổ chức trong nước và quốc tế dành cho ông. Tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào đã đoạt Huy chương Vàng trong các cuộc đấu xảo Hội chợ Mỹ phẩm Huế năm 1938; Huy chương Long - Bội Tinh 1942; Huy chương Kim Khánh 1943; Giấy khen về tác phẩm tranh lụa tại Vatican 1952; Văn bằng Đấu xảo Mỹ thuật Hà Nội 1938, Cao Miên 1939, Nhật Bản 1940, Sài Gòn 1945, Vatican 1950 và 1952…[4].

 

Trong sáng tác tranh vẽ của ông rất nhiều chất liệu: lụa, sơn dầu, sơn mài, bột màu, phấn tiên… nhưng thế mạnh của ông vẫn là chất liệu lụa rửa với cái chất trữ tình của phong cảnh, ẩn chứa ở dáng người thiếu nữ mang đậm nét Huế, dịu dàng và sâu lắng trong gia đình có gia phong, lễ nghĩa. Tranh của ông mang đậm cốt cách, sự hoài cổ và mộng mơ của phong cảnh và con người xứ Huế. Cái chất hoài niệm, trầm hương, nhẹ nhàng sâu lắng đã thấm đượm vào chất hội hoạ của ông khi vẽ về những thiếu nữ Huế trong các dáng điệu cùng với các nhạc cụ Cung đình Huế. Ở tranh phong cảnh, thấy rõ được cái tình với Huế, phảng phất cảnh sương khói khi chiều tà hoà quyện với không gian bao phủ trên các chi tiết vốn cổ, cùng cỏ cây hoa lá đất Kinh Thành. Chất Huế nó gắn quá sâu trong ông, thể hiện qua nét vẽ và màu sắc, những hàng cây sứ cổ của Huế trong tranh. Nghệ thuật vẽ hàng cây sứ của ông đã vượt ra khỏi cái nhìn về thị giác mà nó đạt đến mức độ của một người trồng cây và chăm cây như nghệ thuật Bon-sai ngày nay. Hay chúng ta thấy ở bức tranh cây thông - Thế Miếu, chỉ một bức tranh phong cảnh nhưng đã thể hiện sự nghiêm túc về bố cục và cách chọn đối tượng, sự chắt lọc và duy mỹ đến mức cao nhất… ngày nay, cây thông ấy vẫn còn tồn tại ở Thế Miếu, Đại Nội Huế.

 

Dễ nhận thấy trong tranh của ông luôn tôn trọng các quy tắc về bố cục, áp dụng triệt để luật viễn cận về hình, màu sắc và ánh sáng. Điểm sáng trong tranh, điểm gần - xa như một quy tắc chuẩn mực của thời đại và tinh thần hội hoạ truyền thống. Những bức vẽ về Đại Nội thoạt nhìn qua bút pháp có tình và đầy chất hội hoạ, sự chính xác của những đường, nét, điểm tụ rất khoa học tưởng như khô cứng nhưng lại rất sinh động, sinh động hơn cả một tấm ảnh chụp về phong cảnh Đại Nội và đây chính là cái để nâng tầm của nghệ sỹ tạo hình.

 

Tác phẩm: Đại Nội, Tác giả: Tôn Thất Đào, Chất liệu: Sơn dầu, Kích thước: 50x70cm, Năm sáng tác: 1942; Nguồn: Tác giả

 

Để hình thành một tác phẩm, ông đã dày công tìm kiếm nhiều phác thảo và thực hiện giả định trên chất liệu, qua tác phẩm “Hai thiếu nữ trong vườn chuối”- chất liệu sơn mài. Ông đã sử dụng nhiều phác thảo cho một kịch bản tranh và vẽ màu chuẩn như màu chất liệu thực hiện. Đây chính là cái chỉnh chu và nghiêm túc trong cốt cách sáng tác của ông.

 

Sự lưu tâm lớn nhất đó là bức tranh:“Hương Bình”, là một trong những bức tranh nổi tiếng của ông. Tranh thể hiện cách nhìn biểu hiện rất mới, mang tư tưởng tiến bộ trong thời kỳ của ông, thời kỳ mà mỗi hoạ sỹ đều tôn trọng hết sức hiện thực của các đối tượng: con người, cỏ, cây, hoa, lá… hoạ sỹ phải hiện thực tích cực. Bức tranh mô tả dáng nằm người thiếu nữ như một cái bình phong chắn gió hướng chánh Nam của Kinh Thành Huế (núi Ngự Bình) e ấp với mái tóc chảy dùng dằng như nguồn nước về với khe suối, ruộng đồng khắp nơi. Dòng nước trôi lững lờ trên dòng Hương tĩnh lặng, dìu bước những con thuyền trôi mang nhiều thực phẩm về với muôn loài, mẹ Ngự Bình nằm lặng thinh nhưng tâm hồn luôn vận động hướng chiều quay về cuộc sống nhân sinh. Mẹ đã nhuốm không gian chiều tím và đậm màu thời gian u hoài, cô tịch. Những thửa ruộng, mảnh vườn thoạt gần hoá thân thành các mái nhà để che chở, thoạt xa là những trang sách cho trẻ tiếp nối tri thức. Tất cả đã thoát lên một áng văn màu sắc, hình nét rất biểu hiện tình cảm với lối nhân hoá, ẩn dụ, đầy nhân sinh quan. Bức hoạ này đã là nguồn cảm hứng để bạn bè ông trên mọi miền Nam - Bắc sáng tác ra những bình hoạ, bài thơ dành tặng tác giả, trong đó có “Trung trinh” của Bạch-Tâm Cẩn-Đề Huế, Hoà Quang – Sài Gòn, Mai-Đình, Thanh-Tùng, Trình-Chính…

 

Trung Trinh

Ai đưa nàng đến “ngự” nơi này?

