English | Français   rss
Liên kết
Hỏi đáp tuyển sinh: Những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Khoa Du lịch - Đại học Huế năm nay? (23-03-2010 14:15)
Góp ý
Nhằm cung cấp thông tin cho học sinh sinh viên trước khi nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh đại học, Trang tin điện tử Đại học Huế đã mời lãnh đạo các trường thành viên, các khoa trực thuộc giải đáp các thắc mắc trong suốt thời gian tuyển sinh. Sau đây là phần trả lời của TS. Bùi Thị Tám, Trưởng Khoa Du lịch - Đại học Huế về những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo tại Khoa Du lịch - Đại học Huế.

Hỏi: Những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Khoa Du lịch năm nay là gì thưa Cô?

TS. Bùi Thị Tám - Trưởng Khoa Du lịch - Đại học Huế: Năm nay, Khoa Du lịch có thêm hai chuyên ngành đào tạo mới thuộc ngành Quản trị Kinh doanh (DHD 402) đó là: Truyền Thông và Marketing du lịch dịch vụ; và Tổ chức và quản lý sự kiện, đưa tổng số chuyên ngành đào tạo của Khoa Du lịch lên 5 chuyên ngành với 320 chỉ tiêu.

Hỏi: Những điếm sáng tạo trong hoạt động đào tạo của Khoa?

TS. Bùi Thị Tám : Kiên định thực hiện tôn chỉ “chất lượng tạo ra sự khác biệt”, Khoa Du lịch đang triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước thiết lập nền tảng cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh các giải pháp về chuẩn bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện học tập thì có thể nói điểm nhấn có tính chiến lược trong hoạt động đào tạo đó là đổi mới nội dung chương trình đào tạo, tăng cường kết nối doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Kết cấu chương trình và nội dung các học phần được cập nhật trên cơ sở tham khảo chương trình các nước tiên phong trong đào tạo du lịch như Mỹ, Pháp, Bỉ, New Zealand, Hà lan...vận dụng phù hợp trong điều kiện văn hoá kinh doanh của Việt nam. Chú trọng đến đào tạo kỹ năng chuyên sâu và kỹ năng mềm cho người học (bao gồm cả ngoại ngữ). Liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức thực tập và tham quan thực tế với thời lượng tăng hơn so với các chương trình truyền thống.

Hiện nay, Khoa đã ký kết với Đại Học Perpignan – Pháp để sinh viên có thêm cơ hội học lấy hai bằng. Nếu sinh viên tích luỹ đủ 120 tín chỉ theo chương trình thống nhất của hai trường và bảo vệ luận văn bằng tiếng Pháp sẽ được cấp 2 văn bằng: Bằng tốt nghiệp của trường Đại học Perpignan và của Đại học Huế (điều kiện này áp dụng cho cả sinh viên hệ bằng 2 của Khoa Du lịch).

Hỏi: Những kỹ năng mềm, bồi dưỡng Ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu khoa học được khoa chú trọng như thế nào?

TS. Bùi Thị Tám : Cần phải nhấn mạnh rằng việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác cho sinh viên không giới hạn trong phạm vi chương trình chính khoá mà có thể tiếp cận từ rất nhiều cách, ví dụ như các phong trào đoàn hội, các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá, giao lưu doanh nghiệp, hoạt động cộng đồng... Trên cơ sở đó vừa tạo cho sinh viên hứng thú học tập, môi trường và cơ hội trải nghiệm, cũng như nhận thức về nhu cầu và năng lực tự học. Do vậy, mặc dù trong điều kiện khó khăn của một đơn vị mới thành lập nhưng lãnh đạo Khoa vẫn rất quan tâm tạo điều kiện để giáo viên và sinh viên Khoa tổ chức và tham gia tích cực các hoạt động này. Cũng chính qua các hoạt động này, đoàn viên và sinh viên của Khoa từng bước tự khẳng định mình, hình thành một hình ảnh trẻ trung năng động, trí tuệ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Chiến thắng vô địch toàn quốc trong cuộc thi “Năng động 2010” khối Pháp ngữ vừa qua là một trong nhiều minh chứng sinh động cho những nỗ lực nói trên.

