English | Français   rss
Liên kết
Hỏi đáp tuyển sinh: Khoa Luật - Đại học Huế chú trọng đào tạo Luật trong xu thế hội nhập quốc tế (23-03-2010 14:14)
Góp ý
Nhiều học sinh quan tâm đến Khoa Luật, một đơn vị mới thành lập trực thuộc Đại học Huế nhưng truyền thống Khoa Luật được biết đến từ lâu. Trang tin điện tử Đại học Huế đã mời TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật - Đại học Huế cung cấp một số thông tin liên quan đến công tác đào tạo ngành Luật hiện nay.


Hỏi : Khoa Luật là một đơn vị mới thành lập trực thuộc Đại học Huế. Tuy nhiên, truyền thống Khoa Luật có thể nói được biết đến từ lâu. Vậy Khoa Luật hiện nay có những điểm mới khác biệt nào thưa Thầy?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế : Khoa Luật trước 1975 là một khoa trực thuộc Viện Đại học Huế được thành lập từ năm 1957. Đến năm 1990, bộ môn Pháp lý tái thành lập trực thuộc Trường Đại học Khoa học. Ngày 19/8/2009, Giám đốc Đại học Huế đã ký Quyết định thành lập Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế trên cơ sở Khoa Luật của Trường Đại học Khoa học.

Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Luật đã đào tạo được hàng ngàn cử nhân Luật, đào tạo lại cho hàng ngàn cán bộ ngành kiểm sát trong cả nước trên cơ sở đặt hàng của VKSND tối cao, liên kết đào tạo cử nhân luật với các cơ sở đào tạo trong cả nước.

Hỏi : Những điểm mới trong công tác tuyển sinh của Ngành Luật?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế: Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh dành cho Khoa Luật tăng nhiều so với năm 2009 (năm 2009 chỉ tiêu 200, năm 2010 chỉ tiêu 350). Về khối thi, các năm trước đây chỉ tuyển sinh một khối là khối C. Năm 2010, tuyển sinh 03 khối bao gồm A, C và D1.

Hỏi: Chương trình đào tạo có gì khác biệt? Những điểm sáng tạo trong hoạt động đào tạo của Khoa?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế: Hiện nay, chương trình đào tạo của Khoa Luật thực hiện theo hệ thống tín chỉ với khối lượng là 130 tín chỉ.

Chương trình đào tạo ngành Luật xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT ban hành theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD ĐT. Khoa thiết kế 28 tín chỉ gắn với nhu cầu người học, trong đó 19 tín chỉ bắt buộc, 06 tín chỉ còn lại sinh viên có quyền chọn trong số 40 tín chỉ trên cơ sở phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này.

Trong số các tín chỉ có phần Thực hành nghề nghiệp như kỹ năng tư vấn, phiên toà... là học phần bắt buộc, ngoài ra trong các học phần Luật đều có tổ chức thực hành như kỹ năng soạn thảo điều lệ, soạn thảo hợp đồng, phiên toà tập sự, tổ chức tư vấn sở hữu trí tuệ ...

Hỏi: Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội được thực hiện như thế nào?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế: Đầu ra ngành Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó, mối liên hệ thường xuyên với các đơn vị sử dụng lao động rộng:

Khoa phối hợp với Toà án, Viện kiểm sát để cho sinh viên dự phiên toà, tham khảo các hồ sơ tài liệu ngay từ học kỳ 2 của năm thứ nhất. Khoa có Trung tâm Tư vấn và Thực hành pháp luật cho sinh viên thực hành tại chỗ, tổ chức hội thảo tư vấn nghề nghiệp: mời các doanh nghiệp tham gia (đối với chuyên ngành Luật kinh tế), và các cơ quan tư pháp (chuyên ngành Luật hình sự, Luật dân sự, Luật Hành chính - Nhà nước).

Hỏi: Hiện nay, trong xu thế hội nhập, lĩnh vực Luật nước ngoài đang rất cần thiết? Về nội dung này, Khoa đã chú ý như thế nào?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế: Hiện nay, công tác đào tạo Luật trong xu thế hội nhập quốc tế đang được Khoa Luật quan tâm phát triển, cụ thể với các hoạt động như:

- Phối hợp với UNDP tổ chức giới thiệu pháp luật nước ngoài, kỹ năng tư vấn cộng đồng cho sinh viên và mời một số chuyên gia nước ngoài dạy một số học phần.
- Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, Khoa đã quan tâm đưa vào giảng dạy một số học phần đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển như: Luật kinh tế quốc tế, Luật về tổ chức WTO, Luật về EU, Luật về tổ chức Asean, Luật về sở hữu trí tuệ quốc tế… Nhiều hoạt động cung cấp cho sinh viên mảng pháp luật về quốc tế, ra trường sinh viên có thể làm việc tại: các tổ chức quốc tế nước ngoài tại Việt Nam, Văn phòng Luật nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
- Giảng dạy, giới thiệu luật pháp của một số nước, đặc biệt các nước trong khối Asean.
- Xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài như: Đại học Chiengmai, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan); tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với chương trình đào tạo của nước ngoài, pháp luật của nước ngoài vào năm 2011.
- Đưa nhiều môn học mới vào giảng dạy đáp ứng nhu cầu kiến thức trong bối cảnh hội nhập.
- Xây dựng, triển khai hợp tác với các trường đại học nước ngoài để tiến hành các dự án nghiên cứu.

Hỏi: Cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường?

TS. Đoàn Đức Lương, Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế: Sau khi ra trường, sinh viên có thể: được bổ nhiệm vào các chức danh: Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên, chấp hành viên,…; Có thể đảm nhận các chức danh: Luật sư, tư vấn viên, trợ lý pháp luật, thư ký toà án, cán bộ các cơ quan nội chính, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên,…Các cơ quan có thể làm việc sau khi tốt nghiệp: Cơ quan tư pháp: công an, quân đội, toà án, viện kiểm sát, thanh tra, thi hành án; Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp, các ban của Quốc hội, Bộ ngành và cơ quan nhà nước khác; Các doanh nghiệp: công ty, tổng công ty, các loại hình doanh nghiệp khác; Các tổ chức hành nghề Luật: Văn phòng luật sư, công chứng, các hiệp hội nghề nghiệp, dân sự; Các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, chính trị xã hội; tổ chức kinh tế; đơn vị sự nghiệp có liên quan đến lĩnh vực Luật.

Xin chân thành cảm ơn Thầy.

Hồng Sam thực hiện





 

Liên kết
×