Hay Hoạ sư nào… cắt cớ đây!

Vai ngọc thon thon vươn đỉnh núi

Tóc thề cuồn cuộn toả rừng cây

Sông mơ đón gió tình mang nặng

Thuyền mộng chờ trăng nghĩa chở đầy

Sắc thái trung trinh lòng giữ trọn

Hương Bình đẹp mãi giữa trời mấy.

(Bạch Tâm cẩn đề - 12 Huỳnh Thúc Kháng - Huế.)

 

Ngắm tranh Hương Ngự ngẫn ngơ lòng

Ẩn bóng ai đây gái xứ Trung

Mái tóc tuôn mây, thân tưởng núi

Bình son đổ nươc, lộ thành sông

Nằm nghiêng bờ mộng thêm tươi vẻ

Vương nặng tơ tình để rối bong

Bao nét đan-thanh , ai khéo điểm

Bút Đào đâu kém bút Thiêng - công…

(Hoà Quang – Sài Gòn)

 

Ngọn bút siêu nhiên khéo ởm - ờ

Phải chăng Hương Ngự ẩn nàng Thơ?

Khum khum thân uốn đồi hoa mộng

Sẻ sẻ bình gieo suối ước mơ

Lở bước … cánh thư tung vạn nẻo

Trót nguyền mái tóc rối muôn tơ

Non sông còn đó, em còn đó

Non nước cùng ai mãi đợi chờ.

(Hồi ngâm ngày 2 tháng 4 năm Quý Sửu

Mai-Đình, Thanh-Tùng, Trình-Chính)

 

Đã mấy xuân rồi ? trải mấy đông

Em người Hương - Ngự mãi nằm trông

Võng lưng hoa điểm cao tày núi

Dòng lệ bình nghiêng chảy hoá sông

Xoả mái tóc thề mưa nắng dãi

Rải chồng thơ hẹn tuyết sương phong

Em là con nước? hồn non nước

Đem mối u tình gửi non sông

(Quy Ưu)

 

Xuân xanh được mấy? vẻ đoan trinh

Gấm vóc trang hoàng khéo khéo xinh

Đỉnh Ngự vương sầu người hoá đá

Dòng Hương hao cạn nước nghiêng bình

Thuyền hoa xuôi ngược buồm chen bến

Thơ nhạc gần xa kết đậm tình

Sông núi tài bồi khen thợ tạo

Đời đời rạng rỡ đất Thần-Kinh.

(Nguyễn Vi Bảo)

 

Những vần thơ đã lưu giữ phần linh hồn bức tranh “Hương Bình”. Tại thời điểm đó, sự ra đời của tác phẩm tạo nên sự lan toả mạnh mẽ về tư tưởng sáng tác đặc biệt là tư tưởng sáng tạo hội hoạ, mở ra một chương mới, một cách nghĩ mới và một hướng đi cho hội hoạ, nên đã có vị thế xứng đáng tồn tại cho đến ngày hôm nay.

 

Trong tranh ông màu xanh lá mạ xuất hiện trong đa phần ở những tác phẩm, trên mọi chất liệu. Màu sắc - thể hiện được niềm hy vọng, tâm tình, mộng mơ, khao khát đam mê sáng tạo chân chính của nghệ thuật, màu xanh cũng là sự gửi gắm cho ước mơ có một thế hệ hoạ sỹ, nhà điêu khắc tài ba cho tương lai. Ông đã có một cuộc đời cống hiến cho hội hoạ hết sức thi vị và thành công.

 

Giá trị cốt lõi

 

Hoạ sỹ Tôn Thất Đào là bộ mặt văn hoá lớn của Huế, thiết nghĩ những tác phẩm hội hoạ mà ông để lại cần có cái nhìn trân trọng, những bài giảng của ông về hội hoạ cần được lưu giữ và truyền đạt lại cho thế hệ sau, kết hợp với xu hướng mỹ thuật hiện đại, nhưng không làm mất đi nguồn gốc từ những ngày đầu thành lập.

 

Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tầm tác phẩm của ông với mong muốn được lưu giữ, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng yêu mến nghệ thuật.

 

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (1957-2022) đã dựng tượng chân dung của ông bằng đồng ở khuôn viên nhà trường, nhằm tưởng nhớ công lao đóng góp của ông trong những ngày đầu mới thành lập trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nay là trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

 

ThS. Phan Thanh Quang

Khoa Mỹ thuật tạo hình, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế

Thừa Thiên Huế, tháng 4 năm 2022

[1] Kỷ yếu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1974). Bìa phụ

[2] Trích sổ tay của Hoạ sỹ Tôn Thất Đào, đang lưu giữ tại tư gia hoạ sỹ.

[3] Trích sổ tay của Hoạ sỹ Tôn Thất Đào, đang lưu giữ tại tư gia hoạ sỹ.

[4] Bảng thành tích cá nhân đang còn lưu giữ ở gia đình hoạ sỹ.

 

Liên kết
×