English | Français   rss
Liên kết
Giáo sư Lưu Lệ Hằng với Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời (24-07-2015 10:55)
Góp ý

Sáng ngày 23/7, tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, GS. Lưu Lệ Hằng, người đoạt Giải thưởng Kavli lĩnh vực Thiên văn học, 2012 – một giải thưởng được xem như “Giải Nobel” trong thiên văn học – có buổi nói chuyện Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời với sinh viên, học sinh và các nhà khoa học của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

GS. Lưu Lệ Hằng (tên thường gọi là Jane X. Luu) sinh năm 1963 tại Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. GS qua Hoa Kỳ sống từ năm 1975. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý tại Trường Đại học Stanford bà đến làm việc tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena, sau đó làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học California ở Berkely. Sau khi nhận Bằng tiến sĩ năm 27 tuổi, GS. Lưu Lệ Hằng giảng dạy tại Đại học Harvard rồi Đại học Leiden ở Hà Lan. Khi quay lại Mỹ, bà làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT. Giáo sư hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

 

Năm 1987, dưới sự hướng dẫn của GS. David Jewitt, Lưu Lệ Hằng đã can đảm bơi ngược dòng dư luận để khảo sát Vành đai Kuiper. Bởi trong nhiều năm trước đó, phỏng đoán về sự tồn tại Vành đai Kuiper của nhà thiên văn học Mỹ gốc Hà Lan Gerard Kuiper (1905 -1973) bị nhiều nhà khoa học coi như một ý tưởng thiếu căn cứ xác đáng. Do đó, không có cơ quan nào chịu cấp kinh phí cho dự án nghiên cứu của cô. Đến đầu những năm 1990, các nhà thiên văn học nghĩ rằng họ biết tất cả mọi thứ trong Hệ Mặt trời. Nhưng vào năm 1992, sau 5 năm quan sát, việc phát hiện một quần thể mới các vật thể bên ngoài Hải Vương Tinh, được gọi là Vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch, mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.

 

Năm 1991, bà được Hội Thiên văn Mỹ trao tặng Giải thưởng Anne J.Cannon về Thiên văn học. Để ghi nhận công lao của GS. Lưu Lệ Hằng trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.

 

Năm 2012, bà vinh dự nhận hai giải thưởng khoa học danh giá cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học: Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli. 

 

Để có được kết quả đó, GS đã phải bỏ lại tất cả những thú vui thường nhật để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao ngoài Hệ Mặt trời kia lại trống rỗng? Và dù có hay không có sự tồn tại gì ngoài Hệ Mặt trời thì tốt nhất chúng ta nên biết về nó còn hơn nghi ngờ nó”. Với động lực đó, mỗi mùa hè, GS dành hầu hết thời gian cho việc khảo sát tại kính viễn vọng đường kính 2,2m trên đỉnh cao của ngọn núi lửa đã tắt Mauna Kea ở đảo Hawaii với độ cao 4.200m so với mực nước biển.

 

Bên cạnh những chia sẻ về Cách nhìn mới về Hệ Mặt trời, GS cũng đưa ra những lời khuyên cho các nhà khoa học tương lai: “Giải thưởng không phải là điều quan trọng mà quan trọng hơn cả là khi bạn đã yêu thích việc gì thì hãy theo đuổi nó; nên tạo sự đột phá, không nên làm theo những quy định có sẵn và luôn đặt ra những cấu hỏi: Còn những gì khác không?”. Ngoài ra, GS cho rằng, chương trình giáo dục của Việt Nam nên đổi mới để kích thích sự tò mò khám phá,  cũng như động viên và khích lệ người học thực hành khoa học chứ không quá thiên về lý thuyết. 

 

 

Buổi làm việc của Giáo sư Lưu Lệ Hằng với lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

 

 

Sau buổi nói chuyện, GS. Lưu Lệ Hằng có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện Ban Giám đốc Đại học Huế; Ban Giám hiệu cùng các nhà khoa học Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế. Tại đây, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ mong muốn trong thời gian tới GS Hằng sẽ hỗ trợ trong việc đào tạo, phát triển khoa học của Đại học Huế và thông qua GS Hằng để các trường trong Đại học Huế tìm cơ hội xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè khoa học năm châu. 

 

 

Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Đại học Huế tặng hoa chúc mừng GS. Lưu Lệ Hằng.

 

 

 

GS. Lưu Lệ Hằng chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo Tỉnh; Giám đốc Đại học Huế; Ban Giám hiệu và đại diện các nhà khoa học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

 

 

 

Ngày 22/7/2015, tại sân bay Phú Bài, PGS.TS. Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Nhà trường đã đón và tặng hoa chào mừng GS. Lưu Lệ Hằng.
 
Trường ĐHSP
Liên kết
×