English | Français   rss
Liên kết
Nữ sinh khiếm thị đỗ thủ khoa (12-08-2008 09:28)
Góp ý
Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này đang rất vui vì lần đầu tiên có một học sinh đậu đại học với số điểm cao và là thủ khoa ngành Ngữ văn của trường ĐH Khoa học - Đại học Huế. Hôm nào phòng của Trần Thị Mỹ Lài, cô thủ khoa khiếm thị cũng tấp nập khách đến thăm và chúc mừng.
<body>

Niềm vui bất tận

Là con thứ trong gia đình ngư dân nghèo ở huyện Phú Vang, lúc chào đời, Lài bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi con biết lẫy, biết ngồi, mẹ Lài lo lắng vì thấy con không có khả năng nhìn theo hướng dẫn của gia đình.

Sau này, biết con không còn khả năng nhìn được, mẹ Lài bao đêm khóc hết nước mắt vì thương con. Bao nhiêu tình thương yêu, sự quan tâm, bố mẹ đều dành hết cho Lài, mong bù đắp cho con phần nào thiệt thòi của số phận.

Lên 7 tuổi, Lài được bố mẹ gửi vào Trung tâm Giáo dục và hướng nghiệp trẻ em mù Thừa Thiên - Huế với mong ước cho con được một nền giáo dục thích hợp. Lài được các cô chú trong trung tâm dạy dỗ và xin cho em được theo học hòa nhập cùng các bạn bình thường.

Lài bộc bạch: “Em thích vào ngành báo chí, trở thành phóng viên nhưng suy nghĩ kỹ, việc đi lại sẽ rất khó khăn, cuối cùng em đăng ký thi vào ngành Ngữ văn trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Sau này ra trường em sẽ dùng kiến thức mình học được dạy lại cho các em nhỏ khiếm thị”.

Còn nhớ những ngày làm bài thi ở hội đồng thi trường THPT Hai Bà Trưng, Lài luôn tránh mặt các phóng viên. Sau này, em mới thổ lộ là vì áp lực rất lớn, sợ không làm được bài thi sẽ phụ lòng mong đợi của mọi người.

Khi biết tin mình là thí sinh cao điểm nhất ngành Ngữ văn ở trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Lài khá bất ngờ: “Em thấy đề không khó lắm so với năm trước. Em chỉ nghĩ sẽ gắng làm bài hết sức mình để không phụ lòng mong đợi của mọi người. Không nghĩ là mình sẽ đạt điểm cao nhất ngành. Không ngờ em được 20 điểm tròn, đứng đầu so với các bạn cùng thi vào khoa Ngữ văn, chưa bao giờ em được đón nhận niềm vui như thế. Đến bây giờ, cảm giác vẫn còn lâng lâng” - Lài tâm sự.

Mẹ Lài, bà Phan Thị Hạnh đã bật khóc khi con gái báo tin đậu điểm cao. Bà Hạnh xúc động: “Cháu chịu nhiều thiệt thòi nhất nhà, tôi luôn động viên cháu tự tin để thực hiện ước mơ của mình. Vậy là cháu đã làm được. Mấy ngày ni cả nhà tôi vui lắm! Tôi đang dạy cho cháu cách sống ở môi trường chung và cả cách tự chăm lo cho bản thân mình. Sẽ khó khăn lắm đây nhưng tôi tin cháu sẽ vượt qua được tất cả”.

Tương lai là những tháng ngày gian nan

Trần Thị Mỹ Lài là một trong hai TS khiếm thị tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Huế năm 2008, áp lực đè nặng lên vai Lài vì được sự quan tâm của quá nhiều người. 12 năm ở Trung tâm, 12 năm được các cô chú chăm sóc, hỗ trợ học hành, đó quả là may mắn so với bao nhiêu bạn bè khiếm thị khác.

Đây là năm thứ hai Lài thi đại học. Ngày làm ở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh, mãi đến tận 9 giờ tối hàng ngày, Lài mới bắt tay vào ôn tập, học bài. Sách vở học thi của Lài gấp bốn lần thí sinh bình thường vì tất cả phải “dịch” sang chữ braille.

“Vất vả lắm vì không có sách dành riêng cho người khiếm thị. Thi thoảng em phải nhờ các cô ở phòng giáo vụ đọc giúp hoặc các em nhỏ nhìn đỡ. Trợ thủ đắc lực nhất của em là bé Nhi, học lớp 7 ở trung tâm. Hằng tối, Nhi phải cầm kính lúp dò từng câu trong sách để em viết ra chữ braille” - Lài nhớ lại.

Niềm vui như bừng lên trên khuôn mặt em, nhưng chúng tôi vẫn đọc được trong giọng nói ngập ngừng của Lài một nỗi lo lắng về quãng thời gian đầy thử thách trên giảng đường trước mặt: “Ngay sau khi có điểm thi, em gọi ngay về cho ba mẹ ở huyện Phú Vang”.

Trước Lài có Duy, Hạnh là hai thí sinh ở Trung tâm đang học đại học. Được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ, Lài đã bớt lo lắng. Song, chặng đường phía trước vẫn là thử thách mới.

Như các anh chị trước, vào đại học, Lài sẽ phải chuyển vào ở ký túc xá, tự lo ăn uống, sinh hoạt chứ không còn được cô chú trung tâm giúp đỡ như bây giờ. Lài bộc bạch: “Chặng đường đại học sẽ gian nan hơn rất nhiều, em phải cố gắng gấp hai, gấp ba trước đây.

Sau khi ra trường, em muốn về lại Trung tâm để giảng dạy và giúp đỡ các em nhỏ”.

TPO

 

</body>
Liên kết
×