English | Français   rss
Liên kết
Dự án CDAE: Đào tạo sinh thái nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội (05-04-2021 10:26)
Góp ý

Dự án CDAE – Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ về Sinh thái nông nghiệp, thuộc chương trình Erasmus+  do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học. Dự án do Đại học Huế điều phối. Các đối tác gồm: Vietnam National University of Agriculture (Việt Nam), Benguet State University (Phillipine), Central Luzon State University (Phillipine), Rajarata University (Sri Lanka), University of Peradeniya (Sri Lanka), Mendel University in Brno (Cộng hòa Séc), Instituto Politecnico De Coimbra (Bồ Đào Nha), Novel Group Sarl (Luxembourg). Qúa trình nghiên cứu nhu cầu xã hội về một chương trình đào tạo sinh thái nông nghiệp tại các nước đối tác do Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì trên cơ sở phối hợp phỏng vấn, khảo sát các bên liên quan.

 

 

Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế trình bày báo cáo tại buổi khởi động Dự án CDAE tại Đại học Huế tháng 2.2020

 

 

 

PV: Qua kết quả nghiên cứu, Giáo sư có thể cho biết nhu cầu của các nước đối tác về một chương trình đào tạo sinh thái nông nghiệp?

 

GS. Hoàng Thị Thái Hòa:

Sự tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong 4 thập kỷ qua đã cho thấy giảm đói nghèo đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng vẫn chưa được giải quyết triệt để, mặc dù gia tăng sản lượng và giá lương thực giảm. Tri thức nổi lên như là một yếu tố trung tâm trong đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, cần phải xây dựng các khâu nối để mang lại nhiều kiến ​​thức đa dạng về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Phương pháp tiếp cận sinh thái có thể đóng góp cho vấn đề này.

 

Trong những năm gần đây, số lượng các khóa học và chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và môi trường đã tăng lên ở các nước Châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các chương trình Thạc sĩ liên kết tất cả các lĩnh vực này để đào tạo các chuyên gia có kiến ​​thức và kỹ năng phù hợp về phát triển bền vững và nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chuỗi thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị và kỹ năng chất lượng cao của nhân viên hành chính cũng được nhận thấy. Thực trạng giáo dục đại học ở Việt Nam, Philippines và Srilanka chưa đáp ứng được nhiệm vụ giải quyết các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội gắn với các phương pháp tiếp cận chính thống đối với nông nghiệp. Hầu hết các trường đại học nông nghiệp hiện nay vẫn dạy các phương pháp và công nghệ nông nghiệp truyền thống không bền vững liên quan đến sản xuất cây trồng và vật nuôi, như độc canh cây trồng và sử dụng nhiều hóa chất đầu vào. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện với các mục tiêu: (1) xác định các chương trình phù hợp với các quốc gia đối tác của dự án và có thể mở rộng ra khu vực lớn hơn. (2)  xác định các điểm khiếm khuyết và đánh giá tốt hơn các nhu cầu học thuật mà dự án cần phải đáp ứng; (3) phân tích và báo cáo khung pháp lý và các bước kiểm định chương trình phù hợp với các quốc gia/trường đại học đối tác.

 

 

PV:  Nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc khảo sát như thế nào?

 

GS. Hoàng Thị Thái Hòa: Khảo sát về các Chương trình thạc sĩ tương tự với sinh thái nông nghiệp ở Châu Á tập trung vào việc hệ thống hóa các chương trình thạc sĩ đã có trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, hữu cơ-môi trường tại các đại học của các nước đối tác ở châu Á và châu Âu (từ 8 trường Đại học ở Việt Nam, 1 trường ở Philippine , 8 ở Srilanka, 3 ở Thái Lan, 3 ở Ấn Độ, 3 ở Bangladesh).

 

Từ việc hệ thống hóa các chương trình học cùng với kết quả đầu ra; các môn học bắt buộc hoặc các môn học tự chọn, các đơn vị đã xác định được những điểm còn thiếu trong chương trình, những nội dung chưa được giảng dạy và đánh giá; nhữngnội dung không cần thiết. Qua đó, đã xác định: kết quả học tập và năng lực được cung cấp bởi các khóa học đó; số lượng tín chỉ, lịch học, đánh giá người học, phương pháp giảng dạy và tiêu chuẩn chất lượng.

