English | Français   rss
Liên kết
Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tỷ lệ thí sinh vi phạm ít (14-07-2008 06:50)
Góp ý
Theo đánh giá chung, thí sinh dự thi ở Đại học Huế đạt tỷ lệ cao so với các tỉnh, thành khác, bình quân đạt 73, 5 %; thí sinh bị kỷ luật giảm hẳn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và Đại học Huế, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc. PV báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
<body>


 

PV: Ông đánh giá như thế nào về hai đợt tuyển sinh vừa qua ở Đại học Huế?

Ông Lê Quang Hưởng: Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Huế diễn ra một cách nghiêm túc, an toàn, tốt đẹp. Công tác tập huấn tốt, ý thức của cán bộ coi thi được nâng cao nên tỷ lệ vi phạm quy chế thi giảm hẳn. Tuy số lượng thí sinh (TS) thi đợt hai năm nay tăng nhiều, gây áp lực cho Đại học Huế, nhưng đơn vị đã tăng cường lực lượng ở những điểm thi xung yếu, điều hành tốt công tác coi thi.

PV: Vấn đề nan giải của Đại học Huế cũng như các trường làm công tác tuyển sinh là lệ phí dự thi những năm qua vẫn ở mức 20.000 đ/ TS. Thực tế cho thấy, tỷ lệ TS càng tăng, số tiền bù lỗ càng nhiều, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ) chưa đồng ý với đề xuất tăng lệ phí dự thi thưa ông?

Ông Lê Quang Hưởng: Hầu hết, các trường làm công tác tuyển sinh đều bị lỗ vì kinh phí bồi dưỡng cán bộ coi thi và chấm thi đều tăng. Theo quan điểm của Bộ (Bộ cũng mong muốn) các trường tham gia công tác tuyển sinh xem đây là một nhiệm vụ, nhằm giảm bớt khó khăn cho vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, qua kiến nghị của các trường, năm nay Bộ Tài chính đã thống nhất phương án cho bù lỗ, giúp các trường điều hành công tác tuyển sinh tốt hơn.

PV: Theo thống kê của Đại học Huế, bình quân thêm một TS, đơn vị phải bù lỗ từ 24.000 đ đến 25.000 đ cho công tác coi thi và chấm thi, trong khi TS “ảo” những năm trở lại đây vượt mức 25%. Vậy, Bộ có phương pháp nào giúp các trường hạn chế bớt số lượng hồ sơ “ảo” ở đầu vào?

Ông Lê Quang Hưởng: Đây là vấn đề bức xúc của nhiều đơn vị tuyển sinh trong thời gian qua. Một số trường đã đề xuất và đưa ra những biện pháp hữu hiệu. Phương án thứ nhất, nên thu mức lệ phí tăng ở đợt một để hạn chế tỷ lệ nộp hồ sơ. Phương án thứ hai, có thể kiểm tra qua hệ thống thông tin nhập dữ liệu. Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, sử dụng hệ thống này đã phát hiện gần 1.000 TS trùng họ tên nên đã sắp xếp, bố trí một chỗ ngồi cho một TS có 2 hoặc 3 hồ sơ nguyện vọng trong cùng một trường. Phương án thứ ba, hầu hết các trường khi bố trí phòng thi đều “trừ hao” một phần. Theo kinh nghiệm những năm qua, Đại học Huế bố trí 30 thí sinh/33 hồ sơ đăng ký, nếu vượt mức có thể bố trí bàn ghế dự phòng.

PV: Qua công tác tuyển sinh ở Huế, theo ông cần rút kinh nghiệm nào cho bản thân đơn vị cũng như các trường đại học khác?

Ông Lê Quang Hưởng: Đây là năm đầu tiên tôi thanh tra tại Đại học Huế nhưng tôi đánh giá cao việc thực hiện quy chế ở khu vực này. Môi trường làm bài yên tĩnh, nghiêm túc. Lực lượng phụ huynh không đứng tràn ra đường, gây cản trở giao thông đi lại. Tuy nhiên, để có một kỳ thi tuyển sinh tốt hơn vào các năm sau, tôi nghĩ đơn vị tuyển sinh nên cố gắng tránh những điểm thi có hệ thống tường rào chưa thật an toàn. Vừa qua, tường rào ở một vài hội đồng thi ở Huế có phần thấp hoặc hư hỏng nên phải tăng cường thêm lực lượng bảo vệ. Tỷ lệ TS dự thi ở Huế tăng cao cũng có thể là một áp lực tìm điểm thi. Dựa trên những tiêu chí của Bộ đưa ra, trong quá trình khảo sát, chúng ta có thể chọn điểm trường xa. Nếu cơ sở vật chất tốt, sẽ giảm thiểu tối đa những sự cố bất ngờ tại các hội đồng thi.

Xin cảm ơn ông!

T.Ninh (thực hiện)









 

</body>
Liên kết
×