Tin tức - Sự kiện
|
Đại học Huế đồng hành cùng Thành phố Huế trong thực hiện Nghị quyết 57/NQ-TW
(07-05-2025 09:36)
Góp ý
Ngày 6/5, TS. Bùi Văn Lợi, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế có buổi làm việc với Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Huế về hợp tác thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và hướng đến thành lập Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo tổng hợp của Ban KHCN và QHQT Đại học Huế, mục tiêu theo Nghị quyết 75/NQ-HĐĐH ngày 05/11/2021 của Hội đồng ĐHH, trong giai đoạn 2021-2026, Đại học Huế có 20 - 25 sản phẩm KH&CN được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 20-25 công nghệ, sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu tiêu biểu cấp Đại học Huế, nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia hoạt động có hiệu quả trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các sản phẩm chuyển giao của Đại học Huế triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) tiêu biểu có thể kể đến như: Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ sản xuất cây trồng và sử dụng hợp lý đất nông nghiệp tại 6 xã của huyện A Lưới, Hỗ trợ phân tích mẫu đất dưới tán rừng keo (GS. Hoàng Thị Thái Hòa)
Nhiều đề tài KH&CN cấp tỉnh (nay là thành phố Huế) trong lĩnh vực nông nghiệp đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp tại các tỉnh thực hiện nhiệm vụ, điển hình như: Quy trình nhân giống và sinh sản cá ong Bầu (Rhynchopelates oxyrhynchus) từ kết quả của đề tài Nghiên cứu quy trình nuôi vỗ và thử nghiệm kích thích sinh sản nhân tạo cá Ong bầu (Rhynchopelates oxyrhynchus Temminck & Schelegel, 1842); Quy trình sinh sản nhân tạo cá Nâu (Scatophagus argus) từ kết quả của đề tài Nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá nâu (Scatophagus argus Linnaeus, 1766) ở khu vực đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy trình sản xuất thức ăn viên từ ấu trùng ruồi lính đen cho các đối tượng thủy sản nước ngọt. Trong giai đoạn 2013-2025, Đại học Huế có hơn 30 hồ sơ đăng ký SHTT trong và ngoài nước, trong đó đã được cấp 10 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 06 Giấy chứng nhận nhãn hiệu và 08 Chứng nhận bản quyền tác giả.
Số lượng sản phẩm chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp (Trường ĐHNL, ĐHKH, VCNSH,...). Tuy vậy, kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Đại học Huế. Một số nguyên nhân có thể kể đến như sự kết nối với doanh nghiệp, việc ưu tiên các nghiên cứu mảng ứng dụng còn khá hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu còn ít, các cơ chế, chính sách... còn khá bất cập, việc định giá sản phẩm, công nghệ, việc tham gia, làm chủ doanh nghiệp đối với viên chức có sản phẩm nghiên cứu được tạo ra...
Trong quá trình phát triển, Đại học Huế luôn đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là Thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị chỉ rõ việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Phát triển Trường Đại học Y - Dược theo mô hình Trường - Viện đạt chuẩn khu vực và quốc tế; Trường Đại học Sư phạm thành cơ sở đào tạo giáo viên hàng đầu; Phát triển Viện CNSH thành trung tâm CNSH quốc gia miền Trung.
Đặc biệt, Đại học Huế tiếp tục đồng hành cùng với Thành phố Huế trong thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đại học Huế là cơ sở cung cấp phương án nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu, sẵn sàng tham gia vào hoạt động chuỗi phát triển công nghiệp bán dẫn; định hướng phát triển các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn, Al, IoT. Hoàn thiện và triển khai Đề án khu công nghệ cao thành phố gắn với dự án Trung tâm dữ liệu AI tại Huế; Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; Khu công nghệ thông tin tập trung (IT Park)... Thành lập Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ, Đại học Huế. Đẩy mạnh phát triển chương trình giáo dục STEM, Robot.
Để sự phối hợp thành công, tại buổi làm việc, lãnh đạo hai đơn vị cũng đã nêu những đề xuất về các cơ chế tạo điều kiện về cơ sở vật chất; chính sách trọng dụng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Thành phố Huế; hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đặt hàng, giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết của địa phương.
Các tin đã đăng
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
Tin tức, sự kiện nổi bật
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]()
Tin tức, sự kiện mới nhất
![]() ![]()
Liên kết
|