English | Français   rss
Liên kết
Hỏi đáp tuyển sinh: Chương trình tiên tiến ngành Kinh tế nông nghiệp - Tài chính liên kết với ĐH Sydney, Australia. (22-03-2010 13:45)
Góp ý
Năm nay, Trường ĐH Kinh tế được giao nhiệm vụ đào tạo theo chương trình tiên tiến, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp - Tài chính liên kết với trường ĐH Sydney, Australia, do các giáo sư của trường ĐH Sydney trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngành này không tổ chức thi tuyển sinh, mà sẽ có thông báo xét tuyển dựa vào kết quả kì thi tuyển sinh ĐH năm 2010 khối A và D trong cả nước, theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Trang tin điện tử ĐHH đã mời TS. Trịnh Văn Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Công tác sinh viên - Trường ĐH Kinh tế thông tin một số điểm mới liên quan đến tuyển sinh vào Trường ĐH Kinh tế - Đại học Huế.

1. Những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế năm nay? Các chương trình liên kết đào tạo có gì khác so với những năm trước?
TS. Trịnh Văn Sơn:  Hiện nay nhà trường có 6 ngành đào tạo với 15 chuyên ngành:
+ Ngành Kinh tế có 4 chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kinh tế tài nguyên - Môi trường; Kế hoạch - Đầu tư và Kinh doanh nông nghiệp;
+ Ngành QTKD có 3 chuyên ngành: QTKD tổng hợp, QTKD thương mại; Marketing.
+ Ngành Kinh tế chính trị có 1 chuyên ngành: Kinh tế chính trị
+ Ngành Tài chính - ngân hàng có 1 chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp
+ Ngành Kế toán có 2 chuyên ngành: Kế toán doanh nghiệp; Kế toán - Kiểm toán;
+ Ngành Hệ thống thông tin kinh tế có 2 chuyên ngành: Thống kê kinh doanh và Tin học kinh tế.
- Khối thi: Khối A và Khối D (D1, D2, D3 và D4)
- Chỉ tiêu và vùng tuyển sinh: Tuyển sinh trên toàn quốc với quy mô 1.430 chỉ tiêu. Trong đó:
+ Tại trường: 1.230 chỉ tiêu
+ Liên kết với Trường Đại học Phú Yên: 200 chỉ tiêu (với các chuyên ngành: Kế hoạch - Đầu tư: 50 chỉ tiêu; Tài chính - Ngân hàng: 50 chỉ tiêu; Marketing: 50 chỉ tiêu; Kế toán doanh nghiệp: 50 chỉ tiêu). Hồ sơ nộp về Trường ĐH Phú Yên và những thí sinh trúng tuyển học tại Trường Đại học Phú Yên.
Trong đó có 2 chuyên ngành đã tuyển sinh từ năm 2009 (Kế toán và Marketing), năm 2010 bổ sung thêm 2 ngành là Kế hoạch đầu tư và Tài chính doanh nghiệp.
- Chương trình đào tạo liên kết với các trường ĐH nước ngoài:
+ Chương trình liên kết với Đại học Rennes I - Cộng hoà Pháp, đào tạo đồng cấp bằng ngành Tài chính Ngân hàng đã tuyển sinh từ năm 2008. Ngành này không tổ chức thi tuyển sinh, mà sẽ có thông báo xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010 khối A và D trong cả nước, theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
+ Đặc biệt năm 2010, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo theo chương trình tiên tiến, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp - Tài chính (chương trình đào tạo của trường ĐH Sydney, Austrailia) do các giáo sư của trường ĐH Sydney trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngành này không tổ chức thi tuyển sinh mà sẽ có thông báo xét tuyển dựa vào kết quả kì thi tuyển sinh ĐH năm 2010 khối A và D trong cả nước, theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
Đại học Sydney, Australia được thành lập năm 1858, là một trường Đại học danh tiếng, được US News xếp hạng thứ 36 trên thế giới (năm 2009).
