English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo khoa học quốc gia 2024: Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình (03-12-2024 14:28)
Góp ý

Sáng ngày 30/11/2024, hội thảo khoa học “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”, trong khuôn khổ hoạt động về lưu giữ các giá trị văn hoá, lịch sử do Quỹ VINIF hỗ trợ, đã diễn ra tại Trung tâm kỹ thuật số Sốnglab, Thành phố Huế. Hội thảo do Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Hội thảo là dịp để khẳng định những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của chuông đồng thời Nguyễn, vai trò của di sản trong giáo dục và sáng tạo nghệ thuật hiện đại.

 

Hội thảo có sự tham gia chủ trì và chỉ đạo của PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đại biểu, chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa và mỹ thuật đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu và các đơn vị đào tạo trong cả nước. Với 45 bài tham luận chất lượng, hội thảo đã tập trung khai thác nhiều khía cạnh đa chiều: từ hình thức tạo hình độc đáo trên chuông đồng, như bồ lao, các họa tiết hoa lá, đến triết mỹ Phật giáo ẩn chứa trong mỗi tác phẩm. PGS.TS. Lê Anh Tuấn, trong bài phát biểu của mình, nhấn mạnh: “Những giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa sẽ là nền tảng quan trọng trong việc giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, lòng tự hào về di sản truyền thống cho thế hệ trẻ.”

 

TS. Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, Trưởng ban Ban tổ chức hội thảo, chia sẻ: Hội thảo hôm nay không chỉ là dịp để các nhà nghiên cứu thảo luận về những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của chuông đồng thời Nguyễn, mà còn tạo cơ hội gắn kết giữa di sản và thế hệ trẻ qua giáo dục và sáng tạo nghệ thuật hiện đại. Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của Trường Đại học Nghệ thuật Huế trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất cố đô. Những motif hoa văn trang trí trên chuông đồng thời Nguyễn đã và đang được vận dụng vào các học phần cụ thể trong lĩnh vực giáo dục đại học như: Thiết kế đồ hoạ, Thời trang, Thiết kế nội thất, các sản phẩm công nghiệp... Đây được xem là những nguồn tài nguyên mỹ thuật cổ dồi dào có thể được vận dụng vào công tác giảng dạy và học tập. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

 

Bên cạnh các bài tham luận, chương trình còn có triển lãm hình ảnh về hoa văn trên chuông đồng, các phiên thuyết trình và thảo luận sôi nổi. Đây là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, và những người yêu nghệ thuật, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật.

 

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, góp phần khẳng định vai trò của Thành phố Huế khi trở thành Thành phố trực thuộc trung ương.

 

Các tin đã đăng
Liên kết
×