English | Français   rss
Liên kết
Đại học Huế tổng kết chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ “Nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 - 2020” (12-04-2015 15:48)
Góp ý

Ngày 11 tháng 4 năm 2015, Đại học Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ”. Tham dự Hội nghị có GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT; TS. Lê Trọng Hùng, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ KH&CN; PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, Chủ nhiệm Chương trình; lãnh đạo Đại học Huế, các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc; chủ nhiệm và các thành viên các đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo và người dân một số địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân quan tâm đến Chương trình.

 

Trong thời gian qua, có nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và đã được thể hiện cụ thể trong nhiều văn bản như các Nghị định, Quyết định… đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Các địa phương khu vực miền Trung đều có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú… Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Để giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân và môi trường, các địa phương trong Khu vực, năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có quyết định phê duyệt chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 – 2020”.

 

Là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu khoa học có uy tín ở khu vực, có đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học lớn, trình độ, chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực, gắn liền với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đại học Huế đã được Bộ GD&ĐT chọn chủ trì Chương trình nghiên cứu KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020”  nhằm giải quyết đồng bộ một số vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của địa phương, góp phần triển khai các định hướng của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Mục tiêu Chương trình nhằm xây dựng mô hình và đề xuất hệ thống các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển nông sản hàng hóa chủ lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn mới tại một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020. Chương trình tập trung nghiên cứu và triển khai tại một số địa phương thuộc khu vực gò đồi và trung du của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

 

Chương trình có 9 đề tài nghiên cứu tập trung xác định mô hình và đề xuất giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển chăn nuôi lợn, bò và dê, cây hồ tiêu, cam và cao su đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới; xác định các tiềm năng, xu hướng phát triển nông sản hàng hóa chủ lực của các địa phương vùng gò đồi  Bắc Trung Bộ; ứng dụng một số kỹ thuật mới để chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ống tiêu hóa và ung thư cổ tử cung cho các tuyến y tế cơ sở; các giải pháp thích hợp phục vụ xây dựng mô hình nông thôn mới tại một số địa phương vùng gò đồi Bắc Trung Bộ. Các mô hình này là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, chính quyền địa phương và người dân tại các khu vực triển khai nghiên cứu.

 

Với mong muốn đóng góp thiết thực và có ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực, đội ngũ cán bộ các nhà nghiên cứu khoa học của Đại học Huế đã quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình và  gặt hái được những kết quả khả quan, các chỉ tiêu nghiên cứu đều đạt và vượt, hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống xã hội được nhân dân các địa phương đánh giá cao. Góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ trong quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới.

 

Các đề tài nghiên cứu của Chương trình đã xây dựng thành công một số quy trình, kỹ thuật sản xuất tăng năng suất giống cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở như: Quy trình chăn nuôi bò sinh sản cải tiến; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; thức ăn tinh hỗn hợp cho dê; tiêm thuốc kháng sinh Tetracycline vào thân cây cam để phòng trừ bệnh vàng lá Greening; chế biến tiêu sọ bằng phương pháp vi sinh; kỹ thuật phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lý ống tiêu hóa; kỹ thuật phục vụ chẩn đoán và điều trị tiền ung thư cổ tử cung...

 

Các mô hình sản xuất:Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh; trồng cỏ cao sản; chăn nuôi lợn an toàn sinh học; vỗ béo dê bằng thức ăn tinh hỗn hợp; mô hình sản xuất 1.000 cây giống tiêu khoẻ bằng giâm hom có xử lý chế phẩm sinh học Pseudomonas; sản xuất cam theo hướng phòng trừ tổng hợp;trồng cao su tiểu điền cho các nông hộ và mô hình xây dựng nông thôn mới cho các xã vùng gò đồi Bắc Trung Bộ...