Chương trình được học tập trong 5 năm. Năm thứ nhất sinh viên được nâng cao tiếng Anh và các môn về khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ năm thứ 2 đến thứ 5, sinh viên được đào tạo theo chương trình gốc của Đại học Sydney. Chương trình tiên tiến thực hiện theo hệ thống học chế tín chỉ; sử dụng tối đa các trang thiết bị hiện đại và các phần mềm chuyên dụng vào việc học tập và giảng dạy; áp dụng mạnh mẽ các phương pháp giảng dạy, học tập và tin học hoá việc quản lý đào tạo của trường đối tác. Sinh viên có thể truy cập và sử dụng tài liệu học tập ở các thư viện của Đại học Sydney. Bằng tốt nghiệp Đại học của sinh viên bao gồm hai ngành (song ngành): Kinh tế Nông nghiệp và Tài chính. Sinh viên năm cuối có thể sang học tại Đại học Sydney và bằng tốt nghiệp đại học sẽ được cấp bởi Đại học Sydney. Bằng tốt nghiệp đại học theo chương trình tiên tiến được coi như bằng tốt nghiệp đại học tại nước ngoài khi xét các điều kiện liên quan đến trình độ tiếng Anh và chuyên môn để học tiếp ở bậc cao hơn.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với Phòng ĐT-CTSV, ĐT: 054.3883952 hoặc Khoa Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, 100 Phùng Hưng, Huế, ĐT: 054.3538332; Website:www.hce.edu.vn  
2. Những điểm sáng tạo trong hoạt động đào tạo của Trường?
TS. Trịnh Văn Sơn:  Bên cạnh tăng dần qui mô sinh viên một cách hợp lý, Nhà trường đã tập trung đổi mới toàn diện (quản lý, đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới công tác quản lý đào tạo, quản lý sinh viên và công tác tài chính,... để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội.
-  Quán triệt và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "2 không" và cuộc vận động "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội" của Bộ GD&ĐT.
- Thực hiện 3 công khai, thực hiện xây dựng chuẩn đầu ra đối với tất cả các ngành đào tạo.
- Từ khoá tuyển sinh năm 2008, Nhà trường thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Khoá tuyển sinh năm 2010 là khoá thứ 3 đào tạo theo học chế tín chỉ. Hiện tại công tác quản lý đào tạo theo tín chỉ đã đi vào nề nếp và ổn định.  
3. Những kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghiên cứu khoa học được nhà trường chú ý như thế nào?
TS. Trịnh Văn Sơn: Những kỹ năng nói trên gắn liền với việc nâng cao chất lượng đào tạo. Vì thế Nhà trường luôn quan tâm đến việc xây dựng các chuẩn đầu ra của sinh viên. Thực hiện tốt cải tiến công tác quản lý nói chung và công tác quản lý đào tạo, quản lý sinh viên. Xây dựng tiêu chí đánh gía sinh viên, đánh giá giáo viên. Độc giả có thể tìm hiểu chuẩn đầu ra của các ngành thuộc Đại học Huế theo địa chỉ: http://www.hueuni.edu.vn/hueuni/tracuunganh.php  
4. Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội được thực hiện như thế nào?
TS. Trịnh Văn Sơn:  Nhà trường có mối quan hệ rất mật thiết với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, hàng năm nhà trường đã mời các giáo sư  trong và ngoài nước về trao đổi học thuật cũng như giảng dạy cho sinh viên.
Nhà trường đã ký thoả thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên trong quá trình học tập cũng như ra trường.
Hằng năm, Trường tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu cầu doanh nghiệp, tổ chức các Hội thảo, Hội nghị giữa Nhà trường với doanh nghiệp.
5. Cơ hội phát triển nghề nghiệp khi theo học tại Trường ĐH Kinh tế?
TS. Trịnh Văn Sơn: Theo thông kê chưa đầy đủ, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 80- 85% ( ngay  từ những tháng đầu sau tốt nghiệp).
Hàng năm nhà trường cũng tiếp nhận nhiều Thông báo tuyển dụng cũng như giới thiệu sinh viên tốt nghiệp về công tác tại đơn vị trên địa bàn cả nước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp cũng như số liệu điều tra cho thấy phần lớn sinh viên tốt nghiệp ở Trường Đại học Kinh tế Huế đều phát triển tốt về năng lực chuyên môn, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao. Hiện tại có rất nhiều sinh viên đã trở thành những nhà doanh nghiệp, những nhà quản lý giỏi từ Trung ương đến địa phương. Nhiều người đã trở thành những giáo sư, phó gíáo sư, tiến sỹ hoặc trở thành những nhà khoa học có tiếng tăm.

Hồng Sam thực hiện

 

Liên kết
×