English | Français   rss
Liên kết
Hội thảo Khoa học Quốc tế: Quản trị nhà trường và đổi mới giảng dạy trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam và quốc tế (06-12-2024 10:03)
Góp ý

Ngày 6/12/2024, tại Đông Hà, Quảng trị, Đại học Huế phối hợp với Tạp chí Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế "Quản trị nhà trường và đổi mới giảng dạy trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam và quốc tế". Ông Hoàng Nam, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; GS. TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục; PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế; hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo. 

PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khai mạc Hội thảo 

 

Hội thảo là diễn đàn trao đổi đa chiều cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên, học viên và các bên liên quan trong giáo dục. Nội dung thảo luận bao quát cả chiều sâu lý luận lẫn thực tiễn quản trị nhà trường, đổi mới giảng dạy và sự thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.

 

Hội thảo khoa học đã quy tụ hơn 200 đại biểu, khách mời, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các diễn giả chính là các nhà khoa học có uy tín, như: GS. Philip Hallinger từ Đại học Mahidol, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc từ Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, GS. Trần Thị Lý từ Đại học Deakin, Úc và TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

 

Có 126 bài báo khoa học của các tác giả, nhóm tác giả đã được gửi đến Hội thảo, trong đó có 30 bài báo/tóm tắt của các tác giả nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, 96 bài báo của các tác giả đến từ Việt Nam. Trong số này có 62 bài báo tiếng Việt được đăng trên số đặc biệt của Tạp chí Giáo dục, 26 bài tiếng Anh đang được bình duyệt và sẽ lựa chọn 10 bài tốt nhất để đăng trên Tạp chí Giáo dục bản tiếng Anh – VJE vào tháng 6 năm 2025, 38 bài báo được gửi đến số đặc biệt dành cho Hội thảo của Tạp chí European Journal of Education (danh mục SSCI/Scopus Q1), được xuất bản vào năm 2025.

 

 

Hội thảo nhắm đến cung cấp những nội dung cốt lõi nhất về quản trị nhà trường và đổi mới hoạt động giáo dục trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam và quốc tế đến những nhà khoa học, đội ngũ quản lý, giáo viên và những người làm giáo dục. Những nội dung chính của 126 bài báo đã gửi đến Hội thảo được tập trung các chủ đề sau: Quản trị giáo dục và chính sách: Quản trị tài chính hướng tới tự chủ; Phát triển văn hóa nhà trường và mô hình "trường học hạnh phúc."; Vai trò của quản trị trong thúc đẩy đổi mới giáo dục:  Công nghệ trong giáo dục: Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và học tập; Phát triển năng lực số của giáo viên qua AI và thực tế ảo; Thách thức từ các công cụ AI trong giáo dục; Đánh giá và phát triển năng lực; Nâng cao năng lực đánh giá lớp học cho sinh viên sư phạm; Tăng cường tư duy thiết kế và năng lực số trong dạy học; Phát triển chương trình học: Ửng dụng chuyển đổi số trong thiết kế và triển khai chương trình; Cộng đồng chuyên môn trong phát triển nghề nghiệp; Giáo dục văn hóa và phát triển toàn diện: Giáo dục phẩm chất nhân ái và xây dựng văn hóa ứng xử; Động lực và sự sáng tạo của giáo viên trong đổi mới giáo dục. Hội thảo cung cấp những khuyến nghị chiến lược và giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong quản trị nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó góp phần xây dựng nền giáo dục hiện đại, hội nhập và bền vững. 

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế kỳ vọng những chủ đề này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đổi mới trong quản lý và giảng dạy mà còn mở ra hướng tiếp cận đa dạng, thiết thực để áp dụng hiệu quả trong bối cảnh giáo dục ngày nay, để cùng nhau khám phá các giải pháp, ý tưởng đột phá và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Đây là lần đầu tiên Đại học Huế tổ chức Hội thảo tại Quảng Trị với sự thu hút của đông đảo đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các cơ quan giáo dục, nhà khoa học, giảng viên, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các trường phổ thông và các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước, là minh chứng cho sự hợp tác và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng giáo dục đối với chủ đề hội thảo. 

 

Tại phiên toàn thể, các đại biểu được nghe 4 báo cáo của các nhà nghiên cứu: GS. Philiip Hallinger - Trường Đại học Mahidol University, Thailand; GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội; GS. Trần Thị Lý - Trường Đại học Deakin, Úc; TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Các tin đã đăng
Liên kết
×