Riêng với việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho người học, ngoài các học phần ngoại ngữ cơ bản, Khoa rất chú trọng ngoại ngữ chuyên ngành. Hiện nay, với các khoá đầu tiên, Khoa đang mời giáo viên nước ngoài chuyên về ngoại ngữ du lịch và lữ hành đảm nhận (tiếng Anh). Với khối Pháp ngữ, thời lượng ngoại ngữ cũng gia tăng theo yêu cầu của Francophonie. Bên cạnh ngoại ngữ chính khoá, Khoa còn có các hoạt động khác như mời chuyên gia nước ngoài báo cáo chuyên đề, tổ chức câu lạc bộ “Ngoại ngữ du lịch”... để tạo không gian học tập, trao đổi và rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên và sinh viên.

Hỏi: Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

TS. Bùi Thị Tám : Khoa Du lịch coi đây là một trong những chiến lược quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa đã chủ động ký kết hợp tác với nhiều tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các mối quan hệ liên kết nhà trường – doanh nghiệp này thường xuyên được củng cố và mở rộng thông qua các hoạt động thực tập nghề cho sinh viên, đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp, hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học...

Ngày 24/11/2009, hội thảo “Tư vấn đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội” của Khoa Du lịch được tổ chức với sự hiện diện của các vị khách quí là đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Đại Học Huế, các chuyên gia đến từ Singapore, New Zealand và các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trong và ngoài địa bàn Thừa thiên Huế. Tại hội thảo này, đại diện của 12 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trong và ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Khoa Du lịch - Đại Học Huế, đưa tổng số các các đơn vị trong hệ thống liên kết doanh nghiệp của Khoa Du lịch - Đại Học Huế lên 21 đơn vị thuộc các lĩnh vực du lịch, khách sạn – nhà hàng, lữ hành, dịch vụ hàng không, đào tạo và tư vấn, quảng cáo và truyền thông…
Đặc biệt, Khoa Du Lịch đã thiết lập quan hệ hợp tác với TransViet Travel Group - chuyên doanh dịch vụ du lịch - lữ hành - hàng không ở Thành phố Hồ Chí Minh - đồng thời là đại diện tại Việt Nam của Amadeus - một trong 5 hệ phân phối du lịch toàn cầu lớn nhất thế giới. TransViet Group đang hỗ trợ cài đặt phòng máy cho việc giảng dạy thực tế về hệ thống phân phối toàn cầu, đào tạo miễn phí 2 giáo viên lấy chứng chỉ về ticketing (bán vé hàng không toàn cầu) trên hệ thống Amadeus, đồng thời cung cấp tài liệu giảng dạy về ticketing trên Amadeus ở Khoa Du lịch (đơn vị đào tạo đầu tiên ở Việt Nam được hỗ trợ bởi đại diện sale của Amadeus).

Bên cạnh đó, Khoa đang tích cực triển khai hợp tác đào tạo với tập đoàn hàng đầu Việt Nam về phát triển kỹ năng con người - Tâm Việt Group - để thường xuyên mở các khoá đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên sâu không chỉ cho các sinh viên kinh tế - quản trị kinh doanh, sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn, mà còn theo yêu cầu của các đối tượng lao động khác nhau của doanh nghiệp.

Hỏi: Cơ hội phát triển nghề nghiệp khi theo học tại khoa?

TS. Bùi Thị Tám : Với kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cùng với bản lĩnh tự tin, năng động sáng tạo, thì cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp sẽ rộng mở với các em sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành của Khoa Du lịch. Trong tương lai, họ sẽ là những chuyên viên, những nhà quản lý năng động hay những chuyên gia thuộc các lĩnh vực du lịch - dịch vụ - truyền thông và quan hệ công chúng...

Xin chân thành cảm ơn Cô.

Hồng Sam thực hiện


 

Liên kết
×