English | Français   rss
Liên kết
Hỏi đáp tuyển sinh: Trường ĐH Nông lâm tuyển 1790 chỉ tiêu năm 2010 (30-03-2010 15:33)
Góp ý
Trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế có 19 ngành đào tạo đại học, 5 ngành đào tạo cao đẳng. Năm 2010, Trường liên kết đào tạo theo địa chỉ với Trường ĐH An Giang và Phân hiệu Kon Tum - Đại học Đà Nẵng. Trang tin điện tử xin giới thiệu TS. Lê Văn Phước, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm trả lời những vấn đề quan tâm của thí sinh trước khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế.


Những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Trường ĐH Nông lâm năm nay? Các chương trình liên kết đào tạo có gì khác so với những năm trước?
TS. Lê Văn Phước:  Hiện nay nhà trường có 19 ngành đào tạo với 21 chuyên ngành: Ngành Nông học, Ngành Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Khoa học nghề vườn, Chăn nuôi - Thú y, Thú y, Chế biến lâm sản, Lâm nghiệp, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Công nghiệp và Công trình nông thôn, Cơ khí bảo quản chế biến nông sản, Bảo quản chế biến nông sản, Công nghệ thực phẩm, Nuôi trồng thủy sản (có 2 chuyên ngành: Nuôi trồng thủy sản và Ngư y), Quản lý nguồn lợi thủy sản, Quản lý đất đai (có 2 chuyên ngành: Quản lý đất đai và Quản lý thị trường bất động sản), Khoa học đất, Phát triển nông thôn, Khuyến nông và phát triển nông thôn.

Chỉ tiêu và vùng tuyển sinh: Tuyển sinh trên toàn quốc với quy mô 1.790 chỉ tiêu. Trong đó:

+ Liên kết đào tạo theo địa chỉ với Trường Đại học An Giang: 100 chỉ tiêu (Ngành Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường). Hồ sơ nộp về Trường ĐH An Giang và những thí sinh trúng tuyển học tại Trường Đại học An Giang.

+ Liên kết đào tạo theo địa chỉ với Đại học Đà Nẵng - Phân hiệu Kon Tum: 60 chỉ tiêu (Ngành Khoa học cây trồng). Hồ sơ nộp về Đại học Huế và những thí sinh trúng tuyển học tại Đại học Đà Nẵng- phân hiệu Kon Tum.

+ Đào tạo trình độ cao đẳng tại Đại học Nông Lâm - Đại học Huế có 5 ngành với 300 chỉ tiêu (Chăn nuôi Thú y; Trồng trọt; Nuôi trồng thủy sản; Quản lý đất đai và Công nghiệp công trình nông thôn - mỗi ngành 60 chỉ tiêu).


2. Những điểm sáng tạo trong hoạt động đào tạo của Trường?
TS. Lê Văn Phước:  Nhà trường luôn quan tâm đến việc tăng cường và nâng cấp trang thiết bị nhằm nâng cao tay nghề thực hành của sinh viên tại trường cũng như trên các địa bàn thực tế sản xuất bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Cùng với đó là đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới công tác quản lý đào tạo, quản lý sinh viên và công tác tài chính,...) để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

-  Quán triệt sự chỉ đạo cũng như thực hiện quy chế của Bộ GD& ĐT và quy định của Đại học Huế, khoá tuyển sinh năm 2010 là khoá thứ 3 nhà trường đào tạo theo học chế tín chỉ, lấy người học làm trung tâm và tạo điều kiện cho sinh viên học liên thông, chuyển đổi và rút ngắn thời gian học...

3. Những kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghiên cứu khoa học được nhà trường chú ý như thế nào?
TS. Lê Văn Phước:
Từ lúc mới thành lập trường (năm 1967) nhà trường luôn chú trọng đến chất lượng đầu ra của sinh viên; đó là phải đảm bảo đào tạo người Kỹ sư "Vừa hồng, vừa chuyên". Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên phát huy tính tự lập, sáng tạo của mình bằng cách tạo cho sinh viên tiếp cận, thực hành và thực hiện nghiên cứu khoa học. 

4. Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội được thực hiện như thế nào?
TS. Lê Văn Phước:
  Một thế mạnh của Trường Đại học Nông Lâm là có mối quan hệ rất mật thiết với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cũng như các công ty liên doanh với nước ngoài.

Trước hết là sự hợp tác với các Trường Đại học/Viện nghiên ở nước ngoài như: Đại học Nông nghiệp Thụy Điển; các trường Đại học ở Nhật Bản như Đại học Kyoto, Đại học Okayama, Đại học Nippon, Đại học Nông nghiệp và Kỹ thuật Tokyo,...; các trường Đại học ở Thái Lan như Đại học Chiang Mai, Đai học Major, ...; Đại học ở Bỉ; Hà Lan; Canađa; Philippine; Lào; Campuchia; ...Các tổ chức quốc tế như IDRC (Canađa), Ford Foundation, Rockefeller Foundation (Mỹ). Hàng năm nhà trường đã mời các giáo sư  trong và ngoài nước về trao đổi học thuật cũng như giảng dạy cho sinh viên.

Bên cạnh sự liên kết, hợp tác với các cơ quan liên quan đến nông-lâm-ngư ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Trường ĐHNL rất quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động và hợp tác đào tạo với các xí nghiệp/công ty trong phạm vi cả nước. Từ đó, một số nội dung đào tạo được triển khai tại cơ sở xí nghiệp/công ty như Thực tập giáo trình, thực tập cuối khóa của sinh viên... Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động thiết thực được thực hiện giữa nhà trường- doanh nghiệp như: Tư vấn nghề nghiệp, Hội thảo chuyên đề... tất cả đều hướng đến cơ hội việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.

Nhờ sự liên kết trong các hoạt động đào tạo với các doanh nghiệp/công ty, nhiều lượt sinh viên đã tiếp cận với nguồn học bổng: như học bổng tài năng trẻ, học bổng vượt khó trong học tập và rèn luyện...

5. Cơ hội phát triển nghề nghiệp khi theo học tại Trường ĐH Nông Lâm?
TS. Lê Văn Phước:
Trước hết, xin nói về cơ hội việc làm của sinh viên trường ĐHNL: Hàng năm, trước kỳ thi tốt nghiệp khá nhiều công ty, cơ quan gửi công văn Thông báo tuyển dụng. Có rất nhiều sinh viên đã trúng tuyển trước khi tốt nghiệp ra trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ khoảng 80 (ngay  từ những tháng đầu sau tốt nghiệp).

Theo đánh giá của các doanh nghiệp cũng như số liệu điều tra cho thấy phần lớn sinh viên tốt nghiệp ở Trường Đại học Nông Lâm đều phát triển huy tốt về năng lực chuyên môn, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao. Hiện tại có rất nhiều sinh viên đã trở thành những nhà doanh nghiệp, những nhà quản lý giỏi từ Trung ương đến địa phương. Nhiều cự sinh viên của trường đã có học hàm, học vị cao.

Xin chân thành cảm ơn Thầy.

Hồng Sam thực hiện

Liên kết
×