English | Français   rss
Liên kết
Đoàn đại biểu Đại học Huế tham dự phiên họp Hội đồng Viện Mekong và Diễn đàn Mekong 2017 (20-07-2017 02:41)
Góp ý

 

Trong các ngày 13 và 14 tháng 7 năm 2017, tại thành phố Khon Kaen, Thái Lan đã diễn ra phiên họp Hội đồng Viện Mekong (Mekong Institute) lần thứ nhất năm 2017 và Diễn đàn Mekong (Mekong Forum) năm 2017. Với tư cách là một đơn vị thành viên của Hội đồng, đoàn đại biểu Đại học Huế gồm PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc và PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tham gia các sự kiện này.

 

 

Trên nền tảng một cơ sở nghiên cứu khu vực ra đời năm 1996 tại Đại học Khon Kaen theo thỏa thuận giữa Chính phủ New Zealand và Chính phủ Thái Lan, đến năm 2006 Viện Mekong (MI) đã chuyển đổi thành một tổ chức liên chính phủ được bảo trợ bởi 6 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) gồm Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của MI là thông qua phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực để đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các nước thuộc GMS và thúc đẩy hợp tác, hội nhập trong khu vực. Hội đồng MI gồm đại diện của các nước thành viên, của khối học thuật, khối doanh nghiệp trong khu vực và các đối tác phát triển ngoài khu vực. Đại học Huế và Đại học Khon Kaen là hai đại diện cho khối học thuật trong Hội đồng MI. 

 

Các hoạt động của MI khá đa dạng như tài trợ cho các dự án, chương trình trong nhiều lĩnh vực khác nhau; tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực; tư vấn chính sách; và đặc biệt là tổ chức Diễn đàn Mekong (đến nay đã có các diễn đàn 2011, 2013, 2015, 2016 và 2017). Ngoài tham dự các hoạt động và diễn đàn thường niên, Đại học Huế đã tham gia vào Dự án “Phát triển kinh tế địa phương và khu vực - Hành lang kinh tế Đông Tây” thực hiện ở Quảng Trị, đã cử giảng viên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tham gia khóa tập huấn về năng lượng bền vững cho nông thôn,...

 

Cuộc họp Hội đồng MI lần này nhằm thông qua các báo cáo của Ban Điều hành MI gồm tổng kết hoạt động nửa đầu năm 2017, kế hoạch hoạt động nửa cuối năm 2017, kiểm toán tài chính năm 2016, dự kiến ngân sách 2017.... Hội đồng cũng đã thông qua việc kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch của Myanmar (8/2015-7/2017) và chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch cho Thái Lan (8/2017 – 8/2019). Phát biểu tại phiên họp, Giám đốc Nguyễn Quang Linh đã bày tỏ sự cam kết trách nhiệm của Đại học Huế trong Hội đồng MI, đồng thời đề xuất một số nội dung hợp tác trong khuôn khổ MI, trong đó có việc kết nối, trao đổi học thuật và hợp tác đào tạo giữa Đại học Huế với các trường đại học trong hành lang kinh tế Đông-Tây như Đại học Khon Kaen, Đại học Quốc gia Lào….

 

Với chủ đề “Địa kinh tế mới: tái định hình tương lai của GMS?” (New geo-economics: Reshaping the future of the GMS?), Diễn đàn Mekong 2017  quy tụ hơn 200 người tham dự gồm các chuyên gia về phát triển, các nhà hoạch định chính sách cao cấp, các lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức dân sự, cùng các học giả để chia sẻ kinh nghiệm về địa kinh tế và cách thức nó định hình và ảnh hưởng đến xã hội. Sau phần diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng như TS. Narongchai Akrasanee, cựu Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan; TS. Datuk Manickam Suppermaniam, cựu Đại sứ Malaysia tại Tổ chức Thương mại Thế giới; Diễn đàn có 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Động lực của địa chính trị và địa kinh tế - quá khứ, hiện tại và tương lai; Tái đánh giá các tác động đến hợp tác phát triển trong GMS và Tái điều chỉnh chiến lược thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài cho GMS. Các phát biểu và thảo luận tại Diễn đàn đã nhất trí cần tăng cường hơn nữa nỗ lực hợp tác của cả khu vực công và tư nhân để đưa GMS trở thành nơi thu hút hàng đầu đầu tư và thương mại toàn cầu, từ đó thúc đẩy sự hội nhập khu vực và tăng trưởng bền vững cho tất cả các thành viên của mình. Một số ý kiến nhấn mạnh rằng tăng cường các mối quan hệ khu vực và tránh xung đột sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của khu vực. Các đại biểu cũng xác định vai trò quan trọng của MI trong đảm bảo kết nối các thành viên trong GMS với nhau và với phần còn lại của thế giới, giúp các nước có thể hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao ý thức cộng đồng vì an ninh và thịnh vượng. 

 

Trong khuôn khổ các sự kiện, đoàn Đại học Huế cũng đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, kết nối với một số đối tác là các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới như Đại học Khon Kaen, Đại học Quốc gia Lào, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Môi trường Stockholm (SEI), Tổ chức PLAN khu vực Châu Á,…

 

Đoàn Đại học Huế tại cuộc họp Hội đồng MI

 

Giám đốc Đại học Huế cũng các thành viên Hội đồng MI

Giám đốc Đại học Huế tặng quà TS. Watcharas Leelawath, Giám đốc Điều hành MI

Tác giả và TS. Ongath Vongsay từ Đại học Dhurakij Pundit (Thái Lan)

 

 

 

 Phạm Khắc Liệu

Liên kết
×