English | Français   rss
Liên kết
Chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ (08-06-2022 16:10)
Góp ý

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ được tổ chức vào chiều ngày 08/06/2022 với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nhà quản lý trong Đại học Huế thúc đẩy và phát triển thị trường KH&CN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

 

Theo báo cáo của Ban KHCN-QHQT Đại học Huế, trong giai đoạn 2016-2021,  số lượng sản phẩm KH&CN được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp tăng mạnh với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Mặc dù vậy, số lượng các sản phẩm KH&CN được chuyển giao, thương mại hóa cũng như nguồn thu từ hoạt động này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Đại học Huế. Loại hình nghiên cứu ứng dụng từ các đề tài, nhiệm vụ KH&CN các cấp cũng như các nhóm nghiên cứu mạnh còn ít; sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước – Nhà khoa học và Doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao. Việc thành lập doanh nghiệp và hướng đến doanh nghiệp KH&CN trong CSGDĐH vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Có nhiều sản phẩm KH&CN rất tiềm năng và Đại học Huế có thể tự thương mại được thay vì phải tìm kiếm doanh nghiệp để chuyển giao, tuy nhiên khi chưa thành lập được doanh nghiệp sẽ có những khó khăn khi thương mại hóa sản phẩm.

 

Hội thảo cũng nghe chia sẻ những ý kiến đóng góp như: điều chỉnh, bổ sung Quy chế khai thác thương mại các tài sản trí tuệ tại Đại học Huế sau khi Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các CSGDĐH ban hành; Kết nối với Sở KH&CN Thừa Thiên Huế để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm KH&CN có tiềm năng ứng dụng của ĐHH lên Sàn giao dịch công nghệ Thừa Thiên Huế;  Thúc đẩy và tăng cường phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN có cam kết chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm; Ngoài đề tài KH&CN cấp ĐHH, bổ sung thêm dự án sản xuất thử nghiệm cấp ĐHH. Điều chỉnh quy định quản lý đề tài KH&CN cấp ĐHH, đặc biệt đối với sản phẩm của loại hình đề tài nghiên cứu ứng dụng; Tiếp tục giao chỉ tiêu thi đua về sản phẩm chuyển giao-thương mại hóa và đăng ký SHTT; Đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu khoa học với các viện trường, địa phương, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề cấp bách của địa phương, theo đơn đặt hàng doanh nghiệp, giải quyết bài toán cho doanh nghiệp.

 

Bên cạnh 2 báo cáo tổng quan thực trạng về thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu tại Đại học Huế và ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội thảo nghe kinh nghiệm từ 4 nhóm nghiên cứu của Đại học Huế đã hoặc có tiềm năng phát triển sản phẩm thương mại và quy trình công nghệ chuyển giao, gồm: - “Chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc hoa Hướng dương”, của TS. Nguyễn Văn Đức, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; - “Chuyển giao quy trình trồng và nhân giống Sau cau (Curculigo orchioides) của TS. Phạm Thành, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; - “Chuyển giao quy trình và nhân giống lan Giả hạc (Dendrobium anosmum) của TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế; - “Quy trình sản xuất và phát triển thương mại hóa sản phẩm phòng bệnh gan tụy cấp (AHPND) trên tôm chân trắng” của ThS. Trần Vinh Phương, Ban KHCN&QHQT Đại học Huế.

 

Liên kết
×