 

Các dữ liệu được thu thập từ các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà quản lý trong lĩnh vực thị trường lao động nông nghiệp ở các nước Việt Nam, Philippine, Srilanka, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan. Kết quả có thể tóm tắt như sau:

 

Có hơn 1000 trường đại học công lập và tư thục ở Châu Á. Tuy nhiên, số lượng các trường đại học cung cấp các chương trình về nông nghiệp (và đặc biệt liên quan đến nông nghiệp học) lại rất ít, khoảng 100 trường đại học. Ở Việt Nam, có nhiều trường Đại học Nông nghiệp đào tạo về nông học và các lĩnh vực liên quan, nhưng chưa có chương trình đào tạo về Sinh thái Nông nghiệp. Nhìn chung, không có cơ sở giáo dục đại học nào ở Châu Á có chương trình thạc sĩ về Sinh thái Nông nghiệp. Các chương trình hiện nay có mục đích đào tạo ra các chuyên gia có năng lực phương pháp luận và liên ngành phù hợp để đáp ứng nhu cầu trong các ngành liên quan như nông nghiệp, nông lâm kết hợp, sinh thái, khoa học môi trường và phát triển bền vững. Thời lượng của chương trình từ 1 hoặc 1,5 năm đối với chương trình theo định hướng ứng dụng hoặc từ 2-3 năm đối với chương trình nghiên cứu. Ở Việt Nam hiện vẫn đang còn thiếu khung chương trình quốc tế hóa; thiếu chương trình giảng dạy liên môn; thiếu các chuyên đề liên ngành liên quan đến an ninh lương thực, nông nghiệp an toàn và bền vững; chương trình đào tạo thực hành cho sinh viên chưa phong phú, cơ sở vật chất và tài liệu nghiên cứu còn hạn chế.

 

Ở Sri Lanka, khảo sát các ngành nông nghiệp cho thấy 55% các ngành đang thực hiện liên quan đến lĩnh vực sinh thái nông nghiệp. Trong tổng số các ngành được khảo sát, 70% không có nhân viên được đào tạo về các môn liên quan đến sinh thái nông nghiệp.

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những kỹ năng chính phổ biến chưa được cung cấp trong các chương trình sau đại học như tiếng Anh, viết nghiên cứu khoa học, tư vấn, kỹ năng thúc đẩy, giao tiếp, làm việc nhóm độc lập, hiểu lý thuyết và khái niệm về sinh thái nông nghiệp và phát triển bền vững; những kiến ​​thức và kỹ năng về thiết kế, quản lý và đánh giá các hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng và phức tạp; nền tảng vững chắc về phương pháp định lượng để đánh giá các đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp và phân tích, giải thích dữ liệu khoa học.

 

 

PV: Như vậy, rõ ràng một chương trình đào tạo thạc sĩ sinh thái nông nghiệp thật sự cần thiết ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á trong vùng nghiên cứu nói chung?

 

GS. Hoàng Thị Thái Hòa:

Phản hồi từ các trường đại học, học viện và thị trường lao động cho thấy một chương trình thạc sĩ về Sinh thái Nông nghiệp ở Việt Nam là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nhu cầu nhân lực ngành nông nghiệp trong tương lai rất cao. Vì vậy, việc đổi mới nội dung môn học, phương pháp giảng dạy và quy trình đào tạo để nâng cao chất lượng trình độ Thạc sĩ được đánh giá là rất cần thiết; đồng thời tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao kiến ​​thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên tốt nghiệp.

 

PV: Chân thành cảm ơn Cô. Mong muốn trong thời gian tới, các đối tác trong dự án sẽ thành công trong việc xây dựng chương trình chuyển đổi tín chỉ, trao đổi nguồn lực, phòng thí nghiệm… Từ đó, điều chỉnh và cải tiến chương trình phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu.

 

AH thực hiện

Liên kết
×