English | Français   rss
Liên kết
“Cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc đánh giá tác động môi trường” (17-04-2014 02:16)
Góp ý

 

Ngày 6/3/2014 tại Hà Nội, Đại hội lần thứ II, Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã diễn ra trọng thể, với hơn 50 đại biểu đại diện cho các cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng các nhà khoa học, khách quốc tế và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường trong cả nước đã tới dự. PGS.TS. Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế đã được tín nhiệm, bầu lại chức Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam. Nhân sự kiện này, PV. BT Đại học Huế xin giới thiệu cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Văn Thăng.

 

(Ảnh: Ban chấp hành khóa II Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam. PGS. TS. Lê Văn Thăng, thứ 2 từ trái sang)

 

PV: Trước hết, xin chúc mừng Thầy đã được tín nhiệm để tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam. Xin Thầy có thể cho biết sơ lược về hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam.

 

Hội Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Việt Nam là Hội thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE). Đại hội thành lập Hội ĐTM Việt Nam đã được tổ chức thành công vào ngày 30 tháng 11 năm 2007 tại Hà Nội. Hội ĐTM Việt Nam được hoạt động với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tham gia tư vấn và phản biện xã hội về lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà trước hết là ĐTM và ĐMC (Đánh giá môi trường chiến lược), tham gia đào tạo, tập huấn và tổ chức hội thảo khoa học về ĐTM, ĐMC cũng như hợp tác quốc tế về các lĩnh vực chuyên môn nói trên.

 

PV: Trong nhiệm kỳ trước đây, Hội đã đạt được những kết quả gì đáng chú ý?

 

So với nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp khác thì Hội ĐTM Việt Nam vẫn là Hội non trẻ (thành lập năm 2007). Tuy nhiên, trải qua hơn 7 năm hoạt động, Hội ĐTM Việt Nam cũng đã có một số đóng góp, ví dụ tham gia đóng góp vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi mà theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới đây, tham gia góp ý cho các Nghị định và Thông tư liên quan đến các nội dung chuyên môn hoạt động của Hội, đồng thời các hội viên của Hội cũng đã chủ trì hay tham gia lập các báo cáo ĐTM và ĐMC cho các dự án ở trên khắp lãnh thổ Việt Nam, tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định… Một điểm nhấn của Hội trong thời gian qua là đã tổ chức thành công 3 Hội thảo khoa học Việt Nam – Hàn Quốc về ĐTM ở 3 miền và đã cử một số hội viên giao lưu trao đổi chuyên môn ở các Diễn đàn quốc tế tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Hội đã ký kết hợp tác với Hội ĐTM Hàn Quốc từ năm 2007 và đang xúc tiến các thủ tục để ký kết hợp tác với Hội ĐTM Nhật Bản.

 

PV: Có ý kiến cho rằng,  ĐTM thời gian qua hầu như chỉ quan tâm đến ô nhiễm mà thiếu chú trọng dự báo tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe và xã hội. Đây là các vấn đề được các quy định ĐTM của các tổ chức quốc tế và các quốc gia đặc biệt quan tâm. Thầy có suy nghĩ gì về ý kiến này?

 

Trước hết tôi xin nói rằng, ĐTM thực chất là công việc mang tính chất dự báo. ĐTM của chúng ta đang thực hiện chỉ đề cập đến tác động lên hệ sinh thái tự nhiên, còn nội dung tác động lên sức khỏe và xã hội thì có một chuyên ngành khác nghiên cứu. Về việc tác động lên hệ sinh thái tự nhiên mà lâu nay các báo cáo ĐTM đã lập, đúng như vậy, hầu hết các báo cáo chỉ quan tâm sâu hơn về nội dung ô nhiễm mà ít quan tâm hơn về tác động lên hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, thời gian đến việc lập báo cáo ĐTM cũng phải thay đổi cách đánh giá khi đó mới đáp ứng được với các yêu cầu mới.

 

PV: Với vai trò của mình, Thầy có những suy nghĩ gì để tạo được sự cân bằng giữa môi trường và phát triển kinh tế xã hội.

 

Với tư cách là người nghiên cứu về tài nguyên và môi trường và thường lập các báo cáo ĐTM và ĐMC, quan điểm của tôi trước hết là ủng hộ các hoạt động kinh tế - xã hội mà vẫn rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, đó là quan điểm hài hòa giữa sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc lập báo cáo cũng như thẩm định ĐTM, ĐMC còn nhiều bất cập. Ví dụ, nhiều tổ chức và cá nhân năng lực còn hạn chế nhưng lại có nhiều cơ hội lập các báo cáo ĐTM, ĐMC; trong khi đó, nhiều tổ chức và cá nhân có đủ năng lực nhưng lại không có cơ hội để lập các báo cáo ĐTM, ĐMC. Mặt khác, nhiều địa phương còn thiếu chuyên gia vì vậy việc thành lập và tổ chức thẩm định các báo cáo ĐTM, ĐMC gặp rất nhiều khó khăn, cho nên chất lượng của nhiều báo cáo ĐTM, ĐMC chưa cao. Theo tôi, nếu khắc phục được những bất cập nêu trên sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

 

PV: Hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là miền Trung việc khai thác các khu mỏ, quặng, nuôi tôm trên cát…đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và cuộc sống của người dân như tài nguyên đất bị mất, rừng phòng hộ bị tàn phá, nguồn nước ngọt nhiễm bẩn, nhiễm mặn, không khí nhiễm bụi, ảnh hưởng sức khỏe người dân... Tuy nhiên, người dân những nơi này lại chưa được hưởng lợi từ bồi thường về môi trường. Thầy có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng nên trao quyền đánh giá tác động môi trường cho cộng đồng.

 

Hiện nay việc khai thác tài nguyên phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng không đúng quy luật đã làm cho tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, làm gia tăng các tác động xấu đến con người, tôi hoàn toàn thống nhất với nhận định trên. Về việc lập và thẩm định báo cáo ĐTM, theo tôi không thể trao quyền ĐTM cho cộng đồng nhưng cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, việc lập báo cáo ĐTM, ĐMC phải có sự tham gia của cộng đồng thông qua việc “tham vấn cộng đồng”, tuy nhiên, theo yêu cầu tham vấn cộng đồng như đã thực hiện chưa đáp ứng được mong muốn của báo cáo ĐTM, ĐMC mà cần phải yêu cầu cao hơn, cách tổ chức tham vấn phải sâu và quy mô đối tượng được tham vấn phải mở rộng hơn.

 

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy. 

 AH thực hiện - Ảnh: IREN

Các tin mới hơn
Các tin đã đăng
Liên kết
×