English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế tuyển sinh 8 ngành mới (14-02-2008 14:18)
Góp ý
Trong năm học 2007 - 2008 Đại học Huế tuyển sinh 8 ngành mới bao gồm: Khoa học đất, Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm); Hệ thống thông tin kinh tế (Trường ĐH Kinh tế); Việt Nam học, Quốc tế học (Trường ĐH Ngoại ngữ); Địa chất công trình và địa chất thủy văn, Đông phương học (Đại học Khoa học); Bác sỹ Y học dự phòng (Đại học Y khoa).
<body>

Tổng số chuyên ngành đào tạo đại học của Đại học Huế là 88, trong đó 8 chuyên ngành mới như sau.

1. Ngành Khoa học đất (Trường Đại học Nông lâm):

Đào tạo những kỹ sư nắm vững cơ sở khoa học của chuyên ngành Khoa học đất và biết vận dụng kiến thức đã học để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về khoa học kỹ thuật, quản lý, quy hoạch, sử dụng tài nguyên đất ở các địa phương; biết tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật tại các vùng sinh thái khác nhau (đồng bằng, miền núi, trung du, ven biển); có khả năng hoạch định, chỉ đạo xây dựng những chương trình khoa học về đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Thời gian đào tạo: 4 năm chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa 210 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Kỹ sư Khoa học đất.

Sau khi ra trường, Kỹ sư Khoa học đất có thể công tác tại các sở, phòng Nông nghiệp; sở, phòng Ðịa chính; trạm Nông hóa Thổ nhưỡng, các công ty, trung tâm, trạm khuyến nông,.... và một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học có liên quan đến chuyên ngành Khoa học đất.

2. Ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông lâm):

Đào tạo những kỹ sư nắm vững kiến thức chuyên môn của ngành, có kỹ năng thực hành, có khả năng quản lý kỹ thuật trong các nhà máy chế biến thực phẩm; có thể kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; có thể tư vấn đầu tư và thiết kế các nhà máy thực phẩm (lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, tính và chọn dây chuyền công nghệ và thiết bị phù hợp, bố trí nhân công, ....); có năng lực nghiên cứu khoa học về chuyên ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học thực phẩm.

Thời gian đào tạo: 5 năm chia thành 10 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa là 260 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Kỹ sư Công nghệ thực phẩm.

Sau khi ra trường, Kỹ sư Công nghệ thực phẩm có thể làm việc tại các cơ sở bảo quản và chế biến thực phẩm hoặc sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, các cơ quan kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra có thể tham gia nghiên cứu khoa học trong các cơ quan nghiên cứu hoặc giảng dạy trong các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, có thể tham gia tư vấn đầu tư về công nghệ thực phẩm.

3. Ngành Hệ thống thông tin kinh tế (Trường Đại học Kinh tế):

Đào tạo Cử nhân Hệ thống thông tin kinh tế nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên sâu về Tin học kinh tế và Tin học quản lý, có năng lực tổ chức, ứng dụng và phát triển các ứng dụng tin học trong các hoạt động của các tổ chức kinh tế xã hội.

Thời gian đào tạo 4 năm chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa 180 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Hệ thống thông tin kinh tế.

Sau khi ra trường, Cử nhân ngành Hệ thống thông tin kinh tế có thể làm việc tại các bộ phận ứng dụng tin học trong các doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, giảng dạy tin học kinh tế tại các trường đại học, cao đẳng thuộc khối ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh.

4. Ngành Việt Nam học (Trường Đại học Ngoại ngữ):

Đào tạo Cử nhân Việt Nam học nắm vững kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về chuyên ngành Việt Nam học và tiếng Việt, có khả năng nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam học và tiếng Việt, có khả năng nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ-văn hoá Việt Nam và các dân tộc khác nhằm trang bị kiến thức trong nghề nghiệp biên dịch, phiên dịch, hợp tác ngoại giao, ... Ngành Việt Nam học còn đào tạo người nước ngoài có khả năng giao dịch trực tiếp với người Việt và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, sự nghiệp đổi mới của đất nước Việt Nam cho người nước ngoài. Ngoài ra, chương trình còn nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ giao tiếp bằng tiếng Việt và hiểu biết về đất nước Việt Nam cho con em những người gốc Việt ở nước ngoài.

Thời gian đào tạo 4 năm chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa là 216 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Việt Nam học.

