English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo Đại học Huế - 30 năm tái lập và phát triển thành Đại học Quốc gia (1994 – 2024) (01-11-2024 02:25)
Góp ý

Ngày 01/11, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức Hội thảo “Đại học Huế - 30 năm tái lập và phát triển thành Đại học Quốc gia (1994 – 2024)”. Dự hội thảo có PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế; lãnh đạo Đại học Huế qua các thời kỳ; cùng đông đảo các nhà khoa học, cựu sinh viên, giảng viên của Đại học Huế.

 

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế

 

Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ. Đại học Huế là 1 trong 3 Đại học vùng trong cả nước, là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước.

Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đại học Huế đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là một phần tinh hoa của văn hóa Huế, của vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng.

Hiện nay, Đại học Huế có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài. So với năm 1994, số lượng đội ngũ trình độ cao của Đại học Huế tăng hơn 9 lần.

Năm 2024, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 58 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo năm 2024 đạt 54.175 sinh viên; 4.148 học viên cao học, 602 nghiên cứu sinh. Những con số này không chỉ phản ánh năng lực đào tạo mạnh mẽ của Đại học Huế mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của Đại học Huế trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Riêng giai đoạn 2018 - 2024, Đại học Huế đã đào tạo và cung cấp cho xã hội một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao, gồm 45.227 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ; hơn 200 tiến sĩ; và gần 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, nguyên Giám đốc Đại học Huế

 

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Ban Tổ chức nhận được 22 bài viết của các đơn vị, cơ quan, tổ chức, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài Đại học Huế. Ban Tổ chức đã biên tập, lựa chọn 20 bài, trong đó có 19 bài đăng trong Kỷ yếu và 01 bài báo cáo trực tiếp tại Hội thảo hôm nay. Hội thảo đã nghe báo cáo tham luận đánh giá những thành tựu nổi bật của Đại học Huế trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập (1994-2024), chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đề xuất các giải pháp để giúp Đại học Huế phát triển trong thời gian tới, khẳng định sự sẵn sàng của Đại học Huế để phát triển thành Đại học Quốc gia; các báo cáo tham luận về “Sự đồng hành của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Đại học Huế trong tiến trình xây dựng và phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia”; “Một số ý kiến về Đại học Huế và phát triển Đại học Quốc gia tại khu vực miền Trung”; “Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong suốt quá trình phát triển của Đại học Huế”; “Nhận diện đại học Việt Nam-Thành tựu và thách thức của Đại học Huế”. Tại Hội thảo này, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề bối cảnh của giáo dục đại học hiện nay; những khó khăn, vướng mắc của mô hình Đại học vùng; khẳng định sự phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước; các luật và các văn bản dưới luật quy định về tự chủ đại học chưa đầy đủ, còn chồng chéo lẫn nhau; sự đồng hành của tỉnh Quảng Trị trong tiến trình xây dựng và phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia; đề xuất những cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển của Đại học Huế trong thời gian đến. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Đại học Huế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, gợi ý những định hướng phát triển quan trọng trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 54, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ.

 
Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật của Đại học Huế đạt được trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ; chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp giúp Đại học Huế phát triển trong thời gian tới; qua Hội thảo này cũng để khẳng định sự sẵn sàng của Đại học Huế, sự đồng hành của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Trị nói riêng, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung-Tây Nguyên nói chung trong tiến trình phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 54, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ.
Các tin đã đăng
Liên kết
×