English | Français   rss
Liên kết
Đổi mới giáo dục đại học theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo (11-07-2023 17:03)
Góp ý

Đó là chủ đề của chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực giáo dục đại học - VLIR - IUC (Hợp phần 1) do Đại học Huế tổ chức từ ngày 11 -–14/7/2023. Tham dự và báo cáo tại phiên khai mạc Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GDĐT; GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, Nguyên PGĐ ĐHQG Hà Nội; GS. Martin Valcke, Đại học Gent, Vương quốc Bỉ, Trưởng Dự án P1 thuộc Chương trình VLIR–IUC; PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế.

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, hiện nay, mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo đang được nhiều trường đại học hướng đến. Sản phẩm giáo dục đại học phải là những sinh viên có tinh thần và năng lực khởi nghiệp, làm nên của cải vật chất. Xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới chú trọng vào vào tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm là các doanh nghiệp không chỉ vừa và nhỏ mà phải là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp lớn và tự làm chủ.

 

Bằng kinh nghiệm của mình, GS. Martin Valcke chia sẻ, chúng ta đang ở trong thời đại công nghiệp 4.0 thì giáo dục cũng phải tương thích với sự phát triển của xã hội. Để giáo dục đạt được 4.0, mô hình mới của giáo dục đại học phải tập trung vào các yếu tố: sự hợp tác với xã hội, với các bên liên quan, giáo dục phải đồng hành cùng sự phát triển của xã hội; xác định đúng khung năng lực cho các trường đại học để sinh viên ra trường sẵn sàng bước vào thế giới việc làm, đạt được các năng lực quan trọng. Và yếu tố cuối cùng là đầu ra của trường đại học, đó chính là xuất bản, các loại hình xuất bản và chất lượng đầu ra, tính mới và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội, đối với phát triển chính sách…

 

Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế trình bày tham luận với chủ đề “ Đại học Huế -  phát triển theo định hướng đại học đổi mới sáng tạo”. Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, đổi mới sáng tạo là để nhằm gia tăng giá trị. Đại học Huế lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động; ưu tiên lựa chọn, phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực, sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Đại học Huế; kiến tạo và chuyển giao tri thức phục vụ sự phát triển của cộng đồng bằng việc liên tục phát triển các hướng nghiên cứu mới, khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ nghiên cứu liên ngành để phục vụ xã hội.

 

Từ những định hướng đó, Đại học Huế có những giải pháp chiến lược: Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN đạt tiêu chí của đại học đổi mới sáng tạo; Thiết lập được hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Đại học Huế xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát huy uy tín học thuật, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đáp ứng với những yêu cầu phát triển mới, trong đó tập trung hoàn thiện mô hình quản trị đại học, xây dựng một đại học thông minh, đổi mới sáng tạo bằng việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt có tính đột phá để thúc đẩy các yếu tố đổi mới sáng tạo ở Đại học Huế. Xác định tiếp tục kiên trì đổi mới sáng tạo, Đại học Huế lấy việc phát hiện, bồi dưỡng và phát triển nhân tài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đào tạo các lĩnh vực mới, liên ngành, tích hợp, phát huy truyền thống đào tạo khoa học cơ bản, kết hợp khoa học cơ bản với khoa học ứng dụng, phát triển các lĩnh vực mới.

 

Đại học Huế gắn sứ mệnh với trách nhiệm đối với cộng đồng cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thực hiện các nhiệm vụ có tầm ảnh hưởng lớn như các đề án chiến lược, đề án xã hội số, hạ tầng số, tri thức số các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, đặc biệt. Đại học Huế tập trung phát triển đội ngũ  chuyên gia đầu ngành, thu hút đội ngũ nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Đại học Huế với nhiều cơ chế, chính sách đột phá.

 

Trong những ngày tiếp theo, chuỗi hội thảo sẽ tiếp tục với các chủ đề “Kinh nghiệm trong đào tạo đa lĩnh vực”, “Kết nối liên ngành giữa các nhóm nghiên cứu mạnh”, “ Ứng dụng phần mềm trong quản lý hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong”.

Liên kết
×