Sau khi ra trường, Cử nhân Việt Nam học có thể làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở Việt Nam và ở nước ngoài.

5. Ngành Quốc tế học (Trường Đại học Ngoại ngữ):

Đào tạo Cử nhân Quốc tế học nắm vững kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về khoa học xã hội và nhân văn, về Quốc tế học, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu chuyên ngành với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; có kỹ năng thực hành nghiệp vụ nghiên cứu giảng dạy và công tác trong lĩnh vực đối ngoại.

Thời gian đào tạo 4 năm được chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức tối thiểu 214 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Quốc tế học.

Sau khi ra trường, Cử nhân Quốc tế học có khả năng công tác trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ trong các ngành liên quan đến các vấn đề quốc tế và quan hệ đối ngoại tại các trường đại học và cao đẳng, các viện nghiên cứu, các cơ quan đối ngoại, các cơ quan thông tấn, các văn phòng đại diện, các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và nước ngoài.

6. Ngành Địa chất công trình và địa chất thủy văn (Trường Đại học Khoa học):

Đào tạo Cử nhân Địa chất công trình và Địa chất thủy văn có kiến thức cơ bản và hiện đại và kỹ năng thực hành về địa chất công trình và địa chất thủy văn, có năng lực và phương pháp tổ chức nghiên cứu và khả năng hợp tác trong điều tra các đối tượng địa chất, các quá trình và hiện tượng địa chất phục vụ xây dựng các dạng công trình (dân dụng công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, công trình ngầm và công trình biển); nghiên cứu điều tra về tai biến địa chất, địa môi trường, địa chất đô thị, khai thác hợp lý và tái tạo tài nguyên thiên nhiên theo hướng phát triển bền vững.

Thời gian đào tạo 4 năm chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa 206 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Địa chất công trình và địa chất thủy văn.

Sau khi ra trường, Cử nhân Địa chất công trình và địa chất thủy văn có thể công tác tại các trung tâm, viện, trường đại học và cao đẳng thuộc lĩnh vực Khoa học trái đất, các công ty về xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, thăm dò và khai thác nước ngầm; hoặc làm việc tại các sở: Xây dựng, Giao thông công chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; tham gia các phương án đo vẽ bản đồ địa chất công trình và địa chất thuỷ văn, các dự án và đề tài về quản lý, đánh giá tác động đến môi trường, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải phục vụ xây dựng hạ tầng cơ sở theo yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

7. Ngành Đông phương học (Trường Đại học Khoa học):

Đào tạo những Cử nhân Đông phương học nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa, lịch sử, quan hệ ngoại giao cũng như tình hình kinh tế xã hội của các nước Phương đông đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Sinh viên có thể sử dụng tốt một ngoại ngữ, có kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong giao tiếp và công việc.

Thời gian đào tạo 4 năm chia thành 8 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa: 210 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân Đông phương học.

Sau khi ra trường, Cử nhân Đông phương học có thể công tác trong các lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với các nước phương Đông; hoặc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, các viện, trung tâm khoa học; hoặc làm việc trong các cơ quan ngoại giao, quan hệ quốc tế, các văn phòng đại diện; hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước.

8. Ngành Bác sỹ Y học dự phòng (Trường Đại học Y khoa):

Đào tạo những bác sỹ có khả năng hoạt động tư vấn, giáo dục về chăm sóc sức khỏe; phát hiện các vấn đề dinh dưỡng- an toàn thực phẩm để đề xuất các giải pháp cải thiện thích hợp; tổ chức và theo dõi quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp ở các ngành nghề khác nhau; tham gia giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch phổ biến và tổ chức phòng chống dịch; thực hiện các kỹ thuật giám sát và đánh giá tác động môi trường để đề xuất các giải pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, đồng thời tham gia chẩn đoán, xử lý và cấp cứu các bệnh thông thường và một số bệnh chuyên khoa, thực hiện tập huấn, giám sát hỗ trợ cho y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Thời gian đào tạo 6 năm được thành 12 học kỳ, khối lượng kiến thức toàn khóa 320 đơn vị học trình (chưa kể các học phần Giáo dục quốc phòng). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Bác sỹ y học dự phòng.

Sau khi ra trường, Bác sỹ y học dự phòng có thể làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm Y tế dự phòng, sở Y tế hoặc các trung tâm y tế và các cơ sở y tế khác có liên quan đến y tế công cộng và y học dự phòng.

Phương Dung


</body>
Liên kết
×