English | Français   rss
Liên kết
Giảng dạy lâm sàng là trụ cột trong đổi mới đào tạo y khoa (02-12-2018 01:48)
Góp ý

Ngày 1/12, Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế phối hợp với Liên minh Cải thiện chất lượng đào tạo & quản lý bệnh mới nổi (IMPACT-MED) tổ chức hội nghị Đổi mới giáo dục y khoa toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề “Giảng dạy lâm sàng và đào tạo chuyên khoa trong đổi mới đào tạo nhân lực y tế”.

 

Tham dự hội nghị có GS. TS, Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo – Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Michael Green, Gi ám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế, hơn 350 đại biểu là các nhà lãnh đạo về lĩnh vực đào tạo y khoa, các giảng viên, sinh viên y khoa trong nước, quốc tế.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y Dược, Đại học Huế

 

Sau thành công của những Hội nghị năm trước, Hội nghị đổi mới giáo dục y khoa toàn quốc đã trở thành diễn đàn tiên phong cho các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo của các trường đại học và các bệnh viên chuyên ngành sức khỏe tại Việt Nam chia sẻ những cải tiến và những tiến bộ trong lĩnh vực đào tạo y khoa. Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế là thành viên của Liên minh cải thiện chất lượng đào tạo y khoa và quản lý các bệnh mới nổi (IMPACT-MED). Tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đã chia sẻ Giảng dạy lâm sàng là trụ cột trong đổi mới đào tạo y khoa và hội nghị lần này tạo cơ hội lớn cho các nhà giáo dục chuyên ngành sức khỏe ở Việt Nam chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình.

 

Hội nghị thu hút hơn 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự (Ảnh: Dân trí)

 

Tại phiên toàn thể, có 3 báo cáo: Xây dựng giáo dục y khoa cho tương lai, BS. Darrell G.Kirch, Chủ tịch và Gi ám đốc điều hành Hiệp hội các Trường ĐH Y khoa Hoa Kỳ (AAMC); Vai trò đào tạo chuyên khoa trong đảm bảo chất lượng và an toàn, BS. Sussan Day, Phó Chủ tịch Ban các vấn đề y tế, ACGME Quốc tế, Chicago, IL, Hoa Kỳ.

 

Theo báo cáo của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y Tế, cả nước có 43 cơ sở đào tạo đại học ngành y dược. Số lượng sinh viên đại học khối ngành sức khỏe tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2006 – 2017 tăng 4 lần (năm 2017 là hơn 20.000). Con số đó đáp ứng được nhu cầu theo xu hướng gia tăng dân số và nhu cầu của sự phát triển. Tuy nhiên, kéo theo đó là những bất cập như: tăng số lượng các cơ sở đào tạo, không theo quy hoạch; các trường ngoài công lập gia tăng số lượng và tuyển sinh còn cao hơn các trường truyền thống. Trong khi tăng quy mô tuyển sinh, hình thức đào tạo thì vấn đề đầu ra chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng; thiếu nhân lực phù hợp ở tuyến cơ sở. Hệ thống chính sách chưa phân định rõ 2 hướng đào tạo để hình thành năng lực nghiên cứu và năng lực thực hành khám chữa bệnh, do đó đầu ra của chương trình đào tạo chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế…

 

Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam. Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế; chú trọng vai trò bệnh viện thực hành…

 

Trong 2 ngày, nhiều phiên toàn thể và các hội thảo song song sẽ thảo luận nhiều vấn đề, phương pháp, công nghệ, các cách tiếp cận mới về giảng dạy y khoa, lượng giá và đánh giá, tầm nhìn chiến lược trong giảng dạy lâm sàng và đào tạo chuyên khoa trong đổi mới đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam.

 

PV

Liên kết
×