 

Hệ thống các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ: Hệ thống giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển chăn nuôi và nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt, lợn thịt và dê; phát triển một số giống cây trồng chủ lực (cây hồ tiêu, cây cam, cây cao su tiểu điền); bộ giải pháp về phát triển bền vững các nông sản hàng hóa chủ lực; bộ giải pháp (điều chỉnh) thực hiện các tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương vùng gò đồi Bắc Trung Bộ…

 

Tạo ra các sản phẩm có giá trị cao về lý luận và thực tiễn cụ thể: Tạo ra 10 con lợn  nái ngoại hậu bị (con giống); 150 con lợn ngoại nuôi thịt (con giống); 1000 con lợn lai 3 máu nuôi thịt (con giống); công thức phối trộn thức ăn tinh cho dê; 1.000 cây hồ tiêu giống khoẻ bằng giâm hom có xử lý chế phẩm sinh học Pseudomonas; bộ cơ sở dữ liệu về bệnh lý cổ tử cung; bộ cơ sở dữ liệu về bệnh lý ống tiêu hóa. Các đề tài trong Chương trình nghiên đã công bố 42 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế vượt 22 bài so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu; biên soạn 01 chuyên khảo, 02 tài liệu tham khảo, 01 tài liệu hướng dẫn, phục vụ đào tạo (chỉ tiêu đăng ký: 03 sách tham khảo); đào tạo 62 cử nhân, kỹ sư (chỉ tiêu đăng ký:15 cử nhân); đào tạo 21 Thạc sĩ (chỉ tiêu đăng ký: 10 thạc sĩ); hỗ trợ đào tạo 02 Tiến sĩ (chỉ tiêu đăng ký: 01-02 tiến sĩ) và biên soạn48 chuyên đề thuộc các lĩnh vực nghiên cứu. Các sản phẩm của Chương trình là một đóng góp về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn trong quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước; chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần đẩy mạnh kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thiết thực đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới cho các địa phương vùng gò đồi Bắc Trung Bộ. Các kết quả nghiên cứu của Chương trình mở ra tính khả thi cao trong việc nhân rộng, phát triển các mô hình, ứng dụng các quy trình sản xuất, chăn nuôi, cây trồng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở khu vực Bắc Trung Bộ.

 

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chúc mừng những kết quả đạt được của Chương trình và đánh giá cao hiệu quả các sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất, đặc biệt là sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo. Mong muốn các đề tài tiếp tục được nhân rộng các mô hình, quy trình kỹ thuật ra nhiều địa phương trong khu vực, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và đất nước.

 

PGS.TS.Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT đánh giá, mặc dù nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình còn hạn chế nhưng các nhà nghiên cứu khoa học của Đại học Huế bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình đã thực hiện có hiệu quả Chương trình, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và hiệu quả cao trong thực tiễn sản xuất và công tác đào tạo.TS. Nguyễn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ KH&CN phát biểu: lãnh đạo Đại học Huế và các nhà nghiên cứu khoa học đã có sự chủ động để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả từ khâu chuẩn bị cho đến triển khai. Các đề tài của Chương trình đã thực sự hướng tới các giá trị phục vụ thực tiễn đời sống sản xuất của người dân ở các các địa phương. Thông qua hiệu quả Chương trình nghiên cứu, Đại học Huế đã khẳng định  vị thế và uy tín, vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, Chủ nhiệm Chương trình mong muốn Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN tạo điều kiện, hỗ trợ để một số kết quả, sản phẩm nghiên cứu của Chương trình được tiếp tục phát triển ứng dụng chuyển giao, nhân rộng quy trình kỹ thuật sản xuất, mô hình đã nghiên cứu cho các địa phương vùng gò đồi Bắc Trung Bộ đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Và cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương và các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong khu vực quan tâm phối hợp với Đại học Huế để tiếp tục phát huy, nhân rộng các kết quả đã đạt được và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận các mô hình, quy trình kỹ thuật sản xuất từ các sản phẩm của Chương trình, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn.

 

Trần Đức

Liên kết
×